SỐNG KHỎE

Món ăn, vị thuốc và sức khỏe

19/06/2019 - 15:30

Chúng ta từng nghe nhiều lời khuyên trên mạng về thức ăn choải nhau như uống sữa với xoài; xào nấu gan heo với giá đỗ; uống sữa đậu nành và trứng gà...

Trên mạng hoặc truyền miệng có nhiều danh sách các món ăn “choải nhau”, tuy nhiên đa phần là chưa có cơ sở khoa học cả theo quan điểm Y học hiện đại lẫn Y học cổ truyền.

Khoan  nói về mặt lý luận khoa học, chỉ cần thấy trong đời sống có nhiều món bị đồn thổi là dùng chung với nhau không tốt hoặc gây ngộ độc, thậm chí gây chết người thì trên thực tế lâu nay vẫn nấu ăn như vậy và không có vấn đề gì cả, các bệnh viện cũng chưa từng ghi nhận người bệnh gặp vấn đề vì vấn đề các món ăn “choải nhau”, mà toàn là ghi nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm (do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm) gây nên. Như vậy, chúng ta cần chú ý tới độ sạch của thực phẩm hơn là quá sợ hãi về các món ăn choải nhau.

Đa dạng thực phẩm - lợi cho sức khỏe

Hiện nay không có cơ sở khoa học nào khẳng định có những loại thức ăn choải nhau (kỵ nhau).Về khía cạnh dinh dưỡng thì món ăn càng đa dạng về chất càng tốt cho sức khoẻ.Có những món ăn cùng nhau dễ gây đầy hơi, khó tiêu, giảm chất dinh dưỡng, nhưng không hề gây ung thư, tiêu chảy, thậm chí tử vong.

Sự kết hợp các loại thực phẩm làm cho món ăn đa dạng về nguồn dinh dưỡng, tăng hương vị, và giúp hấp thu nhiều dưỡng chất hơn. Ví dụ: món thịt bò bóp thấu. Trong món này có khế nên tăng cường hấp thu sắt, bổ máu. Món này còn tăng cường miễn dịch.Canh riêu gồm cá nấu với me hoặc mẻ.Món này có nhiều acid citric, acid lactic. Hai loại acid này có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa chất đạm, chất béo trong cá và tăng cường hấp thu sắt, canxi.

Cần chú ý khi sử dụng thực phẩm đó là có những thực phẩm kỵ với thuốc. Các thuốc tân dược: một số loại thực phẩm có thể làm trở ngại việc hấp thu thuốc, nhất là những đồ ăn có tính acid như nước trái cây, hoặc làm chậm hấp thu thuốc như thực phẩm nhiều chất xơ, làm giảm hiệu quả trị bệnh của thuốc. Cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn.

Vấn đề ăn uống trong y học cổ truyền được nói đến trong thực dưỡng trong đó ăn uống có vai trò bổ sung cho phần “tinh” trong tam bảo (3 bảo vật quí nhất của con người là: Tinh, Khí, Thần). Cũng như các vị thuốc, thức ăn cũng được phân loại theo tính âm dương, Những thức ăn có màu tối, đen, đục, chua đắng, mặn, lạnh, mát... thuộc âm. Những thức ăn có màu đỏ, vàng, xanh, trắng, trong, cay, the, ngọt, nóng... thuộc dương.Việc tạo sự quân bình âm dương trong ăn uống sẽ giúp thân thể khỏe mạnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ăn uống để nuôi dưỡng cơ thể

Vệ sinh thực phẩm, phối hợp thức ăn, gia công chế biến, loại thức ăn, cách thức và thời gian ăn uống như ăn đúng giờ, ăn chậm nhai kĩ, không nên ăn quá đói hay quá no. dễ gây thực trệ, tổn thương chức năng vị tràng hoặc có thể gây các bệnh khác.

Vấn đề ăn uống không điều độ được gọi là “Ẩm thực thất điều” là nguyên nhân gây bệnh thuộc nhóm bất nội ngoại nhân trong Y học cổ truyền... Y học cổ truyền cũng khuyên người ta không nên ăn món gì đó quá nhiều sẽ gây mất cân bằng âm dương, sẽ phát sinh bệnh tật.

Trong Y học cổ truyền không ghi nhận các món ăn không nên dùng kèm với nhau, mà chỉ khuyên những món nào không phù hợp với thể trạng của từng người, như người bị mắc chứng hàn không nên ăn các món có tính chất sống, lạnh vì đông y đề cập “hàn ố hàn tắc tử”, cũng như khi người nhiệt không dùng thức ăn đồ uống gây nóng “nhiệt ố nhiệt tắc cuồng”.

Không dùng kèm với nhau có ghi nhận trong lĩnh vực thuốc Y học cổ truyền: có những loại thuốc nếu dùng chung có thể gây tác dụng phụ, giảm tác dụng của nhau, thậm chí gây độc. Do vậy, y học cổ truyền quy định một số loại thuốc không được dùng chung thông qua cách kê đơn thuốc thể hiện sự suy nghĩ của thầy thuốc đối với người bệnh, là sự tính toán, cân nhắc trong các thế trận dàn ra để tấn công và phòng thủ trên cơ sở đánh giá đúng thể trạng của người bệnh và thuốc men có được của thầy thuốc.

Một đơn thuốc phải đạt được các yêu cầu chính sau đây:

Thể hiện rõ ràng đường lối điều trị là điều hòa âm dương thủy hỏa, khí huyết để phục hồi chức năng sinh lý bình thường của cơ thể, cân nhắc giữa hai khâu:

- Công tà là thanh trừ những nhân tố gây bệnh (tả). Cân nhắc giữa một bên là:

Cho ra mồ hôi (phát hãn).

Gây nôn mửa (thổ).

Thông lợi đại tiểu tiện (hạ lợi).

Làm cho tiêu tán (tiêu tán).

- Bổ chính là điều hòa khí huyết, bồi bổ cơ thể (bổ). Và một bên khác là:

Làm cho hòa hoãn (hòa giải).

Làm cho dịu nóng (thanh nhiệt).

 Làm cho ấm lên (ôn).

Điều bổ khí huyết (bổ).

- Cân nhắc giữa hư thực:

Bệnh đang tiến triển (tà khí thực) mà cơ thể người bệnh còn khỏe (chính khí thực) thì công tán bệnh tà là chính.

Bệnh đang tiến triển (tà khí thực) mà cơ thể người bệnh hư yếu (chính khí hư) thì vừa công tán bệnh tà vừa bổ chính khí.

Bệnh tà đã lùi (tà khí hư) mà cơ thể người bệnh hư yéu (chính khí hư) thì điều hòa cơ thể, bồi bổ chính khí.

Bảo đảm sự cân đối giữa các vị thuốc:

- Trị nguyên nhân gọi là Quân.

- Làm tăng cường hiệu lực cho vị thuốc chính (hỗ trợ) gọi là Thần

- Có tác dụng thứ yếu goi là Tá

- Có tác dụng điều hòa gọi là Sứ.

Bảo đảm liều lượng cho vừa đủ tác dụng không nên quá nhiều mà cũng không nên quá ít.

Bảo đảm không có sự cấm kỵ

- Cấm kỵ khi có thainhư bã đậu (tả hạ), tam thất, tô mộc, dào nhân, hồng hoa (hoạt huyết), xạ hương (phá khí), nga truật, thủy điệt (phá huyết), phụ tử, can khương, nhục quế (đại nhiệt).

- Các vị thuốc tương phản lẫn nhau: cam thảo chống cam toại, nguyên hóa, hải tảo; ô đầu phản bối mẫu, bán hạ, bạch cập; lê lô phản các loại sâm, tế tân, bạch thược.

- Kiêng cữ khi uống thuốc: ví dụ khi uống thuốc ôn trung khử hàn (nóng, ấm) không ăn các đồ lạnh; dùng các thuốc kiện tỳ, tiêu đạo không nên ăn các chất béo, tanh: dùng thuốc an thần không nên ăn các chất kích thích như tiêu, ớt.

Áp dụng chặt chẽ các quy chế về thuốc độc Đông y.

Bảng A - ba đậu sống, ban miêu, hoàng nàn, mã tiền, ô đầu, phụ tử sống, thạch tín.

Bảng B - ba đậu chế, hoàng nàn chế, hùng hoàng (Asen sunfua - dùng ngoài), khinh phấn (calomen), mã tiền chế.

- Chú trọng chất lượng thuốc, đúng quy cách dược liệu. Đây cũng là một điều kiện quyết định cho việc kê đơn thuốc có hiệu quả hay không.

- Trên nguyên tắc “người nhiệt dùng thuôc hàn, người hàn dùng thuốc nhiệt”. Gặp người hàn phải tăng cường vị cay nóng, giảm bỏ vị mát; để bớt tính mát của các vị mát, nên đem sao vàng. Gặp người nhiệt phải tăng vị mát, đắng, chua, giảm bớt vị nhiệt; để tươi dùng

Như vậy, cả y học hiện đại và y học cổ truyền chưa ghi nhận các món ăn tương kỵ với nhau mà chỉ ghi nhận là tương kỵ với thuốc, hoặc thuốc tương kỵ với thuốc. Các món ăn có sự kết hợp lâu nay chúng ta vẫn sử dụng là an toàn và rất hợp khẩu vị. Trong chuyện ăn uống nên chú ý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cân bằng âm dương và tạo sự vui vẻ khi ăn, thưởng thức món ăn làm cho ta có cảm giác ngon hơn góp phần thi vị hơn trong cuộc sống và tăng cường sức khỏe.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Theo BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ/Sức khỏe đời sống
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/mon-an-vi-thuoc-va-suc-khoe-n159134.html
...