NHỊP SỐNG

Tai nạn máy bay ở Hàn Quốc: Hộp đen tiết lộ điều gì?

31/12/2024 - 09:05

Vụ tai nạn máy bay ở Hàn Quốc hôm 29/12 đã khiến 179 người thiệt mạng. Hai hộp đen đã được tìm thấy và các nhà điều tra đang tiến hành giải mã nhằm tìm ra nguyên nhân thảm kịch hàng không này.

Vụ tai nạn máy bay ở Hàn Quốc xảy ra lúc 9h07 sáng 29/12 (giờ địa phương). Khi đó, chiếc máy bay của hãng hàng không Jeju Air chở 181 người, bao gồm 175 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, bị chệch khỏi đường băng trong lúc hạ cánh và đâm vào bức tường bê tông rồi bốc cháy tại Sân bay quốc tế Muan ở Muan, cách Seoul khoảng 288 km về phía tây nam.

 Chiếc phi cơ lao khỏi đường băng, đâm vào bức tường bê tông và bốc cháy. Ảnh: Reuters.  

 Chiếc phi cơ lao khỏi đường băng, đâm vào bức tường bê tông và bốc cháy. Ảnh: Reuters.  

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết, cả hai hộp đen trên chiếc máy bay gặp nạn đã được tìm thấy. Thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) còn nguyên vẹn, nhưng hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) bị hư hại một phần. Hiện chưa rõ dữ liệu bên trong hộp đen này có bị ảnh hưởng hay hư hỏng không.

FDR và CVR đóng vai trò then chốt trong việc xác định nguyên nhân tai nạn hàng không. Trong đó, CVR lưu trữ các cuộc trò chuyện và âm thanh trong buồng lái. FDR ghi lại toàn bộ thông tin về tốc độ, độ cao, đường bay, hiệu suất động cơ, hoạt động của càng hạ cánh và thao tác của phi công. Đây là những dữ liệu quan trọng để làm rõ nguyên nhân càng hạ cánh không hoạt động - một trong những nghi vấn chính của vụ tai nạn hôm 29/12.

Tuy nhiên, việc FDR bị hư hỏng một phần có thể làm chậm quá trình phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn.

 Chuyên gia an toàn hàng không hàng đầu David Learmount cho rằng nếu không có bức tường bê tông ở cuối đường băng tại sân bay Muan, thảm kịch có thể được ngăn chặn. Ảnh: Google Earth.  

 Chuyên gia an toàn hàng không hàng đầu David Learmount cho rằng nếu không có bức tường bê tông ở cuối đường băng tại sân bay Muan, thảm kịch có thể được ngăn chặn. Ảnh: Google Earth.  

Cơ quan cứu hỏa quốc gia Hàn Quốc xác nhận 179 người đã thiệt mạng và hai người sống sót trong thảm kịch hàng không ở Hàn Quốc sáng 29/12. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chiếc máy bay va chạm với chim khiến bánh đáp gặp trục trặc.

Hiện, nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn vẫn đang được điều tra, song các chuyên gia hàng không đã đưa ra một số nhận định và thắc mắc xung quanh thảm kịch này.

Chuyên gia an toàn hàng không hàng đầu David Learmount cho rằng nếu không có bức tường bê tông ở cuối đường băng tại sân bay Muan, thảm kịch có thể được ngăn chặn.

"Nếu không có bức tường bê tông đó, máy bay sẽ đâm vào hàng rào, trượt qua đường và có thể dừng lại ở một cánh đồng gần đó. Tôi nghĩ mọi người có thể sống sót", ông David nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Giao thông Hàn Quốc Joo Jong-wan đã bác bỏ những lo ngại về việc bức tường bê tông ở cuối đường băng, nói rằng cả hai đầu đường băng đều có "khu vực an toàn với vùng đệm xanh trước khi đến bức tường ngoài", tờ Independent đưa tin.

Ông nói thêm rằng sân bay được thiết kế "theo các hướng dẫn an toàn hàng không tiêu chuẩn, ngay cả khi bức tường có vẻ gần hơn so với thực tế".

Các phi công hãng hàng không cũng lên tiếng, cho biết máy bay có khả năng bị mất điện ở ít nhất một động cơ và bị hỏng hệ thống thủy lực sau khi phi cơ bị một con chim đâm phải.

Sau nỗ lực hạ cánh đầu tiên do mất điện bất thành, phi công đã hạ cánh xuống đường băng với tốc độ cao trong lần thứ hai - mà không mở rộng cánh tà và triển khai phanh tốc độ - thông thường sẽ làm chậm máy bay.

Bộ đảo ngược lực đẩy, được sử dụng để làm chậm máy bay khi đã chạm đất, chỉ được triển khai trên một động cơ. Trong khi cánh tà và thiết bị hạ cánh được điều khiển bằng hệ thống thủy lực, chúng có thể được mở ra bằng tay trong trường hợp khẩn cấp.

 Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Reuters.  

 Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Reuters.  

Cơ trưởng Denys Davydov, người lái chiếc Boeing 737-800 cho hãng hàng không quốc tế Ukraine, nói với tờ Times: "Có vẻ như họ có hệ thống thủy lực để triển khai một bộ đảo chiều nhưng không có cánh tà hoặc bánh đáp…Tôi thấy điều này rất lạ". 

Một số chuyên gia cho rằng chỉ riêng cú va chạm với chim sẽ không làm hỏng bộ phận hạ cánh.

Chuyên gia an toàn hàng không người Úc Geoffrey Dell cho biết: "Tôi chưa bao giờ thấy một vụ va chạm với chim nào có thể ngăn cản bộ phận hạ cánh được mở ra".

Tuy nhiên, chuyên gia hàng không Sally Gethin nhận định một vụ va chạm với chim có thể gây hư hỏng động cơ và hệ thống thủy lực.

Bà cho biết đây là một "lời giải thích hợp lý" cho nguyên nhân khiến bánh đáp bị hỏng, đồng thời nói thêm rằng các phi công sẽ phải đưa ra "những quyết định cực kỳ nhanh chóng" trong trường hợp như vậy.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/tai-nan-may-bay-o-han-quoc-hop-den-tiet-lo-dieu-gi-2067638.html
...