Người bệnh tim mạch "yêu" như thế nào để an toàn?
Đối với người có bệnh tim mạch, hoạt động tình dục là hoạt động gắng sức nhẹ, làm tăng nhịp tim và huyết áp nhưng không nhiều.
Người có bệnh tim mạch thì "yêu" như thế nào cho an toàn? Câu trả lời sẽ có trong cuộc phỏng vấn TS.BS Phạm Như Hùng, Phó giám đốc BV Tim Hà Nội- Tổng thư ký Hội tim mạch can thiệp VN.

TS.BS Phạm Như Hùng, Phó giám đốc BV Tim Hà Nội- Tổng thư ký Hội tim mạch can thiệp VN.
Các bệnh lý tim mạch thường là một rào cản lớn với quan hệ thầm kín của một cặp đôi. Chúng tôi muốn chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch cho biết: Có đúng là bệnh nhân tim mạch không được phép làm "chuyện ấy" như người bình thường không?
Các nghiên cứu cho thấy quan hệ tình dục làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim lên 2,7 lần ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch so với người bình thường. Nguy cơ đột tử xảy ra khi quan hệ tình dục chiếm tỉ lệ 0,6-1,7% ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch. Như vậy nguy cơ là có và gia tăng ở người có bệnh lý tim mạch, đặc biệt trên những bệnh nhân đã có tổn thương động mạch vành như nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim phì đại, phình tách động mạch chủ…
Tuy nhiên, tình dục là một nhu cầu thiết yếu của con người. Cuộc sống không nên và khó có thể thiếu chuyện lứa đôi. Một số tình trạng bệnh tim nặng như suy tim nặng, bệnh van tim nặng, nhồi máu cơ tim không ổn định hoặc các tình trạng bệnh lý tim mạch chưa ổn định thì ‘chống chỉ định’ với các hoạt động tình dục. Còn lại thì, tin vui cho các bệnh nhân tim mạch là nhiều người trong số họ vẫn có thể ‘yêu’ một cách bình thường. Đó là những bệnh nhân có cơn đau thắt ngực độ I và II, những bệnh nhân suy tim độ NYHA I và II, những bệnh lý van tim nhẹ đến trung bình, hầu hết những bệnh tim bẩm sinh, những bệnh nhân không có triệu chứng nhồi máu cơ tim, những bệnh nhân bị bệnh lý mạch vành đã được tái thông mạch thành công.
Tuy nhiên, cẩn trọng nhất thì bệnh nhân tim mạch nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trong câu chuyện nhạy cảm này.

Bệnh nhân tim mạch nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để ‘yêu’ được an toàn.
Thực tế cho thấy có hiện tượng suy giảm chức năng tình dục sau bệnh tim. Liệu đây có phải là do tim không được cung cấp máu đủ cho hoạt động thể lực đặc biệt này, thưa bác sĩ?
Đúng vậy. Tuy nhiên, nó còn rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đều có những stress nhất định. Những căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến tâm lý ham muốn và ảnh hưởng đến cuộc yêu. Tập luyện thể lực giúp cho bệnh nhân tim mạch gia tăng khả năng gắng sức, giảm nguy cơ khi hoạt động tình dục và giảm cả nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.
Suy giảm chức năng tình dục trên bệnh nhân tim mạch cũng có thể do một số thuốc điều trị bệnh gây ra, đặc biệt là các thuốc chẹn beta, lợi tiểu. Do vậy, với những bệnh nhân tim mạch còn trong lứa tuổi hoạt động tình dục bình thường bác sĩ sẽ chú ý khi kê thuốc, trừ khi là các thuốc thiết yếu và không thể thay thế.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết rằng, rối loạn cương dương, liệt dương... là dấu hiệu sớm của những bệnh lý tim mạch? Một người rơi vào tình trạng đó cần phải làm gì?
Chính xác. Sở dĩ có mối liên quan này là do rối loạn cương dương và các bệnh lý tim mạch có chung các yếu tố nguy cơ gây bệnh như lối sống không lành mạnh như ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, rượu bia, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường… và chung cơ chế gây bệnh như rối loạn chức năng của tế bào nội mô mạch máu,…
Giả dụ một bệnh nhân tim mạch bị xuất hiện cơn đau thắt ngực khi quan hệ tình dục, có nên tiếp tục cho đến hết cuộc yêu hay… dừng lại luôn, thưa bác sĩ?
Đau ngực có thể là một chỉ dấu của bệnh lý động mạch vành. Vì thế, khi có triệu chứng này chúng ta nên dừng cuộc yêu. Ngoài ra, với các triệu chứng khác như khó thở, nhịp tim không đều xuất hiện khi đang quan hệ tình dục, chúng ta cũng nên dừng lại cuộc yêu.
Tư thế chuẩn của người bệnh tim mạch khi "yêu" là… nằm bên dưới, điều này có đúng không, thưa bác sĩ?
Dù là tư thế nào thì cũng phải phụ thuộc vào khả năng gắng sức và những giới hạn của chúng ta. Vì vậy thông tin ‘bệnh nhân tim nằm dưới’ là không hoàn toàn đúng, tuy rằng điều đó có thể sẽ đỡ gánh nặng hơn cho người có bệnh tim.. Chỉ nên lưu ý rằng, nếu người bệnh tim mạch trong lúc quan hệ thấy mệt nhiều, khó thở hoặc đau ngực thì nên chuyển những động tác nhẹ nhàng hơn. Một số trường hợp, việc dùng gối để nâng cao đầu có thể cũng giúp ích cho bệnh nhân tim mạch trong khi yêu.
Điều quan trọng nhất để người bệnh tim mạch vẫn có cuộc sống vợ chồng bình thường là gì, bác sĩ có thể cho lời khuyên được không ạ?
Để hạn chế nguy cơ biến cố tim mạch có thể xảy ra, người bị tim mạch nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Đồng thời, tuân thủ điều trị thuốc, sẽ giúp cải thiện chức năng tim mạch. Đó là lời khuyên quan trọng nhất.
Khi có trái tim khỏe chúng ta có thể có cải thiện về sức khỏe tình dục. Hiện nay, chưa có một số liệu nào chứng minh hiệu quả của một thuốc tim mạch đối với việc cải thiện chức năng tình dục ở bệnh nhân tim mạch.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ về những thông tin cụ thể, thiết thực.