Người lao động rút bảo hiểm xã hội vì "xoay mãi không có cách"!
Dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động gặp khó khăn với việc trở lại thị trường lao động. Nhiều người đã "xoay mãi" nhưng không có cách nên mới rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là 496.000 người, tăng so với cùng kỳ là 0,25%. Việc rút bảo hiểm hiện đã giảm nhưng cơ quan chức năng vẫn dự báo thời gian tới, hiện tượng này có thể còn tăng do tác động của dịch, khó khăn trong kinh tế - xã hội và biến động của thị trường lao động.
Cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo, điều đó đồng nghĩa, trong tương lai, những người lao động này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già hoặc nếu có thì mức hưởng lương hưu cũng rất thấp. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia khi mà những năm tới Việt Nam bắt đầu bước vào tiến trình già hóa dân số.
Bàn về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thuộc Bộ LĐ-TB&XH nhận xét, hiện tượng gia tăng số người rút bảo hiểm một lần diễn ra sau đại dịch Covid-19.
Bà Hương phân tích, nhiều người lao động chọn rút BHXH một lần trong thời gian qua vì tác động dịch Covid-19 khiến thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn. Người lao động đã rời khỏi thị trường lao động, có nhiều vướng mắc với việc quay trở lại nên xác định phần đóng BHXH trước đó như là phần thu nhập đã tích lũy để tạm thời dựa vào.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội nhấn mạnh, về nguyên tắc, rút BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Theo luật BHXH, Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được quyền rút bảo hiểm khi gặp khó khăn.
Bà Lan Hương chia sẻ với phân tích của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung rằng, phải khó khăn thực sự người lao động mới rút bảo hiểm vì rõ ràng rút sớm là thiệt thòi. Nguyên Viện trưởng cho biết, thực tế, khi phỏng vấn người lao động, nhiều người trả lời "xoay mãi nhưng không có cách nào nên mới rút BHXH".
Ngoài ra, bà cũng đề cập một số lý do như người lao động chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc đóng BHXH trong cuộc sống, khi gặp biến cố, chẳng hạn như là thai sản, gặp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Hơn nữa, hệ quả lâu dài của việc rút bảo hiểm một lần là về già người lao động không có lương hưu, khó mà kiếm được khoản tiền thay thế để đảm bảo cuộc sống. Thông tin này cần được truyền thông chi tiết, cụ thể đến người lao động.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phân tích, rút BHXH, người lao động chỉ nhận được một số lượng tiền nhất định nhưng đồng nghĩa là họ chấp nhận bỏ đi số năm đã đóng BHXH.
"Hệ thống bảo hiểm xã hội, quan trọng nhất là quỹ lương hưu. Khi nhận một số tiền, rút khỏi hệ thống là người lao động quay trở về điểm xuất phát "zero" ban đầu. Quy định hiện hành, phải đóng bảo hiểm tối thiểu 15 năm thì phần rút ra mới được 45%, thiệt về tiền mà cuộc sống về già của những người này sẽ rất khó khăn" - bà Lan Hương nói.
Vị nữ PGS.TS lo ngại: "Không biết người lao động có không hiểu hoặc chưa hiểu hết chính sách. Họ có biết rằng khi được hưởng chế độ hưu trí là hưởng luôn chế độ bảo hiểm y tế. Đây là công cụ bảo vệ rất quan trọng cho cuộc sống của người lao động khi về già".
Mở rộng phân tích, nguyên Viện trưởng Nguyễn Thị Lan Hương cũng nêu logic, tham gia bảo hiểm xã hội là để bảo vệ người lao động, người chủ sử dụng lao động hầu hết không muốn đóng bởi chi phí đóng bảo hiểm là phần doanh nghiệp phải chi trả thêm ngoài lương.