NHỊP SỐNG

Quán ăn chơi cần bỏ tên Đức Phật kẻo gánh nghiệp báo

26/03/2020 - 11:47

"Chạy theo lợi nhuận mà dùng tên gọi, hình ảnh Đức Phật cho một không gian xập xình, ăn chơi nhảy múa có khi tạo nghiệp rất nặng".

 Những ngày gần đây, sự quan tâm của xã hội không chỉ dừng lại ở việc theo dõi diễn biến của tình hình dịch bệnh, mà tâm điểm còn dồn về quán bar Buddha ở phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM .

Từ bệnh nhân 91 là phi công người Anh nhiễm Covid-19, ngành y tế phát hiện 7 người khác dương tính với SARS-CoV-2 khi tiếp xúc tại quán bar Buddha. Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên nơi đây lại thành tâm điểm ổ dịch, để rồi vấn đề cái tên được cộng đồng chú ý.

Một trong số những quán bar thuộc hệ thống Buddha trên thế giới.

Một trong số những quán bar thuộc hệ thống Buddha trên thế giới.

Theo như thông tin tự giới thiệu thì đây là một trong những quán bar và nhà hàng nổi tiếng nhất ở Thảo Điền trong 15 năm qua với các không gian phục vụ gặp gỡ, vui chơi, ăn uống như xem thể thao, chơi bida, nhạc sống…

Không khó để bắt gặp các tượng, tranh ảnh về Đức Phật được trang trí ở khắp nơi trong quán. Và 15 năm qua, hình tượng Đức Phật ở đó chiêm ngưỡng, “chịu tra tấn” trước những hình ảnh lố lăng, chướng tai gai mắt được phô bày hàng ngày, hàng giờ tại Buddha Bar & Grill, trên đất Sài Gòn.

Còn nhớ năm 2009, người Indonesia cũng phản ứng mạnh khi cũng xuất hiện quán Buddha Bar tại nước này. Trang tin kompas.com trích lời ông Ade Surapriyatna, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Jakarta, nói: “Tôi sẽ đề xuất với ngài thủ hiến Jakarta rút lại giấy phép kinh doanh quán bar này vì rõ ràng nó đã sử dụng những biểu tượng của Phật giáo.

Đây không chỉ là một vấn đề thuộc về đạo đức kinh doanh, mà nó còn liều mạng xâm phạm vào lĩnh vực phỉ báng chống lại tôn giáo nói riêng, vì vậy mà nó đã vấp phải sự phản ứng tức thời của tôn giáo đó”.

Ông Ade Surapriyatna cũng cho biết thêm ông cũng sẽ đưa vấn đề này ra trước cuộc họp hội đồng lập pháp thành phố.

Buddha Bả 2

Tại Việt Nam, theo Luật Doanh nghiệp về việc sử dụng tên gọi, chủ quán Buddha Bar & Grill đã “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”.

Trên thực tế, tôn giáo nào cũng hướng con người ta đến với cái thiện, cái mỹ, điều chỉnh suy nghĩ và hành vi tín đồ để họ sống tốt hơn. Vì vậy, dù có hay không theo tôn giáo, dù theo tôn giáo nào thì mỗi người cũng cần tôn trọng đức tin của người khác. Hành động và lời nói của mình phải phù hợp với chuẩn mực xã hội, truyền thống văn hóa dân tộc, quy ước cộng đồng.

Nhà văn, nhà báo Đào Phong Lan (TP.HCM) bày tỏ: “Tôi không theo bất cứ tôn giáo nào, nhưng qua việc đặt tên quán là Buddha Bar thì thấy cũng khó chấp nhận. Có những điều không bao giờ nên đánh đồng với những thứ khác.”.

Theo chị Phong Lan, tôn giáo là những cái người khác thấy linh thiêng, là nơi để tôn thờ. Những người còn lại nếu không tôn thờ, cũng không nên xem như một thứ giải trí.

“Bar là một nơi mà người truyền thống nhiều khi còn đánh giá là không nghiêm túc, huống hồ gì còn lấy tên, ảnh và tượng Phật ra làm đồ trang trí” – nhà báo Phong Lan nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Phật giáo thì Nghiệp là Nhân, báo là Quả. Nghiệp và Quả báo tạo thành Luật Nhân Quả. Ngắn gọn là "Nghiệp Quả" hay "Nghiệp Báo". Nếu chúng ta tạo Nhân (Nghiệp) tốt thì sẽ trổ Quả tốt, còn ngược lại nếu ta gieo Nhân xấu thì sớm hay muộn gì chúng ta cũng nhận Quả xấu.

Chuyện Nhân Quả cứ thế mà xoay dần thành một vòng tròn không bao giờ chấm dứt vì con người cứ tạo Nhân rồi trả Quả. Trong việc trả Quả lại tiếp tục tạo Nhân mới và Nhân Quả cứ như thế mà luân hồi.

Vậy nên có thể thấy với chủ nhân của quán bar Buddha thì nghiệp chồng nghiệp, quả báo nhãn tiền không hề nhẹ, khi không chỉ mở quán bar để kinh doanh với những cảnh ăn chơi nhảy múa trụy lạc dành cho người nước ngoài trên đất Sài Gòn, mà còn lợi dụng tên tuổi, uy tín của Đức Phật để đặt tên cho quán: "Buddha Bar & Grill".

Cuộc sống tựa một chiếc gương, soi vào đó điều gì ta sẽ nhận lại điều tương tự. Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đều là những cộng đồng có những quy định riêng. Do đó mỗi người cần có thái độ ứng xử đúng mực với những cộng đồng xung quanh.

Vì chạy theo lợi nhuận mà lợi dụng tên gọi, hình ảnh của một biểu tượng tâm linh lớn là Đức Phật – người đại diện cho sự giác ngộ, thiền định, trí huệ, từ bi…cho một không gian xập xình, ăn chơi nhảy múa sẽ không chỉ gây bất bình cho cộng đồng Phật tử Việt Nam, mà còn nên tạo nghiệp rất nặng, khó có thể hóa giải trong nhiều kiếp.

Điều 39 - Luật Doanh nghiệp có ghi rõ: Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp

 1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp.

 2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

 3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Theo VTC NEWS
Nguồn: https://vtc.vn/y-kien/quan-an-choi-can-bo-ten-duc-phat-keo-ganh-nghiep-bao-ar535825.html
...