SỐNG KHỎE

Đứng hay ngồi tốt hơn cho sức khỏe?

25/10/2024 - 18:00

Để chống lại những tác động tiêu cực của việc ngồi trong thời gian dài, nhiều người cố gắng đứng nhiều hơn khi làm việc hay ở nhà. Tuy nhiên, việc đứng nhiều có thể không mang lại lợi ích sức khỏe như mong đợi.

Đứng hay ngồi tốt hơn cho sức khỏe?

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Sydney (Australia) được công bố trên tạp chí y khoa International Journal of Epidemiology đã xem xét liệu việc đứng nhiều thay vì ngồi có thể cải thiện sức khỏe tim mạch hay không.

Các tác giả đã sử dụng dữ liệu về bệnh tim và bệnh về lưu thông máu mới khởi phát được thu thập trong khoảng thời gian từ 7 - 8 năm của 83.013 người tham gia để điều tra tác động của ngồi nhiều và đứng nhiều đối với bệnh tim mạch. Những dữ liệu này được đo bằng thiết bị đeo tay tương tự như đồng hồ thông minh.

Đáng ngạc nhiên là kết quả cho thấy việc đứng nhiều không cải thiện sức khỏe tim mạch gồm bệnh tim mạch vành, đột quỵ và suy tim, mà thực tế có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tuần hoàn như giãn tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), những tình trạng gây ra do lưu thông máu kém.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Getty Images)

 Ảnh minh họa (Nguồn: Getty Images)

Tác giả chính, tiến sĩ Matthew Ahmadi, từ Đại học Sydney, cho biết: "Điểm mấu chốt là đứng quá lâu sẽ không bù đắp được lối sống ít vận động và có thể gây nguy hiểm cho một số người về lưu thông máu".

Mặc dù các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đứng nhiều hơn không gặt hái được lợi ích sức khỏe, nhưng họ cảnh báo không nên ngồi trong thời gian dài. Các nhà nghiên cứu nhận thấy ngồi hơn 10 tiếng mỗi ngày làm tăng nguy cơ cả bệnh tim mạch và hội chứng nhịp tim tư thế đứng nhanh (tình trạng nhịp tim tăng bất thường khi đứng).

Thêm vào đó, việc đứng nhiều cũng gây ảnh hưởng đến cột sống vì toàn bộ thời gian con người ở tư thế đứng, trọng lực sẽ kéo cơ thể xuống. Tiến sĩ Mike Bohl - Giám đốc nội dung và giáo dục y tế, thành viên hội đồng chuyên gia y tế của Eat This Not That nói: "Một trong những tác động của việc này là cột sống bị nén lại, các cơ ở cổ và lõi cần phải được kích hoạt để duy trì tư thế. Các cơ này mỏi và việc đứng lâu có thể dẫn đến đau cổ, đau lưng dưới, mệt mỏi và khó chịu. Các cơ ở chân cũng mỏi dẫn đến đau chân và khó chịu ở chân".

Điều này cho thấy tốt nhất vẫn là phải hoạt động thể chất nhiều hơn trong suốt cả ngày thay vì đứng yên hay ngồi yên quá lâu. Những người ngồi trong thời gian dài nên nghỉ giải lao thường xuyên và có thêm nhiều chuyển động hơn vào thói quen của mình.

Dành thời gian nghỉ ngắn để đi bộ xung quanh nơi ở, đi bộ trong văn phòng, sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy hoặc đi bộ trong giờ nghỉ trưa có thể giúp giảm thiểu những rủi ro liên quan đến việc ngồi quá nhiều.

Tập luyện bao lâu mỗi ngày để sống lâu?

Các nhà nghiên cứu tại Australia đã phác thảo một lịch trình cân đối giữa ngồi, ngủ, đứng và tập thể dục. Theo đó, do đứng có tầm quan trọng lớn với sức khỏe, nên dành khoảng 5 giờ mỗi ngày.

Thiếu vận động có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng cân, tiểu đường, ung thư, thậm chí tử vong sớm... Do đó, nên giảm thời gian ngồi xuống còn 6 giờ.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Freepik)

 Ảnh minh họa (Nguồn: Freepik)

Phân bổ 2 giờ cho hoạt động thể chất nặng, tập trong phòng tập, đi bộ nhanh. Sắp xếp 2 giờ cho các hoạt động nhẹ, chẳng hạn làm việc nhà, nấu bữa tối. Đối với giấc ngủ, nên duy trì khoảng 8 giờ 20 phút mỗi ngày.

Tiến sĩ Christian Brakenridge, tác giả nghiên cứu, chuyên gia về sinh lý học thể dục tại Đại học Công nghệ Swinburne, Melbourne, cho rằng duy trì những thói quen này một cách đều đặn để cải thiện sức khỏe tim mạch. Ông cũng chỉ ra rằng mỗi hành vi có ảnh hưởng riêng biệt đến các chỉ số sức khỏe và phân chia thời gian trong ngày là chìa khóa để đạt được sức khỏe tối ưu.

Theo GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Nguồn: https://giadinhonline.vn/dung-hay-ngoi-tot-hon-cho-suc-khoe-d202364.html
...