SỐNG KHỎE

Bệnh giãn tĩnh mạch không còn đáng sợ nếu biết cách cải thiện

17/08/2019 - 14:30

Giãn tĩnh mạch là bệnh lý thuộc nhóm bệnh của mạch máu ngoại vi. Hiện nay bệnh giãn tĩnh mạch ngày càng phổ biến, không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Bệnh có thể rất nhẹ nhưng nhiều trường hợp phải cắt bỏ chân vì biến chứng viêm nhiễm nặng.

Bệnh giãn tĩnh mạch là gì?

Hệ tĩnh mạch ngoại biên gồm tĩnh mạch nông (nôm na là tĩnh mạch nằm phía ngoài, gần bề mặt da), tĩnh mạch sâu (nằm sâu bên trong) và tĩnh mạch xuyên (nối giữa nông và sâu). 

Bình thường, máu chảy từ tĩnh mạch nông qua tĩnh mạch xuyên vào tĩnh mạch sâu rồi về tim nhờ vào sự co cơ và các van tĩnh mạch. Các van này đóng vai trò như cánh cửa một chiều giúp máu không chảy ngược trở lại.

 Các van đóng vai trò như cánh cửa một chiều giúp máu không chảy ngược trở lại - Ảnh minh họa: Internet

 Các van đóng vai trò như cánh cửa một chiều giúp máu không chảy ngược trở lại - Ảnh minh họa: Internet

Nhưng vì một nguyên nhân nào đó khiến các van này bị tổn thương khiến máu chảy theo chiều ngược lại, từ sâu ra nông gây ứ đọng ở ngoại vi dẫn đến bệnh giãn tĩnh mạch (hay còn gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính)

Dấu hiệu bệnh giãn tĩnh mạch dễ nhận thấy nhất là các tĩnh mạch phình ra, nổi lên gần bề mặt da. Bệnh xảy ra ở nữ nhiều hơn ở nam và càng lớn tuổi thì càng dễ mắc bệnh, tỷ lệ mắc bệnh giãn tĩnh mạch đang ngày càng gia tăng. Bệnh thường xuất hiện ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh, người phải đứng hoặc ngồi quá lâu, ít vận động.

Nguyên nhân bệnh giãn tĩnh mạch

Hiện nay, cơ chế bệnh sinh của bệnh giãn tĩnh mạch vẫn chưa được xác định chính xác. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra bệnh:

  • Yếu tố di truyền: Theo thống kê thì khoảng 80% bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch có cha hoặc mẹ mắc bệnh.
  • Giới tính: Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, quá trình thai nghén và sở thích mang giày cao gót.
 Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam - Ảnh minh họa: Internet

 Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam - Ảnh minh họa: Internet

  • Nghề nghiệp: các nghề phải đứng quá lâu hay ít vận động như giáo viên, nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng,...
  • Khối lượng cơ thể: khi cân nặng tăng tác động lên đôi chân khiến máu bị dồn về phía chân.
  • Táo bón: vì bị táo bón sẽ gây đầy hơi và tăng áp lực xung quanh bụng. Đồng thời táo bón khi đi ngoài, cơ bụng và cơ chân hoạt động rất mạnh gây cản trở máu trở về. Lâu ngày cũng gây giãn tĩnh mạch
  • Sử dụng thuốc ngừa thai cũng là một yếu tố nguy cơ.
  • Các bệnh lý nhiễm trùng, khối u, sau phẫu thuật có biến chứng tắc mạch, viêm mạch và các thủ thuật khác như bó bột hay phải nằm bất động lâu trong gãy xương... cũng có thể dẫn tới bệnh giãn tĩnh mạch.

Triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch

Các triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm:

  • Cảm giác tức nặng và mỏi ở chi dưới khi đứng quá lâu
  • Thỉnh thoảng xuất hiện phù nề ở cẳng chân và bàn chân
  • Đau khi đi lại nhiều
  • Sưng nề và tím ở cẳng chân và mu bàn chân
  • Tĩnh mạch xanh và phình ra dọc theo đùi, mắt cá hoặc đầu gối
  • Da khô và ngứa.
  • Tình trạng thay đổi màu da, da mỏng hơn, lở loét và nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào) có thể xảy ra, nhất là vị trí gần mắt cá chân
 Tình trạng thay đổi màu da, da mỏng hơn nhất là vị trí gần mắt cá chân - Ảnh minh họa: Internet

 Tình trạng thay đổi màu da, da mỏng hơn nhất là vị trí gần mắt cá chân - Ảnh minh họa: Internet

Chỉ khi bệnh đã tiến triển tới giai đoạn nặng người bệnh mới tìm cách để điều trị. Khi đó, bệnh đã gây ra nhiều biến chứng và rất khó để khắc phục hoàn toàn. Do đó, khi phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh giãn tĩnh mạch chân có nguy hiểm không?

Để trả lời thắc mắc này, chúng ta cần biết các biến chứng có thể do bệnh gây ra:

Chân bị sưng to, đau buốt và thường bị chuột rút về đêm.

Tĩnh mạch giãn, nổi rõ dưới da làm mất thẩm mỹ.

Nhiều tĩnh mạch giãn lớn khiến ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân dẫn tới viêm da, loét, nhiễm trùng làm mất khả năng lao động, thậm chí có trường hợp phải cắt cụt chân.

Viêm tắc tĩnh mạch sâu, tạo nên các khối thuyên tắc, các khối này có thể di chuyển lên tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, dẫn tới tử vong đột ngột.

Do đó, giãn tĩnh mạch là bệnh tưởng như không có gì nhưng những biến chứng do bệnh gây ra lại rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hằng ngày, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cách điều trị bệnh giãn tĩnh mạch

Tùy vào từng bệnh nhân và tiến triển của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một biện pháp riêng lẻ hay kết hợp các phương pháp dưới đây:

Dùng băng ép và vớ tạo áp lực

 Băng và vớ có tác dụng ép vào các bắp cơ, tạo một áp lực lớn ở phía dưới và giúp các van tĩnh mạch khép lại - Ảnh minh họa: Internet

 Băng và vớ có tác dụng ép vào các bắp cơ, tạo một áp lực lớn ở phía dưới và giúp các van tĩnh mạch khép lại - Ảnh minh họa: Internet

Băng và vớ có tác dụng ép vào các bắp cơ, tạo một áp lực lớn ở phía dưới và giúp các van tĩnh mạch khép lại, do đó giúp máu lưu thông về tim dễ dàng hơn. Hai dụng cụ này giúp làm chậm tiến triển của bệnh, phòng ngừa bệnh tái phát và hỗ trợ các biện pháp điều trị ngoại khoa.

Dùng thuốc

Các thuốc chống đông máu, thuốc giảm đau và thuốc hỗ trợ tĩnh mạch theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, giúp điều trị triệu chứng và hạn chế biến chứng của bệnh

Chích xơ

Một dung dịch sẽ được tiêm vào tĩnh mạch gây phản ứng viêm kết hợp với nén ép tĩnh mạch, khiến máu không vào được tĩnh mạch bị giãn, kết quả là tĩnh mạch đó bị xơ hóa và không còn hoạt động nữa.

Phẫu thuật

Phương pháp này áp dụng cho trường hợp tổn thương tĩnh mạch nông, đoạn tĩnh mạch bị giãn sẽ bị cắt bỏ thông qua các đường rạch nhỏ. Ca phẫu thuật thường kéo dài khoảng 5-10 phút. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được băng ép và nằm bất động trên giường khoảng ba ngày.

Laser nội mạch cắt bỏ tĩnh mạch bị giãn

Nhiệt lượng từ sợi laser sẽ đốt cháy tĩnh mạch bị giãn khiến tĩnh mạch này bị phá hủy. Liệu pháp này sẽ được thực hiện xuyên suốt toàn bộ chiều dài của tĩnh mạch bị giãn. Thời gian điều trị kéo dài khoảng 30-40 phút.

Trong trường hợp đã xảy ra bội nhiễm và loét ở chân, ngoài các phương pháp trên cần kết hợp điều trị, chăm sóc tại vết loét và dùng kháng sinh để chống bội nhiễm

Các cách chữa bệnh giãn tĩnh mạch tại nhà bằng các bài tập

Tập luyện thường xuyên có thể làm giảm bớt giãn tĩnh mạch và đồng thời làm giảm một số triệu chứng và phòng ngừa biến chứng do giãn tĩnh mạch gây ra.

 Tập luyện thường xuyên có thể làm giảm bớt giãn tĩnh mạch - Ảnh minh họa: Internet

 Tập luyện thường xuyên có thể làm giảm bớt giãn tĩnh mạch - Ảnh minh họa: Internet

Các bài tập ở tư thế nằm

Gấp và duỗi khớp cổ chân

Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 30 đến 50 độ sau đó tập duỗi khớp cổ chân, rồi gấp khớp cổ chân đến mức tối đa từ 10 đến 15 lần. Đưa chân trái về tư thế ban đầu, tập tương tự như vậy đối với chân phải. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần

Bắt chéo chân

Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, sau đó nâng hai chân lên khỏi mặt giường rồi tập bắt chéo chân trái qua chân phải rồi chân phải qua chân trái luân phiên từ 10 đến 15 lần. sau đó đưa hai chân trở lại vị trí ban đầu trên mặt giường. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.

Xoay khớp cổ chân

Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 30 đến 50 độ sau đó tập xoay khớp cổ chân từ phải qua trái rồi từ trái qua phải 10 đến 15 lần. Đưa chân trái trở về vị trí ban đầu rồi tập tương tự như vậy đối với chân phải. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần.

Các bài tập ở tư thế ngồi trên ghế

Nâng cẳng chân

Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc; lưng thẳng; trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai mông và hai chân. 

Sau đó tập luân phiên nâng bàn chân phải lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng chân phải, rồi đưa chân phải về vị trí ban đầu, tập tương tự với chân trái, mỗi chân từ 10 đến 15 lần, tập với cả hai chân như vậy. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần

Gấp và duỗi khớp cổ chân

Người tập ngồi trên ghế, sau đó nâng chân trái lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng rồi tập gấp và duỗi khớp cổ chân trái đến mức tối đa (hết tầm vận động) từ 10 đến 15 lần sau đó đưa chân trái về vị trí ban đầu, tập tiếp như vậy đối với chân phải từ 10 đến 15 lần. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần

Gấp, duỗi luân phiên hai chân

Người tập ngồi trên ghế sau đó luân phiên nhấc từng chân lên khỏi sàn nhà, gấp khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng rồi duỗi thẳng chân đó ra, đưa trở lại vị trí ban đầu, tiếp tục tập như vậy 10 đến 15 lần, tập tương tự như vậy với chân còn lại. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần

Các bài tập ở tư thế đứng

Gấp và duỗi khớp cổ chân

Bệnh nhân đứng, nhấc một chân lên khỏi sàn nhà rồi tập gấp, duỗi khớp cổ chân đến mức tối đa từ 10 đến 15 lần. Đứng trở lại tư thế ban đầu, nhấc chân kia lên khỏi sàn nhà và thực hiện các bài tập như với chân đã làm. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần

Xoay khớp cổ chân

Bệnh nhân đứng, nhấc một chân lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng chân đó rồi tập xoay khớp cổ chân từ trong ra ngoài rồi từ ngoài vào trong 10 đến 15 lần, sau đó đưa chân về vị trí ban đầu trên sàn nhà và tiếp tục tập như vậy đối với chân còn lại. Mỗi tuần tập từ 2 đến 3 lần

Nhấc cao chân bước tại chỗ

Bệnh nhân đứng sau đó tập bước tại chỗ 15 đến 20 bước bằng cách tạo các bước chân cao hơn so với bước đi thông thường. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần

Ngồi xuống và đứng lên nhón gót chân

Bệnh nhân đứng thẳng có thể vịn vào một vật gì đó bên cạnh để đỡ nếu cần, sau đó ngồi xuống giống như ngồi xổm được khoảng một nửa thì lại đứng thẳng lên, rồi nhón gót để đứng trên đầu các ngón chân, rồi sau đó ngồi xuống, làm lại từ 10 đến 15 lần. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần

Phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch

  • Không đi đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.
  • Khi nghỉ ngơi, nên kê chân cao
  • Ăn nhiều chất xơ, vitamin và uống nhiều nước
  • Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, nên tập đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày
  • Có thể xoa bóp và ngâm chân trong nước ấm.
  • Hạn chế đi giày cao gót.
  • Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai

Bệnh giãn tĩnh mạch nên ăn gì?

Thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón, cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm các loại rau củ và trái cây

 Táo bón là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh - Ảnh minh họa: Internet

 Táo bón là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm giàu vitamin C và E

Vitamin C giúp sản sinh collagen và elastin, 2 mô chính tạo nên sự vững chắc của thành mạch. Đồng thời Vitamin C đóng vai trò là chất chống viêm và có lợi cho da. Một số thực phẩm giàu vitamin C: Cam, quýt, bưởi, chanh, kiwi, ớt chuông, súp lơ…

Vitamin E thì giúp ngăn ngừa sự kết tạo các cục máu đông trong tĩnh mạch, hoạt động như một chất làm loãng máu tự nhiên và gắn liền với sức khỏe tim mạch. Các thực phẩm giàu vitamin E: rau cải, rau bina, củ cải xanh, cà chua, xoài, đu đủ, củ cải, hạt dẻ, bơ…

Thực phẩm giàu magie

Magie đóng vai trò là chất tổng hợp máu, thiếu magie sẽ gây vấn đề về huyết áp và tê thấp tay chân, góp phần gây suy giãn tĩnh mạch. Để khắc phục những triệu chứng này, tăng lượng thức ăn như rau lá xanh, bơ, chuối, rau cải và khoai lang.

Tóm lại, bệnh giãn tĩnh mạch tuy ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cũng như thẩm mỹ nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh không đáng lo ngại. Chúng ta hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị tại nhà bằng các bài tập đã được nêu ở trên.

Theo Thảo Đỗ/Phụ Nữ Sức Khỏe
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/benh-gian-tinh-mach-khong-con-dang-so-neu-biet-cach-cai-thien-c25a324045.html
...