NHỊP SỐNG

Cán bộ dùng bằng giả của ĐH Đông Đô bảo vệ tiến sỹ có khả năng dính án tù?

26/11/2020 - 14:45

"Hành vi sử dụng bằng biết rõ là giả để thi tuyển công chức, nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn đủ căn cứ xử lý hình sự về tội tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can là cán bộ Trường Đại học Đông Đô về hành vi "Giả mạo trong công tác". 

Theo kết luận điều tra, quá trình hoạt động, trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, nhưng từ năm 2015 trường này đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT (Vụ Kế hoạch tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và được Vụ Giáo dục đại học cho đăng tải "Đề án tuyển sinh" lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học, Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Đô) và đồng phạm đã tuyển sinh và cấp bằng cho hàng trăm trường hợp mà không cần phải học.

 Trường Đại học Đông Đô.

 Trường Đại học Đông Đô.

Trong đó, đối với 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sỹ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sỹ. CQĐT đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ theo quy định đối với 58 người, 2 trường hợp còn lại một người đã chết, người còn lại xin thôi không học thạc sỹ trước khi CQĐT khởi tố vụ án nên không kiến nghị xử lý.

Vậy điều dư luận đặc biệt quan tâm là những người sử dụng bằng giả để bảo vệ luận án tiến sỹ, sau đó "chui" vào các cơ quan nhà nước liệu có khả năng bị xử lý hình sự?

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Dù Cơ quan điều tra đã xác định "có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng" nhưng cơ quan điều tra chỉ kiến nghị xử lý cán bộ, không tách ra thành vụ án riêng để điều tra, không xử lý hình sự.

Tuy nhiên, tôi cho rằng có căn cứ để cơ quan điều tra vào cuộc xác định dấu hiệu tội phạm của Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Tội giả mạo trong công tác.

 Luật sư Quách Thành Lực nhận định cần xem xét xử lý hình sự các trường hợp sử dụng bằng giả để trục lợi.

 Luật sư Quách Thành Lực nhận định cần xem xét xử lý hình sự các trường hợp sử dụng bằng giả để trục lợi.

Điều 341 Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định như sau:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Điều 359 Tội giả mạo trong công tác:

2. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: b) Làm, cấp giấy tờ giả.

Các bị can là cán bộ Trường Đại học Đông Đô bị xử lý hình sự về hành vi "Giả mạo trong công tác" được hiểu là họ đã làm, cấp giấy tờ giả cho những học viên.

Để xác định những học viên có thể bị xem xét xử lý hình sự hay không cần phải xác định ý chí của họ có biết đây là bằng giả hay không, có sử dụng bằng giả vào mục đích trái pháp luật hay không.

Thứ nhất: Cần xác định họ có biết đây là bằng giả hay không?

Cơ quan điều tra đã thông tin: Kết quả xác minh xác định trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này được cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019).

Như vậy những học viên này dù không được đào tạo, không tham gia khóa học, bằng nhận thức tối thiểu của người đủ năng lực hành vi đều biết rằng bằng cấp chỉ là kết quả xác nhận hoàn thành khóa học. Không học tập mà lại có kết quả thì họ đã hiểu rằng đây là bằng giả. Về mặt chủ quan hoàn toàn đủ điều kiện xác định học viên có lỗi cố ý.

Thứ hai: Có sử dụng bằng giả thực hiện hành vi trái pháp luật?

Điều 341 Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xác định người sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật nói chung là đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Cơ quan điều tra xác định các học viên có hành vi sử dụng bằng giả như sau: "60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sỹ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sỹ".

Dù hậu quả của việc sử dụng bằng giả  gây ra cho xã hội là rất nguy hiểm nhưng cơ quan điều tra với lập luận người có bằng giả chỉ sử dụng vào những việc trên thì không xác định họ sử dụng bằng giả để thực hiện hành vi trái pháp luật nên đã không thể xử lý hình sự. Trong vụ án này cơ quan điều tra chỉ chỉ kiến nghị xử lý bằng các biện pháp khác.

Tuy nhiên với lập luận rằng sử dụng bằng giả để lừa dối cơ quan tuyển dụng, cơ quan quản lý khiến cơ quan tổ chức hiểu sai, đánh giá sai về năng lực người có bằng cấp thì cần phải xác định đây là hành vi trái pháp luật về hành chính.

Nếu với lập luận này thì hành vi sử dụng bằng biết rõ là giả để thi tuyển công chức, nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn đủ căn cứ xử lý hình sự về tội tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Vì vậy, tội cho rằng Cơ quan điều tra cần công khai danh sách những người sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô và xem xét xử lý hình sự với những cá nhân đủ yếu tố cấu thành tội phạm", luật sư Quách Thành Lực bày tỏ.

Theo Báo Dân trí
Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/can-bo-dung-bang-gia-cua-dh-dong-do-bao-ve-tien-sy-co-kha-nang-dinh-an-tu-20201126144039877.htm
...