SỐNG KHỎE

Áp lực công việc, cuộc sống khiến nhiều phụ nữ bị trầm cảm, phải nhập viện tâm thần

30/07/2019 - 11:24

Áp lực chăm sóc con cái, công việc dồn dập khiến nhiều chị em lâm vào tình cảnh stress. Có người đã phải nhập viện tâm thần sau một thời gian dài “cày việc”.

Ngộp thở vì áp lực

Thời sinh viên, Huyền Thương (một nhân viên văn phòng tại Hà Nội) được coi là hoa khôi của trường. Nụ cười tươi như hoa, khuôn mặt khả ái, Thương lọt vào “mắt xanh” của nhiều chàng trai khá giả. Lấy được anh chồng đẹp trai như “oppa Hàn”, sẵn nhà cao cửa rộng, bố mẹ chồng làm ăn phát đạt, ai cũng nghĩ Thương có “số hưởng”.

Vậy mà chỉ sau một vài năm làm dâu, làm mẹ, Thương trở nên tiều tụy. Hóa ra nhà chồng không khá giả, chồng lại mải chơi, Thương phải gánh vác mọi việc.

Áp lực công việc lớn nhưng lương vẫn không đủ tiêu, để có thêm tiền lo bỉm sữa cho con, Thương phải buôn bán online. Quay cuồng với mớ việc ở cơ quan, về nhà cô cũng không được ngơi nghỉ.

Chị cảm giác mình trở thành bà mẹ “siêu nhân” ba đầu sáu tay lo tất cả mọi việc và đầu lúc nào cũng hiện lên hai chữ “tiền tiền”, mở mắt ra là lo tiền, lo việc, lo con bở hơi tai.

 Áp lực công việc, cuộc sống khiến nhiều phụ nữ bị trầm cảm, phải nhập viện tâm thần. Ảnh: L.Phương.

 Áp lực công việc, cuộc sống khiến nhiều phụ nữ bị trầm cảm, phải nhập viện tâm thần. Ảnh: L.Phương.

Điều khiến Thương cảm thấy khổ sở nhất là luôn phải giữ hình ảnh hào nhoáng trong mắt bạn bè, đồng nghiệp vì trót khoe với mọi người là “lấy chồng giàu”.

Vất vả là vậy nhưng chỉ vì một vài sơ xuất nhỏ trong ứng xử, Thương trở thành đứa con dâu “mất dạy” trong mắt bố mẹ chồng.

Thương từng nghe bố mẹ chồng bảo chồng cô rằng: “Mày không biết dạy vợ!”. Thương không hiểu nổi mình phải cố gắng bao nhiêu mới vừa lòng mọi người trong khi áp lực bủa vây đã khiến chị muốn ngộp thở…

“Nghiện việc” và cái kết đắng ngắt

Thời điểm này, rất nhiều dân công sở đang trong tình trạng “khủng hoảng” vì áp lực công việc mà lương không đủ sống. 

Người thì bán hàng online, người thì tranh thủ làm thêm vào buổi tối để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Dẫu mừng vì thu nhập tăng lên đáng kể nhưng chị em phải thừa nhận đằng sau khoản thu nhập đó, cuộc sống gia đình họ bị xáo trộn không hề nhẹ.

Chị Lê Thị Trang, một nhân viên công sở tại Q. Đống Đa, Hà Nội liên tục bị chồng than thở “chán quá rồi” vì chị đi biền biệt, kể cả ngày cuối tuần.  

Công việc tại cơ quan với một danh sách deadline dài như sớ, áp lực views, doanh số, công tác khiến chị gần như không có ngày nghỉ. Nhưng để lo tiền chi tiêu và trả nợ, chị phải “cày” thêm việc ngoài. Lúc nào chị cũng cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng nhưng không dám buông bỏ việc vì sợ mất đi một khoản thu nhập.

 Stress đến mức phải nhập viện tâm thần đang là thực trạng của xã hội hiện đại. Ảnh: L.Phương.

 Stress đến mức phải nhập viện tâm thần đang là thực trạng của xã hội hiện đại. Ảnh: L.Phương.

Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các bệnh liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định stress đã trở thành gánh nặng của xã hội hiện đại.

Trong quá trình khám, điều trị bệnh, Tiến sĩ Dương Minh Tâm gặp không ít trường hợp bệnh nhân bị rối loạn liên quan đến stress vì không chịu nổi áp lực công việc. “Stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể với những tình huống căng thẳng. Trong điều kiện bình thường, stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý, góp phần làm cho cơ thể thích nghi.

Tuy nhiên, stress kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy không lường được, đặc biệt là guồng quay áp lực công việc, kinh tế của của xã hội hiện đại.

Có người stress do sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội,  sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân. Có nhiều dân công sở bị rối loạn liên quan stress do áp lực KPI…

Có những nữ bệnh nhân stress đến nỗi mỗi đêm chỉ ngủ được từ 1- 2h, đến khi mệt mỏi không chịu được, trí nhớ giảm sút, nhập viện tâm thần mới biết mình bị rối loạn liên quan đến stress”, Tiến sĩ Tâm cho hay.

Ở đây, không ít người giỏi giang, có bằng cấp đã phải điều trị tâm thần. Do sức ép của công việc, họ làm việc đến mức mê muội, dẹp bỏ các nhu cầu sức khỏe của bản thân và trở thành người “nghiện việc”. 

Theo Thu Hà/Phụ Nữ Sức Khỏe
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/ap-luc-cong-viec-cuoc-song-khien-nhieu-phu-nu-bi-tram-cam-phai-nhap-vien-tam-than-c2a322765.html
...