“Chạy đua” cập nhật sinh trắc học
Đếm ngược chỉ còn 2 ngày, các ngân hàng đang chạy hết tốc lực hỗ trợ người dùng xác thực sinh trắc học trên đa kênh, tránh để giao dịch trên kênh số bị gián đoạn.
Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện một số giao dịch điện tử như rút tiền, chuyển khoản và thanh toán thẻ online.
Như vậy, chỉ còn 3 ngày nữa là đến thời hạn quy định, các ngân hàng đang tăng tốc hỗ trợ người dùng xác thực sinh trắc học trên đa kênh, tránh để giao dịch trên kênh số bị gián đoạn.
Các quy định mới này có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng và trực tiếp đến hàng triệu khách hàng của các ngân hàng, cho nên công việc xác thực sinh trắc học đòi hỏi các ngân hàng phải chạy đua với thời gian để triển khai cùng lúc nhiều công việc.
Để hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học theo quy định, đã liên tục thông tin, liên lạc với tất cả khách hàng thông qua nhiều kênh như Email, thông báo và SMS với các bản cập nhật thường xuyên, để đảm bảo khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin, nhận được hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn mở cửa hoạt động thêm cả buổi tối, cả ngày cuối tuần và Tết Dương lịch để phục vụ khách hàng cập nhật sinh trắc học, thực hiện mục tiêu 100% khách hàng hoạt động trên kênh số tiến hành xác thực sinh trắc học trước 1/1/2025.
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng, mặc dù số lượng khách hàng đến cập nhật sinh trắc học tăng lên đáng kể nhưng không có tình trạng quá tải. Các ngân hàng đều đã bố trí nhân viên cũng như trang bị sẵn thiết bị để hỗ trợ người dân gặp sự cố trong quá trình xác thực.
Phản hồi về quy trình cập nhật thông tin sinh trắc học, đa số khách hàng nhận thấy các bước thực hiện khá dễ dàng và không mất quá nhiều thời gian. Một số trường hợp xảy ra trục trục chẳng hạn như app không đọc được thông tin NFC hay không nhận diện được căn cước công dân mẫu mới nhưng cũng đã nhanh chóng được hỗ trợ bởi các nhân viên ngân hàng.
Anh Đàm Châm (Long Biên, Hà Nội) cho biết, anh đang sử dụng tổng cộng 2 tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, số tiền trong tài khoản lại thường không để nhiều và ít khi chuyển khoản số tiền vượt 10 triệu đồng/lần hay tổng các lần chuyển trên 20 triệu/ ngày. Vì thế, việc cập nhật sinh trắc học anh Châm “không quan tâm”.
“Tiền trong tài khoản tôi chỉ để đủ chi tiêu, đủ thanh toán các hóa đơn nhỏ dưới 10 triệu đồng, nên cá nhân tôi cũng chưa muốn cập nhật sinh trắc học. Nhưng khi nhận được thông báo, từ 1/1/2025, khách hàng không cập nhật sinh trắc học sẽ không thể thực hiện một số giao dịch điện tử như rút tiền, chuyển khoản và thanh toán thẻ online. Do đó, tối muộn ngày 28/12, tôi đã nhanh chóng cập nhật sinh trắc học qua app ngân hàng Vietinbank. Ban đầu, tôi làm nhiều lần vẫn chưa ghi nhận cập nhật thành công, nên đã gọi điện lên tổng đài thì được biết hệ thống đã ghi nhận nhiều lần tôi cập nhật chưa thành công là do chụp CCCD để trên mặt gương hay quét khuôn mặt chưa đủ sáng, nền phía sau ảnh chưa đúng... Và dưới sự hỗ trợ của nhân viên tổng đài, chỉ mất khoảng 5 phút tôi đã hoàn tất việc xác thực sinh trắc học mà không phải đến ngân hàng.
Chị Nguyễn Thị Tình (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), một khách hàng của Vietcombank chia sẻ, do trước đây chị mở tài khoản bằng chứng minh nhân dân cũ, nên nay chị phải ra ngân hàng để cập nhật thông tin mới với căn cước công dân gắn chip. Sau khi nhân viên quầy giao dịch tiếp nhận các thông tin cá nhân chỉ sau 10 phút, chị đã hoàn tất xác thực sinh trắc học.
"Giờ G" sắp đến, các khách hàng cần chủ động phối hợp với ngân hàng để hoàn thành xác thực. Khách hàng cần lưu ý rà soát thông tin thời hạn giấy tờ tùy thân, nhanh chóng thực hiện cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân (nếu hết hiệu lực) và thông tin sinh trắc học (nếu chưa cập nhật) để không bị gián đoạn giao dịch.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đưa ra khuyến cáo, để đảm bảo an toàn và bảo mật, khách hàng chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học và giấy tờ tùy thân qua ứng dụng ngân hàng số hoặc tại các chi nhánh/phòng giao dịch; không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác.
Theo thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 12/2024 đã có 66,6 triệu khách hàng cá nhân được đối chiếu sinh trắc học. Sau hơn 3 tháng triển khai, số vụ lừa đảo giảm 50% và số tài khoản nhận tiền lừa đảo giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024.
Công nghệ sinh trắc học đang được kỳ vọng tạo nên bước đột phá, không chỉ nâng cao mức độ bảo mật trong giao dịch ngân hàng mà còn hiệu quả trong việc ngăn chặn lừa đảo trực tuyến và tối ưu hóa sự minh bạch của hệ thống tài khoản.
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, từ 28/11 đến 14/12, cứ 220 người dùng thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tương đương tỷ lệ 0,45%. Ước tính tổng thiệt hại do các vụ lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên tới 18.900 tỷ đồng.