Mẹo làm củ kiệu chua ngọt, giòn ngon ngày Tết
Củ kiệu là món ngon, thường xuất hiện trong mâm cơm ngày Tết. Để làm củ kiệu chua ngọt, giòn ngon ngày Tết cần có bí quyết.
1. Nguyên liệu làm củ kiệu chua ngọt
Củ kiệu: 1kg
Đường: 400g
Giấm ăn: 500ml
Phèn chua: 1 muỗng cà phê
Muối: 1 ít
2. Cách làm củ kiệu chua ngọt
Bước 1: Sơ chế củ kiệu
Chuẩn bị một chiếc thau nước nhỏ, cho vào 100g muối và 1 muỗng cà phê phèn chua, rồi cho củ kiệu vào ngâm trong nước khoảng 12 tiếng (hoặc để qua đêm). Sau đó, vớt củ kiệu ra rửa sạch nhiều lần với nước.
Sau khi rửa sạch, lấy củ kiệu ra cắt sạch gốc rễ, ngọn và vỏ lụa rồi cho ra rổ để thật ráo nước.
Bước 2: Ướp và phơi củ kiệu
Sau khi sơ chế, cho củ kiệu vào 1 chiếc bát tô lớn và thêm vào 300g đường rồi trộn đều.
Tiếp đó, trải đều củ kiệu ra mâm rồi đem phơi ở bóng râm khoảng 3-4 tiếng cho tới khi săn lại.
Bước 3: Pha nước ngâm củ kiệu
Đặt 1 chiếc nồi lên bếp, cho vào 500ml giấm, 100g đường cùng 1 muỗng cà phê muối rồi đun sôi. Đến khi đường tan hết thì tắt bếp rồi để nguội.
Bước 4: Muối củ kiệu
Xếp củ kiệu vào 1 chiếc hũ. Khi nước ngâm củ kiệu đã nguội, bạn đổ vào hũ củ kiệu và đậy nắp lại. Muối củ kiệu trong khoảng 2-3 ngày ở nhiệt độ phòng là có thể đem ra ăn.
3. Lưu ý khi làm củ kiệu chua ngọt
Để làm củ kiệu chua ngọt ngon, giòn, bạn cần biết cách chọn củ kiệu chất lượng.
Củ kiệu thường có hai loại: Kiệu quế và kiệu trâu. Kiệu quế có đặc điểm thân nở, eo thắt rõ rệt, đuôi kiệu không dày. Còn kiệu trâu thân dài hơn, đuôi to, không thắt eo.
Theo kinh nghiệm dân gian, bạn nên mua kiệu quế làm để có hũ kiệu muối chất lượng, giòn hơn, thơm hơn so với kiệu trâu.
Để có được hũ kiệu thơm ngon, nên chọn những củ kiệu thân nhỏ vừa phải, hạn chế chọn những củ quá to để tránh vị quá hăng, cay nồng, giảm độ ngon.
Củ kiệu được chọn phải có màu trắng tươi, không bị dập nát. Ưu tiên chọn những củ kiệu thân thắt eo, sẽ đẹp mắt hơn khi muối.
Ngâm củ kiệu trong nước muối giúp loại bỏ các chất bẩn, khử bớt mùi hăng đồng thời giúp củ kiệu giòn ngon hơn.
Có thể thay nước muối pha phèn chua bằng nước vo gạo, nước tro pha muối hay nước vôi trong đều được.
Khi cắt bỏ phần rễ củ kiệu, không nên cắt quá sâu vào phần thịt củ kiệu. Vì như vậy khi muối, củ kiệu sẽ dễ bị úng, không giòn.
Khi phơi củ kiệu, không nên phơi ở nơi nắng gắt, dễ làm củ kiệu bị héo khô, muối sẽ không được ngon.
Nhằm hạn chế bụi bẩn, bạn nên dùng vải mùng hoặc vải thưa che lên củ kiệu khi phơi.
Với hũ ngâm củ kiệu, nên sử dụng hũ thủy tinh sạch, đã được rửa bằng nước nóng và lau khô.
Nước ngâm phải ngập hết củ kiệu. Khi ngâm củ kiệu, có thể để nước sôi nguội vào 1 túi bóng sạch, buộc kín lại sau đó dùng nó để nén củ kiệu.
Đậy kín nắp hũ ngâm và để hũ củ kiệu nơi thoáng mát, tránh để dưới ánh nắng mặt trời vì hũ kiệu sẽ dễ dàng bị lên men, sớm hỏng.
Củ kiệu muối chua ngọt khi hoàn thành sẽ có màu trắng và giữ được độ giòn.
Kiệu chua ngọt sẽ là món ăn kèm hoàn hảo cho bánh chưng, bánh tét, thịt đông vào dịp tết Nguyên đán, giúp cân bằng bữa ăn với chút vị chua ngọt nhẹ nhàng.
Hi vọng qua bài viết này, các bạn có thể thực hiện thành công món củ kiệu chua ngọt cho dịp Tết năm nay.