SỐNG KHỎE

Bài tập nào tốt cho người huyết khối tĩnh mạch sâu?

13/12/2024 - 06:00

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu của cơ thể, thường xảy ra ở chân hoặc đùi. Ngoài việc dùng thuốc, các bài tập vận động nhẹ nhàng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện lưu thông máu và ngăn ngừa biến chứng.

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi máu trong tĩnh mạch không lưu thông tốt hoặc đông máu một cách bất thường, dẫn đến hình thành cục máu đông. Nguyên nhân thường do nằm bất động lâu, rối loạn đông máu, suy giảm chức năng tuần hoàn máu, tổn thương thành tĩnh mạch, dùng thuốc hay nội tiết tố…

Khi máu đông tụ lại và không thể lưu thông bình thường, có thể gây ra các triệu chứng như: Đau nhức hoặc căng tức ở chân (thường biểu hiện một bên), sưng ở chân, đổi màu da (thường chuyển sang màu đỏ hoặc tím), cảm giác nóng ấm tại vị trí cục máu đông…

Nếu không được điều trị kịp thời, huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như thuyên tắc phổi, cục máu đông di chuyển từ tĩnh mạch đến phổi, gây cản trở dòng chảy của máu, đe dọa tính mạng người bệnh.

 Tổn thương mạch máu trong Hội chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.

 Tổn thương mạch máu trong Hội chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.

Việc tập luyện đúng cách đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát và hỗ trợ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, cụ thể:

- Giúp cải thiện lưu thông máu, cơ bắp khỏe mạnh, hỗ trợ tĩnh mạch đẩy máu từ chi dưới về tim, giảm tình trạng ứ động máu.

- Tập luyện đều đặn, đặc biệt là các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc co duỗi chân, giúp ngăn ngừa nguy cơ tái phát huyết khối ở những người đã từng mắc bệnh.

- Hoạt động thể chất nhẹ nhàng kích thích tuần hoàn, từ đó giảm tình trạng sưng đau ở chân.

- Tập luyện còn giúp hỗ trợ phục hồi cơ thể sau khi điều trị bằng thuốc kháng đông, tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt của cơ chân.

Ngoài ra, những người huyết khối tĩnh mạch sâu lâu ngày có thể phát triển hội chứng hậu huyết khối, gây sưng và đau mạn tính ở chân. Tập luyện thường xuyên giúp giảm nguy cơ này và cải thiện chất lượng cuộc sống.

2. Bài tập cho người huyết khối tĩnh mạch sâu

Mặc dù tập luyện mang lại nhiều lợi ích, nhưng người bệnh cần lựa chọn các bài tập phù hợp và thực hiện đúng cách, tránh gây áp lực lớn lên tĩnh mạch hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Do đó, trước khi tập luyện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Dưới đây là một số bài tập gợi ý cho người huyết khối tĩnh mạch sâu:

2.1. Bài tập gập gối

Bài tập gập gối giúp kích hoạt và săn chắc nhóm cơ lớn ở chân, đồng thời khi thực hiện động tác gập gối, máu được bơm từ các cơ chân về tim hiệu quả hơn, từ đó giúp cải thiện tuần hoàn máu, đặc biệt ở người ít vận động hoặc phải ngồi lâu, giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu do máu lưu thông tốt hơn.

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa, giữ chân thẳng.
  • Co một chân về phía ngực, giữ trong 5 giây rồi duỗi thẳng ra.
  • Lặp lại 10 lần cho mỗi chân.

2.2. Bài tập co duỗi bàn chân

Bài tập này có tác dụng tăng lưu thông máu ở bắp chân và bàn chân, giảm nguy cơ ứ đọng máu và ứ trệ tuần hoàn.

Cách thực hiện:

  • Ngồi hoặc nằm trên giường, giữ chân thẳng.
  • Sau đó, gập bàn chân về phía cơ thể, từ từ duỗi ra xa.
  • Lặp lại 10-15 lần cho mỗi chân.

2.3. Bài tập nâng chân

Bài tập này có tác dụng kích thích tuần hoàn máu từ chân về tim, giúp giảm sưng.

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa, đặt hai tay dọc theo thân.
  • Nâng từng chân lên khỏi mặt sàn khoảng 15-20cm, giữ trong 5 giây rồi hạ xuống.
  • Lặp lại 10 lần cho mỗi chân.

2.4. Bài tập xoay cổ chân

 Bài tập xoay cổ chân tăng cường vận động khớp cổ chân, giúp máu lưu thông tốt hơn.

 Bài tập xoay cổ chân tăng cường vận động khớp cổ chân, giúp máu lưu thông tốt hơn.

Đây cũng là một bài tập có tác dụng tăng cường vận động ở khớp cổ chân, giúp máu lưu thông tốt hơn.

Cách thực hiện:

  • Ngồi hoặc nằm, giữ chân thẳng.
  • Xoay cổ chân theo chiều kim đồng hồ 10 lần, sau đó đổi chiều.
  • Lặp lại cho cả hai chân.
 Đi bộ chậm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

 Đi bộ chậm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

2.5. Đi bộ chậm

Đi bộ chậm giúp tăng cường hoạt động cơ bắp chân, giảm nguy cơ hình thành thêm cục máu đông và tái phát bệnh.

Cách thực hiện:

  • Đi bộ nhẹ nhàng trên mặt phẳng trong 5-10 phút, tăng dần thời gian mỗi ngày.
  • Mang vớ y khoa nén nếu được bác sĩ khuyến nghị.

2.6. Bài tập hít thở sâu

Hít thở sâu làm tăng áp lực lên cơ hoành, kích thích dòng chảy máu từ các chi dưới về tim. Điều này rất quan trọng với người huyết khối tĩnh mạch sâu, khi máu dễ bị ứ đọng ở tĩnh mạch sâu của chân.

Cách thực hiện:

  • Ngồi hoặc nằm thoải mái, nhắm mắt.
  • Hít thở sâu qua mũi trong 4 giây, giữ hơi trong 2 giây, sau đó thở ra qua miệng trong 6 giây.
  • Lặp lại 5-10 lần.
 Bài tập hít thở sâu kích thích dòng máu chảy từ các chi dưới về tim.

 Bài tập hít thở sâu kích thích dòng máu chảy từ các chi dưới về tim.

3. Lưu ý khi tập luyện cho người huyết khối tĩnh mạch sâu

- Nên tập luyện vào buổi sáng hoặc chiều tối, khi cơ thể cảm thấy thoải mái, tránh tập ngay sau khi ăn hoặc trước giờ ngủ.

- Bắt đầu tập với các bài tập nhẹ nhàng, không tập các bài tập cường độ cao hoặc gây áp lực lớn lên vùng chân.

- Tăng dần thời gian và độ khó của bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Sử dụng vớ y khoa nén trong quá trình tập luyện nếu bác sĩ khuyến nghị để giúp hỗ trợ tuần hoàn và ngăn máu ứ đọng.

- Không tập khi đau hoặc sưng nặng, nếu cảm thấy đau hoặc sưng nhiều hơn sau tập luyện, cần ngừng ngay và liên hệ với bác sĩ.

- Kết hợp chế độ dinh dưỡng giàu omega-3, chất xơ và chất chống oxy hóa như cá hồi, rau xanh, quả mọng…

- Uống đủ nước để tránh máu bị đặc. Hạn chế muối, đồ ăn chế biến sẵn và đồ uống có cồn.

 

Theo SỨC KHỎE&ĐỜI SỐNG
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-nao-tot-cho-nguoi-huyet-khoi-tinh-mach-sau-169241129103052694.htm
...