SỐNG KHỎE

Chọn thức phẩm chức năng cho trẻ sao cho hiệu quả?

24/06/2019 - 20:00

Không phải loại thực phẩm chức năng nào cho trẻ em cũng tốt, hoặc nếu có tốt nhưng dùng không đúng cách cũng gây hại.

Những điều cần lưu ý

Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) cho trẻ em đang rơi vào tình trạng hỗn độn, thật - giả lẫn lộn, nhiều mặt hàng xuất hiện theo đường "xách tay" cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nếu cứ dùng "mạt mạng" khi xảy ra hậu quả thì người tiêu dùng chẳng biết ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung thêm TPCN cho trẻ là điều rất tốt, bởi không phải trong khẩu phần ăn nào của trẻ cũng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, trước khi dùng bất kỳ loại TPCN nào, bố mẹ cũng cần phải tham khảo trước ý kiến của những người có chuyên môn, bên cạnh đó hãy đọc kỹ thành phần của sản phẩm trước khi cho trẻ sử dụng.

"Với TPCN mặc dù không gây tác dụng phụ ngay nhưng nếu dùng không đúng cách, cơ thể có nguy cơ sẽ bổ sung thừa lượng vi chất trong khoảng thời gian ngắn, từ đó dẫn đến những tiêu cực không mong muốn. Như TPCN tăng chiều cao cho trẻ thường chứa nhiều canxi, nếu như dùng quá nhiều có thể khiến trẻ gây táo bón, hoặc thực phẩm giúp trẻ phát triển trí não mà dùng quá liều còn có thể khiến các tế bào não trong cơ thể người dùng giảm đi" - chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thu Hồng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.

Bên cạnh việc lựa chọn nơi bán tin cậy, sản phẩm có đầy đủ giấy tờ kiểm định của cơ quan ý tế thì bố mẹ cũng cần phải theo dõi trẻ trong suốt quá trình sử dụng TPCN. Nếu thấy cơ thể của trẻ có những biểu hiện bất bình thường như đầy bụng, chán ăn, tiêu chảy, phát ban, sốt, co giật thì cần phải dừng ngay việc sử dụng TPCN và đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.

 Nhiều TPCN cho trẻ em bị làm giả, trôi nổi ngoài thị trường.

 Nhiều TPCN cho trẻ em bị làm giả, trôi nổi ngoài thị trường.

Bà Hồng chia sẻ: "Những lời quảng cáo của nhà sản xuất hay đơn vị phân phối TPCN thường có lời lẽ đường mật, hấp dẫn người tiêu dùng. Nhưng không phải loại nào cũng tốt như quảng cáo, người tiêu dùng cần tỉnh táo  khi lựa chọn mua bất cứ loại sản phẩm nào.

Để nắm bắt được những thông tin thực tế về sản phẩm bạn nên đọc kỹ nhãn mác về thành phần, công dụng in trên bao bì hoặc tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo. Đáng tin nhất là những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, khuyến cáo sử dụng.

Đặc biệt, với công dụng của sản phẩm, nên có những tiêu chuẩn nhất định kèm theo hoặc hãy chắc chắn đây là sản phẩm đã được kiểm duyệt khắt khe bởi những tổ chức uy tín, và là sản phẩm hợp pháp về tiêu chuẩn được chính phủ cho phép lưu thông".

Hiện nay, trên thị trường tràn ngập các loại TPCN cho trẻ em có công dụng giống nhau nhưng mẫu mã và giá thành thì cách nhau "một trời - một vực" vì thế, trước khi lựa chọn mua sản phẩm, phụ huynh cần bỏ chút thời gian để so sánh giá thành. Loại bỏ suy nghĩ, thuốc đắt tiền hay thuốc ngoại mới tốt. Một sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ đáng tin hơn rất nhiều.

Việc sử dụng TPCN chỉ là trong trường hợp hãn hữu bởi nếu như trẻ được bổ sung đầy đủ nhóm thực phẩm tự nhiên thì chắc chắn sẽ không cần phải bổ sung các chất tổng hợp từ TPCN đem lại. Bởi lẽ, dù tốt đến đâu thì thực phẩm chức năng vẫn là một loại được tông hợp công nghiệp, sẽ ít nhiều tác động đến cơ thể trẻ. Chưa kể dùng không đúng cách còn gây ra hậu quả khôn lường.

Quản lý TPCN danh cho trẻ em như nào cho hiệu quả?

Trong những năm qua, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều biện pháp quản lý các sản phẩm TPCN trôi nổi trên thị trường. Mặc dù vậy, với sự phát triển của xã hội và nhu cầu của người tiêu dùng thì việc bùng nổ mặt hàng này ở khắp nơi đòi hỏi phải có nhiều biện pháp cứng rắn hơn nữa để đảm bảo an toàn cho người dân.

Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy,  những vi phạm phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp sản xuất TPCN là vi phạm quảng cáo, nhất là quảng cáo quá công dụng của sản phẩm. Thậm chí nhiều sản phẩm được sản xuất khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý; sản phẩm dù chưa được phép lưu hành nhưng đã đưa ra thị trường; vi phạm các quy định cấm, sản xuất không đúng với chất lượng công bố (đăng ký một đằng, sản xuất chất lượng một nẻo).

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết thêm, trên thị trường Việt Nam hiện có tới 70% sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước, trên 20% được nhập khẩu. Đơn vị đã thêm quy định, ngoài việc bắt buộc trên nhãn các sản phẩm qui định yêu cầu phải ghi rõ “thực phẩm này không phải là thuốc và không thay thế thuốc chữa bệnh”.

Dù đã có các quy định, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm như cố tình ghi nhãn TPCN như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Nhiều bệnh nhân tin tưởng là thuốc mua về uống khiến bệnh ngày càng nặng thêm…

“Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, trong thời gian tới, chúng tôi phối hợp với một số cơ quan chức năng triển khai quyết liệt việc quản lý TPCN như tiến hành hậu kiểm nhằm phát hiện những hành vi vi phạm và sẽ xử lý rất nặng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm trong việc quảng cáo, ghi nhãn mác TPCN...” – ông Phong nêu rõ.

Cũng theo ông Phong, nhằm quản lý an toàn TPCN và nâng cao chất lượng sản phẩm này, bắt đầu từ 1/7/2019, tất cả các doanh nghiệp sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP.

Theo Vân Lộc/Báo Đất Việt
Nguồn: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/chon-thuc-pham-chuc-nang-cho-tre-sao-cho-hieu-qua-3382306/
...