SỐNG KHỎE

Dây rốn quấn cổ thai nhi có nguy hiểm không?

10/04/2024 - 18:00

Dây rốn quấn cổ phổ biến, hiếm khi gây biến chứng hoặc tổn hại cho thai nhi. Trẻ sinh ra có dây rốn quấn cổ thường không có nguy cơ về điểm Apgar thấp, các vấn đề về tăng trưởng và phát triển.

Dây rốn quấn cổ là gì?

Theo Webmd, dây rốn là sợi dây liên kết giữa mẹ và thai nhi. Dây rốn dài từ 50-60cm, có nhiệm vụ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển, đồng thời mang chất thải đi. Dây rốn là một ống mềm, chứa hai động mạch và một tĩnh mạch, bọc trong chất có tên gọi thạch Wharton, giúp bảo vệ các mạch máu bên trong.

Dây rốn quấn cổ là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ bé một hoặc nhiều lần. Số vòng có thể khác nhau, lỏng hoặc chặt. Các nhà khoa học chia tình trạng dây rốn quấn cổ thành hai loại là dây rốn quấn cổ loại A và dây rốn quấn cổ loại B.

Ở đó, dây rốn quấn cổ loại A (còn gọi là dây không khóa) di chuyển tự do và có thể bung ra một cách tự nhiên. Dây rốn quấn cổ loại B (dây khóa) là loại bị thắt chặt, không thể bung ra một cách tự nhiên (trừ một số trường hợp rất hiếm).

Nguyên nhân phổ biến nhất gây dây rốn quấn cổ là chuyển động quá mức của thai nhi trước khi chào đời. Ngoài ra, đa ối cho phép thai nhi di chuyển tự do hơn; dây rốn dài hơn mức bình thường cũng là lý do gây nên tình trạng dây rốn quấn cổ.

Dây rốn quấn cổ có nguy hiểm?

Dây rốn quấn cổ xảy ra ngẫu nhiên và rất phổ biến. Nghiên cứu cho thấy, tình trạng xảy ra ở hơn ¼ số ca sinh. Dây rốn quấn cổ loại B ít phổ biến hơn, chiếm 2-8% số trẻ sinh ra.

  Hầu hết trường hợp dây rốn quấn cổ không gây hại cho trẻ sơ sinh. Dù vậy, tình trạng làm tăng nguy cơ một số biến chứng tiềm ẩn. (Ảnh minh họa)

  Hầu hết trường hợp dây rốn quấn cổ không gây hại cho trẻ sơ sinh. Dù vậy, tình trạng làm tăng nguy cơ một số biến chứng tiềm ẩn. (Ảnh minh họa)

Các nhà khoa học nhận thấy, em bé trong bụng mẹ càng lâu thì nguy cơ sinh ra với dây rốn quấn cổ càng cao. Theo thống kê, trẻ sinh ra với dây rốn quấn cổ khi thai được 20 tuần chiếm 6%. Trong khi đó, trẻ sinh ra ở tuần thai thứ 42 chiếm tới 29%. Trẻ sơ sinh nam thường có dây rốn quấn cổ cao hơn bé gái. Webmd cũng tiết lộ, lao động, chủng tộc và tuổi người mẹ không ảnh hưởng đến khả năng con có dây rốn quấn cổ.

Hầu hết các trường hợp thai dây rốn quấn cổ không gây hại cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, tình trạng gây một số biến chứng tiềm ẩn như:

- Thắt nút dây rốn; trẻ chậm phát triển; lượng nước ối giảm; giảm chuyển động thai nhi; thời gian mang thai dài hơn

- Hạn chế tăng trưởng trong tử cung (IUGR); thiếu máu; mức độ lưu thông máu thấp (giảm thể tích máu); nồng độ axit trong máu cao (toan chuyển hóa); thai chết lưu.

Đôi khi, dây rốn quấn chặt quanh cổ bé, gây ra các biến chứng còn gọi hội chứng tCAN. Các triệu chứng của hội chứng tCAN tương tự bị bóp cổ. Chẳng hạn như xuất hiện đốm máu (xuất huyết) trên cổ, mặt và trong mắt; trầy xước da ở cổ nơi quấn dây và vùng da mặt có màu tím sẫm.

Dây rốn quấn cổ có thể được phát hiện khi siêu âm. Vậy nhưng, hiện không có lựa chọn điều trị nào cho trường hợp này trước khi trẻ chào đời. Nếu thai được chẩn đoán dây rốn quấn cổ, thai phụ sẽ được theo dõi kỹ trong quá trình chuyển dạ để đảm bảo nhịp tim của bé ở mức bình thường.

Trong khi sinh, dây rốn thường đủ lỏng để bác sĩ vòng dây quanh đầu em bé và giải phóng cổ của em bé. Nếu dây quá chặt không thể tuột qua đầu, nó có thể được kẹp và cắt trước khi trẻ chào đời hoàn toàn, tránh rách khỏi nhau thai.

Dây rốn quấn cổ phổ biến, hiếm khi gây biến chứng hoặc tổn hại cho thai nhi. Trẻ sinh ra có dây rốn quấn cổ thường không có nguy cơ về điểm Apgar thấp, các vấn đề về tăng trưởng và phát triển hoặc thai chết lưu. Nếu bạn được chẩn đoán thai dây rốn quấn cổ, hãy trao đổi với bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/doi-song/day-ron-quan-co-thai-nhi-co-nguy-hiem-khong-1977640.html
...