Ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người
Luật Phòng, chống mua bán người 2024 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), trong đó xác định hành vi ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người.
Hỏi: Tôi được biết, Luật Phòng, chống mua bán người 2024 vừa được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mới. Xin quý báo cho biết về nguyên tắc phòng, chống mua bán người và chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người?
(Phạm Anh Tài, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Trả lời:
Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:
Luật Phòng, chống mua bán người 2024 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), trong đó xác định hành vi ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người.
Theo đó, Luật giải thích: mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.
Trong đó, mục đích vô nhân đạo khác là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; ép buộc nạn nhân đi ăn xin, kết hôn trái ý muốn, sinh con trái ý muốn, thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng nạn nhân vào mục đích tàn ác khác.
Như vậy, hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người.
Điều 4 Luật quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người như sau:
Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa mua bán người; phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống mua bán người 2024.
Giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân kịp thời, chính xác; giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.
Tùy từng trường hợp cụ thể và theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là hệ quả trực tiếp của hành vi mua bán người có thể không bị xử lý hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.
Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành, chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.
Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người được nêu tại Điều 5:
1. Phòng, chống mua bán người là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.
2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
3. Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người.
4. Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.
5. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.
6. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp.
LS. Nguyễn Trung Tiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội