NHỊP SỐNG

Đề xuất năm 2020 tăng lương 380 ngàn đồng

14/06/2019 - 15:30

Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 về cải cách chính sách tiền lương nêu rõ: Đến năm 2020 mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.

Sáng 14-6, Hội đồng Tiền lương quốc gia nhóm họp kín phiên thứ nhất để bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 dưới sự chủ trì của ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động), cho biết lương tối thiểu vùng năm 2018 mới đáp ứng khoảng 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

anh-hoi-dong-tien-luong_ztuv_thumb

Phiên họp kín đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia. 

Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội có những khởi sắc, dự kiến GDP tăng khoảng 7%, CPI tăng khoảng 4% và năng suất lao động tăng khoảng 5%. Bên cạnh đó, Nghị quyết 27 đến năm 2020 tiền lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đây là mục tiêu được đặt ra nhiều lần nhưng chưa thực hiện được.

“Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Phương án 1 với mức tăng 180.000-380.000 đồng (8%) so với lương tối thiểu năm 2019, tức tăng bình quân 8,1%. Phương án 2 với mức tăng thấp hơn, 160.000-330.000 đồng (tăng 7,06%, tùi từng vùng)…”, ông Quảng nói.

Đại diện người lao động cũng cho rằng điểm mấu chốt trong việc xác định đàm phán năm nay là việc xác định tỉ lệ nhu cầu lương thực và phi lương thực trong “giỏ” mức sống tối thiểu của người lao động. Hiện nay, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có 2 cách tính khác với bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

 Trong khi đó, trước khi diễn ra cuộc họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất lương tối thiểu vùng năm 2020 giữ nguyên như hiện hành, không cần tăng để giữ sức cho doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, ông Phòng cũng nói: “Chúng tôi sẽ lắng nghe, phân tích để có những con số phù hợp để nếu có tăng thì sẽ nằm trong khả năng chi trả, sức chịu đựng của doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Theo đại diện VCCI, về cơ bản, các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2019 được đề xuất tăng là 5,3%. Cụ thể 72,5% doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6%; 2,1% doanh nghiệp tăng 5,9%. Đồng thời, việc điều chỉnh lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa là điều chỉnh các phần có liên quan chứ không có ý nghĩa nhiều đối với mức lương tối thiểu của người lao động.

“Tăng lương tối thiểu đang làm tăng các chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh phải cắt giảm nhiều chi phí để cạnh tranh. Qua 5 tháng đầu năm, cả nước có 54.000 doanh nghiệp được thành lập mới thì có tới trên 20.000 doanh nghiệp ‘thoát ly’ khỏi thị trường, trong đó có 7.000 doanh nghiệp đã hoàn thành xong thủ tục giải thể,” ông Hoàng Quang Phòng dẫn chứng.

Sau khi kết thúc phiên họp, VCCI đề xuất mức tăng 2%. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm. Như vậy, khoảng cách giữa đại diện người lao động và sử dụng lao động còn xa nhau.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đây là cuộc họp đầu tiên để đại diện các bên nêu quan điểm, trình bày các nghiên cứu, phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Nhưng ông cũng cho rằng các đánh giá Quốc hội cho thấy kinh tế có khởi sắc, tuy nhiên cần có đánh giá về tình hình ‘sức khoẻ’ doanh nghiệp.

Xác định mức lương tối thiểu là việc cần bàn bạc kỹ lưỡng vì liên quan rổ hàng hoá, giá cả, tỉ trọng chi phí… trong bối cảnh thu nhập còn thấp. Trong phiên họp đầu tiên, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nghe báo cáo của bộ phận kỹ thuật, thành viên đến từ ba bên: Nhà nước, người lao động, chủ sử dụng lao động để có những số liệu, phương án làm cơ sở thống nhất mức lương tối thiểu.

“Chắc chắn Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải họp thêm 1-2 phiên nữa để các bên thương lượng, trao đổi đi đến thống nhất mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020. Phấn đấu trong tháng 7-2019 “chốt” được mức lương tối thiểu vùng 2020 để trình Chính phủ”, ông Diệp nói.

Được biết, tại phiên họp, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra 3 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020.

Cụ thể, phương án 1 tăng bình quân 4,9% so với lương tối thiểu vùng hiện hành, tức tăng 120.000-200.000 đồng. Phương án 2 tăng bình quân 4%, tức tăng 70.000-170.000 đồng tùy từng vùng. Phương án 3 tăng bình quân 6%, tức 140.000-240.000 đồng tùy từng vùng.

tien-luong-toi-thieu-vung_tppk
Theo plo.vn
Nguồn: https://plo.vn/xa-hoi/de-xuat-nam-2020-tang-luong-380-ngan-dong-840012.html
...