SỐNG KHỎE

Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên và cách chăm sóc tại nhà

07/01/2025 - 14:00

Trẻ mắc trầm cảm sẽ cảm thấy buồn, cô đơn, không muốn đi ra ngoài chơi với bạn bè, không tham gia các hoạt động trên lớp... Nhận biết sớm những dấu hiệu về trầm cảm ở trẻ vị thành niên và điều trị, chăm sóc tại nhà đúng cách sẽ giúp trẻ chóng lui bệnh.

Biểu hiện trầm cảm ở trẻ vị thành niên không giống nhau, nhưng cha mẹ có thể nhận thấy một số dấu hiệu sau:

Tâm trạng buồn bã hoặc tồi tệ. Trẻ cảm thấy buồn, cô đơn. Trẻ không muốn đi ra ngoài, rút lui xã hội, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè. Tránh né việc đi học. Suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên, dễ cáu giận và hay ẩu đả với các thành viên trong gia đình, bạn bè.

Hay phàn nàn về bản thân. Trẻ vị thành niên trải qua giai đoạn trầm cảm có thể nói những điều tự ti về bản thân như: "Con là đứa vô dụng", "Con thật vô dụng", "Con không thể làm được điều này"…

Thiếu năng lượng và nỗ lực. Trầm cảm ở trẻ có thể làm tiêu hao năng lượng. Trẻ không có cố gắng, nỗ lực và khó tập trung trong học tập so với trước đây. Khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, dễ dàng bỏ cuộc hoặc thiếu năng lượng, ngày cả khi nghỉ ngơi.

Mất hứng thú. Trẻ không còn nhiều niềm vui hay thích chơi đùa với bạn bè như trước nữa. Trẻ cũng không muốn làm những việc mà mình từng yêu thích. Thậm chí trẻ có thể tự làm đau bản thân và có ý định tự tử.

Thay đổi giấc ngủ và ăn uống. Trẻ có thể khó ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc trẻ cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi trẻ ngủ đủ giấc. Đôi khi trẻ có cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn.

Đau nhức, mỏi. Một số trẻ kêu đau bụng, đau đầu hoặc các cơn đau khác mà không rõ nguyên nhân. Một số trẻ nghỉ học vì cảm thấy không được khỏe, mặc dù trẻ không bị ốm.

 

 

Điều trị và dự phòng trẻ mắc trầm cảm

Trầm cảm hiện tại là rối loạn có thể điều trị ổn định được. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trầm cảm, gia đình nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Các biện pháp điều trị bao gồm điều trị thuốc, liệu pháp tâm lý và giáo dục cho trẻ và gia đình. Tùy thuộc chẩn đoán và mức độ trầm cảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp về lựa chọn điều trị.

Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng đối với các trường hợp trầm cảm mức độ nhẹ và vừa.

Các cuộc gặp mặt gia đình, các phương pháp trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tương tác cá nhân (IPT), phỏng vấn tạo động lực, trị liệu nhóm,…là các phương pháp được chứng minh hiệu quả.

Các thuốc được lựa chọn để điều trị thường là các thuốc chống trầm cảm, có thể một số trường hợp sẽ cần sử dụng thêm các thuốc điều chỉnh khí sắc, an thần kinh.

Cần có sự tham gia hỗ trợ của nhà trường trong việc phát hiện sớm, giáo dục kiến thức, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm.

Đối với những trẻ có biểu hiện có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát, cần loại bỏ những vật sắc nhọn hoặc dây thừng trong môi trường xung quanh trẻ và luôn có sự giám sát của cha mẹ hoặc người chăm sóc

Cách chăm sóc trẻ trầm cảm tại nhà

Để hỗ trợ trẻ trầm cảm vượt qua giai đoạn khó khăn, cha mẹ nên giúp con bằng những cách dưới đây:

  • Cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, lao động hợp lý. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
  • Cha mẹ theo dõi trẻ sát sao để phát hiện sớm ý tưởng và hành vi tự sát để xử trí kịp thời.
  • Cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý theo lịch hẹn.
  • Rèn luyện nhân cách vững mạnh giúp trẻ sẵn sàng thích ứng với các điều kiện không thuận lợi, thích nghi với cuộc sống. Nói với trẻ những điều tích cực.
  • Dạy trẻ những kỹ năng giải quyết vấn đề ứng phó với tình huống stress mà trẻ đối mặt.
  • Khuyên trẻ tránh sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá hoặc các chất gây nghiện.
  • Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho trẻ vị thành niên bị trầm cảm để hòa nhập vào cộng đồng và gia đình.
Theo SỨC KHỎE&ĐỜI SỐNG
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/bieu-hien-tram-cam-o-tre-vi-thanh-nien-va-cach-cham-soc-tai-nha-169241230183852679.htm
...