NHỊP SỐNG

Giá điện tăng rồi vẫn thấp hơn nhiều nước, tội gì không tăng

22/03/2019 - 06:00

Lý giải của Cục Điều tiết Điện lực, sau khi điều chỉnh, giá điện mới bằng 66% giá bình quân. So sánh với 10 nước có GDP tương tự Việt Nam, giá điện của chúng ta cũng chỉ bằng 80% các nước này. Sau khi điều chỉnh, giá điện bình quân của Việt Nam mới bằng 91% giá điện các nước.

Tại buổi tọa đàm, “Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía” diễn ra ngày 21/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, căn cứ Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện, trên cơ sở chấp thuận của cấp có thẩm quyền, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện từ ngày 20/3.

gia_dien

Theo đó, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán để việc tăng giá điện phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Nói về việc tăng giá điện lần này, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri nhấn mạnh: “Đúng là không ai muốn tăng giá điện, bản thân chúng tôi cũng không muốn nhưng đây là việc bắt buộc phải làm để bảo đảm cho các nhà sản xuất điện đủ điều kiện hoạt động. EVN hiện cũng chỉ cung cấp 50% điện toàn hệ thống còn lại phải mua của các nhà sản xuất độc lập. Quan trọng nhất là phải đồng lòng để chúng ta có thể có đủ điện để đảm bảo phát triển kinh tế”.

Theo ông Tri, với các yếu tố khách quan khi chi phí đầu vào tăng, áp lực tăng giá điện là rất lớn. Cụ thể, hiện nay, giá nhiên liệu tăng; giá than tăng làm chi phí than tăng trên 7.000 tỷ đồng. Về giá khí hiện áp dụng theo giá thị trường nên sơ bộ năm 2019, phần chênh tăng giá khí cũng gần 6.000 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, khi phát điện chạy dầu EVN phải chi thêm từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng để đảm bảo điện mùa khô do nguồn nước về các hồ thủy điện hạn chế; đồng thời các yếu tố chênh tỷ giá phải trả cho các nhà đầu tư bên ngoài khi họ đầu tư xây dựng nhà máy điện để bán điện cho EVN. Theo đó, năm 2017 phát sinh tỷ giá cho các nhà máy điện này trên 3.800 tỷ đồng; năm 2018 phát sinh trên 3.000 tỷ đồng mà chưa được tính trong phương án giá điện lần này. 

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết thêm, hiện giá điện ở Việt Nam so với 8 nước khu vực Đông Nam Á bằng 58% giá điện bình quân của 8 nước này, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực, kể cả Lào, Campuchia... Sau khi điều chỉnh, giá điện mới bằng 66% giá bình quân. Còn so sánh với 10 nước có GDP tương tự Việt Nam, giá điện của chúng ta cũng chỉ bằng 80% các nước này. Sau khi điều chỉnh, giá điện bình quân của Việt Nam mới bằng 91% giá điện các nước. 

Còn theo gia kinh tế Cấn Văn Lực, điện là khâu đầu vào của cả nền kinh tế và tác động trực tiếp đến sản xuất, chi phí sinh hoạt của người dân nên phương án tăng giá điện đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo ông Lực việc tăng giá điện thời điểm này là cần thiết. Bởi lý do chính của việc tăng giá điện là để tiến dần đến kinh tế thị trường trong ngành điện, minh bạch hóa ngành điện.

Trước đây giá đầu vào còn có yếu tố bảo trợ của Nhà nước nhưng nay giá đầu vào là không bảo trợ. Trong chi phí đầu vào 76% tác động chi phí sản xuất điện nên tác động lớn.

Song ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, người dân và doanh nghiệp không đơn thuần là mong giá điện thấp mà mong giá điện được tính toán một cách hợp lý. Do đó, cần tiến tới bỏ cơ chế bù chéo, đối với các ngành sản xuất công nghiệp như: xi măng, sắt thép... Vì thế, điện cho công nghiệp chịu mức thấp hơn chỉ 6,8 cent, điện sinh hoạt 8,7 cent và điện ngành khác là 10 cent...

Giá điện sinh hoạt đang bù cho giá điện trong sản xuất công nghiệp là điều chưa hợp lý, không công bằng. Trong khi ngành sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 50% cơ cấu tiêu thụ điện. Bỏ cơ chế bù chéo này người dân, doanh nghiệp sẽ đồng thuận và sẵn sàng trả giá điện hợp lý hơn.

Theo Infonet
Nguồn: https://infonet.vn/gia-dien-tang-roi-van-thap-hon-nhieu-nuoc-toi-gi-khong-tang-post293978.info
...