Phòng ngừa cảm lạnh bằng 4 loại gia vị rẻ tiền, dễ kiếm
Trời trở lạnh khiến nhiều người dễ mắc bệnh cảm lạnh. Để phòng ngừa căn bệnh này bạn đừng quên bổ sung vào thực đơn hằng ngày 4 loại gia vị sau...
Vào mùa đông, thời tiết lạnh, độ ẩm trong không khí thấp, là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp trên.
Theo lý luận y học cổ truyền, khí tiết mùa đông chủ yếu là phong hàn, dễ gây bệnh cho tạng phế. Phế chủ bì mao, khai khiếu ra mũi, chủ về tiếng nói và thông ra họng… nếu phong hàn phạm phế sẽ gây cảm lạnh, biểu hiện bởi một số triệu chứng như hắt hơi, xổ mũi, ho hắng...
Hiện miền Bắc đang bước vào những ngày đông se lạnh, nhiệt độ giảm, gió thổi mạnh… tạo điều kiện thuận lợi gây bệnh cảm lạnh. Để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh cảm lạnh, bạn có thể sử dụng một số loại gia vị đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm sau trong bữa ăn hàng ngày.
1. Gừng tươi (sinh khương) phòng cảm lạnh
Với mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng... gừng là một gia vị sử dụng phổ biến trong các món ăn của người Việt. Không chỉ có vậy, gừng còn có tác dụng phòng, chữa bệnh phong hàn rất hiệu quả.
Gừng sống là thân rễ tươi của cây gừng, có tên khoa học là Rhizoma Zingiberis. Tính hơi ấm, vị cay; qui kinh phế, tỳ, vị.
Tác dụng: Phát hãn, chỉ nôn do lạnh, giải độc, giảm ho; thường dùng chữa chứng cảm mạo do phong hàn, ôn hòa trung tiêu, kích thích tiêu hóa, ức chế một số vi khuẩn gây bệnh.
Dùng phòng bệnh cảm lạnh:
- Trà gừng: Dùng 5g gừng sống, giã nhỏ hoặc thái lát, hãm với 200ml nước nóng trong 5-7 phút, pha thêm đường phèn tùy khẩu vị, uống ngay khi còn nóng, có thể dùng trước ăn.
- Dùng trong đồ ăn hàng ngày: Dùng 5-10g gừng sống (tùy số lượng thực phẩm gia giảm cho phù hợp), ướp trước hoặc bỏ trực tiếp khi nấu ăn.
Kiêng kị: Người có bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày không nên sử dụng gừng.
2. Quế chi
Quế chi là cành cây nhỏ của nhiều loại quế có thể có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Có tên khoa học là Ramulus Cinamomi; tính ấm, vị cay ngọt; qui kinh tâm, phế, bàng quang.
Tác dụng: Ôn kinh thông dương, phát hãn, giải cơ; thường dùng để ôn ấm cơ thể, trừ phong hàn, chữa cảm mạo, ức chế virus cúm, bên cạnh đó còn hỗ trợ đường tiêu hóa tốt hơn.
Dùng phòng bệnh cảm lạnh:
- Trà quế: Dùng 4g quế chi, hãm với 200ml nước nóng trong 5-7 phút, pha thêm đường phèn tùy khẩu vị, uống ngay khi còn nóng, có thể dùng trước ăn.
- Kiêng kị: Phụ nữ có thai, người tăng huyết áp, người nóng trong… không nên dùng quế chi.
3. Tía tô
Tía tô có tên khoa học là Herba Perillae; tính ấm, vị cay; qui kinh phế, tỳ.
Tác dụng: Phát tán phong hàn, giải độc, giải dị ứng; thường dùng cho bệnh cảm mạo, chữa ho long đờm, chữa ngực bụng đầy trướng, đầy bụng khó tiêu, nôn mửa,…
Dùng phòng bệnh cảm lạnh:
- Dùng trực tiếp tía tô, ngày dùng 6 - 10g tía tô rửa sạch, ăn trực tiếp.
- Pha trà với tía tô phơi khô, dùng 6g tía tô, hãm với 200ml nước nóng, dùng khi trà còn ấm; dùng nấu với đồ ăn hàng ngày, khoảng 15-30g tùy khẩu phần ăn.
Kiêng kị: Người hay ra mồ hôi trộm, người đại tiện lỏng không nên dùng tía tô.
4. Kinh giới
Kinh giới được sử dụng toàn cây làm thuốc , có tên khoa học là Herba Elsholtziae cristatae, họ Hoa môi; tính ấm, vị cay. Qui kinh phế, can.
Tác dụng lâm sàng: Phát tán ngoại tà, tán phong tà; thường dùng cho chứng cảm mạo phong hàn, đau đầu do phong hàn, lợi đại tiểu tiện.
Dùng phòng bệnh cảm lạnh:
- Dùng trực tiếp kinh giới sống 5-10g/ngày trong bữa ăn.
- Kiêng kị: Với người bị động kinh, cảm mạo phong nhiệt không nên dùng kinh giới.
Bài viết trên chỉ mang tính tham khảo, khi sử dụng bất kì thuốc y học cổ truyền để phòng bệnh, trị bệnh cần tham vấn ý kiến của người có chuyên môn.
Ngoài ra, bạn đọc nên chủ động tập luyện thể thao đều đặn 30 phút/ngày; nghỉ ngơi điều độ, tránh lao lực quá sức gây suy giảm hệ miễn dịch, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus gây bệnh cảm mạo trong mùa đông này.