Tất cả các bệnh viện phải kê đơn thuốc điện tử trước 1/10
Trước ngày 1/10, tất cả bệnh viện trên cả nước phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử; các cơ sở khám chữa bệnh khác phải thực hiện trước ngày 1/1/2026.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh.
Theo đó, thời hạn các cơ sở khám chữa bệnh có hình thức tổ chức là bệnh viện phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1/10; tất cả cơ sở khám chữa bệnh khác cũng phải bắt buộc thực hiện từ ngày 1/1/2026.

Ảnh minh họa.
Đơn thuốc kê bằng hình thức điện tử được hiểu là được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ, lưu trữ bằng phương thức điện tử, có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy. Đơn thuốc điện tử là một phần trong bệnh án điện tử.
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, một trong những điểm nổi bật của Thông tư 26 là yêu cầu ghi rõ liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày và thời gian sử dụng.
Thay vì ghi chung chung như “uống 4 viên chia 2 lần trong ngày”, bác sĩ bắt buộc phải ghi cụ thể mỗi lần uống bao nhiêu viên, vào thời điểm nào trong ngày. Việc này giúp người bệnh sử dụng đúng thuốc, đúng liều, hạn chế nhầm lẫn hoặc bỏ quên liều, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị. Đây là bổ sung kỹ thuật nhằm tăng tính rõ ràng và an toàn cho người sử dụng thuốc, dù nguyên tắc kê liều theo từng lần dùng đã có từ trước.
Đề cập việc tất cả các bệnh viện trên toàn quốc sẽ phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử từ ngày 1/10/2025, ông Vương Ánh Dương cho biết, khi đơn thuốc điện tử được liên thông với hệ thống quản lý dược quốc gia, mọi giao dịch bán thuốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Theo ông Dương, khi triển khai kê đơn thuốc điện tử, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn, tất cả đều có thể theo dõi được. Đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Việc kết nối liên thông giữa Hệ thống kê đơn thuốc điện tử và Hệ thống Quản lý Dược quốc gia là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng thuốc.
Khi tất cả đơn thuốc được cập nhật đồng bộ, cơ quan quản lý có thể phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lạm dụng thuốc, kê đơn sai quy định hoặc bán thuốc khi không có đơn.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, với đơn thuốc điện tử, chỉ khi có mã QR hợp lệ, người bệnh mới mua được thuốc đúng loại, đúng liều lượng. Các dữ liệu này còn giúp phát hiện sớm hành vi kê sai đơn, lạm dụng thuốc, hoặc bán thuốc khi không có đơn.
Bên cạnh đó, đơn thuốc điện tử sẽ tích hợp nhiều thông tin cá nhân hơn. Người bệnh cần cung cấp số định danh cá nhân, CCCD hoặc hộ chiếu, đây là điều kiện bắt buộc trên đơn thuốc từ nay. Nếu đã khai số định danh, hệ thống sẽ tự động đồng bộ các thông tin như giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú, giúp rút ngắn thời gian kê đơn và hạn chế sai sót hành chính.
“Việc tích hợp số định danh giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm sai sót trong kê đơn, đồng thời là nền tảng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử thống nhất cho mỗi người dân. Nhờ vậy, việc chăm sóc sức khỏe liên tục và quản lý thông tin y tế trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn”, ông Dương cho biết.
Đồng thời, thông tin kê đơn sẽ không chỉ phục vụ một lần mà là nền tảng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử thống nhất, phục vụ điều trị liên tục và quản lý sức khỏe lâu dài cho người dân.
Ngoài ra, để tăng tính minh bạch, Thông tư 26 yêu cầu bác sĩ ghi rõ số thuốc dùng mỗi lần, số lần trong ngày, số ngày điều trị, tránh tình trạng ghi chung chung hoặc để bệnh nhân tự điều chỉnh liều. Bộ Y tế cũng có những quy định chặt chẽ hơn về quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và thuốc tiền chất, những nhóm thuốc đặc biệt nhạy cảm, dễ bị lạm dụng trong Thông tư 26.
Cụ thể, tại Điều 12, Thông tư quy định rõ khi người bệnh không còn nhu cầu sử dụng, không dùng hết thuốc, hoặc tử vong, người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp phải hoàn trả phần thuốc còn lại cho cơ sở y tế đã cấp phát. Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thuốc đúng quy định, bảo đảm không thất thoát, không để lọt ra ngoài thị trường.
Đồng thời, các Sở Y tế địa phương được giao nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung hợp pháp các loại thuốc này, phục vụ nhu cầu điều trị chính đáng của người dân, tránh tình trạng thiếu thuốc hoặc phải sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.
Quy định này nhằm cụ thể hóa Luật Dược sửa đổi năm 2024, tăng cường kiểm soát các loại thuốc đặc biệt, vừa bảo đảm an toàn cho người bệnh, vừa phòng ngừa nguy cơ buôn bán, sử dụng sai mục đích.