NHÀ ĐẸP

Đặt sai thủy sẽ dần lụn bại, đặt đúng điểm vàng sẽ rước tài lộc, sung túc ào ạt vào nhà

25/07/2020 - 16:00

Thùng gạo được coi là kho lương, hũ tiền, tài lộc, vận may cho gia đình. Nếu thùng gạo đặt sai phong thủy thì gia đình mâu thuẫn, dần mất lộc, lụn bại. Nhưng đặt đúng phong thủy thì tài lộc, sung túc sẽ tràn về. Chuyên gia phong thủy nói gì về chuyện này?

Đặt phong thủy thùng gạo để tránh lụn bại?

Một số thầy phong thủy cho rằng, rất nhiều nhà đặt thùng gạo (hũ gạo) tùy ý, sai vị trí cho phong thủy thùng gạo. Theo quan niệm phương Đông về phong thủy thùng gạo thì đó là tượng trưng cho kho lương thực, sự no đủ, sung túc trong gia đình. 

Xưa các cụ hay dùng chum có nắp chứa gạo và chôn dưới lòng đất. Ngay nay những căn bếp hiện đại vị trí đặt thùng gạo được bố trí vừa thẩm mỹ hơn và kín đáo trong các hộc tủ. Nhưng ngày nay nhiều người chủ quan với thùng gạo và đa số người dân không đặt đúng vị trí phong thủy nên thùng gạo không phát huy được việc thu tài hút lộc, thịnh vượng cho các thành viên trong nhà. 

Còn khuyên các gia đình khi nảy sinh mâu thuẫn, làm ăn khó khăn... thì hãy thay đổi ngay phong thủy thùng gạo đặt đúng vị trí để thay đổi tài vận, đừng chủ quan vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tài lộc, sung túc, no đủ cho gia đình. Và còn nhiều thắc mắc khác như:

- Đặt thùng gạo ở đâu trong nhà để có phong thủy tốt gọi tài lộc, tiền bạc về nhà?

- Nhà hay có mâu thuẫn, làm ăn khó khăn có phải thay đổi chỗ đặt thùng gạo ngay không?

- Thùng gạo có nhiều chất liệu, nên dùng thùng nhựa, thùng gỗ hay thùng kim loại.

 Thùng gạo cần đặt hướng tốt, nơi kín đáo. Ảnh minh họa.

 Thùng gạo cần đặt hướng tốt, nơi kín đáo. Ảnh minh họa.

Một số thầy phong thủy còn định hướng tốt nhất để đặt thùng gạo là hướng Thổ - bởi theo ngũ hành gạo thuộc hành Thổ nên hướng Thổ sẽ hưng vượng nhất. Theo đó hướng Tây Nam, hoặc Đông Bắc của ngôi nhà là tốt nhất để đặt thùng gạo.

Không nên đặt thùng gạo ở hướng Nam, hoặc Đông, Đông Nam ngôi nhà vì ngũ hành Mộc khắc Thổ, dễ khiến tài lộc hư hao, thất thoát, vận may cũng tự nhiên mà không còn.

 Xưa các cụ hay dùng chum đựng gạo chôn dưới đất. Ảnh minh họa.

 Xưa các cụ hay dùng chum đựng gạo chôn dưới đất. Ảnh minh họa.

Chất liệu làm thùng gạo cũng được một số nhà phong thủy chú ý. Theo đó sành, gốm, sứ - thuộc hành Thổ là tốt nhất, bởi như là một mảnh đất sinh ra tài lộc, sự sống, hưng vượng, tốt lành. Thổ gạo và Thổ gốm, sứ sẽ giúp Thổ khí thêm tốt lành, ổn định lâu dài, giúp gia chủ công danh sự nghiệp thăng tiến. Người làm ăn buôn bán thì ngày càng phát đạt. 

 Thùng gạo chất liệu sành, gốm, sứ rất tốt. Ảnh minh họa.

 Thùng gạo chất liệu sành, gốm, sứ rất tốt. Ảnh minh họa.

Hình dáng thùng gạo phải chọn thùng hình tròn, ngũ hành thuộc Kim. Thân thùng gạo nên cao và sâu để sự đủ đầy, sung túc được sâu dày, bền lâu cho gia chủ, Không nên chọn loại thùng gạo nông và cạn, bởi sự no đủ, sung túc cũng chỉ được nông cạn, ngắn hạn, không tốt. Gia chủ nào cẩn thận thì chọn cả kích thước thùng để mang lại sự may mắn, hưng vượng nhất có thể.

Còn trang trí thùng gạo phải chọn những hình ảnh, biểu tượng may mắn, tốt lành, màu sắc tươi tắn hợp phong thủy nhà ở. Với phong thủy thì màu nâu đất, vàng đất mang Thổ khí vượng từ xưa tới nay được chọn làm thùng gạo nhiều vì mang lại may mắn, lộc tài, sung túc cho gia chủ.

Rồi còn: Mua gạo về phải tháo túi đựng ra và đổ trực tiếp gạo vào thùng; Khi gạo vơi 1/2 thùng là phải đổ gạo vào đầy; Tuyệt đối không để thùng gạo trống rỗng vì đó là biểu hiện của cải, may mắn không còn.

Chuyên gia phong thủy nói gì?

Theo nhà phong thủy Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), đặt phong thủy thùng gạo không quan trọng, bởi nếu là kho lương thực lớn như bồ thóc, rương thóc, chum gạo... chứa cả tấn thóc (mỗi khi cần ăn lại lấy một ít thóc ra đem xay xát thành gạo) thì mới phải quan tâm tới phong thủy. Còn trong gian bếp thùng gạo quá nhỏ bé, không thể gọi là "kho lương thực được".

Mặt khác, những gia chủ quan tâm tới phong thủy thì khi xây dựng nhà cửa đã mời thầy phong thủy về đặt hướng bếp cho hợp với gia chủ rồi. Và đương nhiên trong các hộc tủ bếp thường đặt thùng gạo luôn.

Việc đặt thùng gạo xa nước để chống mốc là đúng. Nhưng đặt thùng gạo không gần bếp lửa vì sợ lửa "đốt" kho lương thì không phải thế. Bởi bếp bây giờ toàn làm mặt đá, đã ngăn cách hẳn với các hộc tủ bếp. Tuy thùng gạo thường đặt khá gần bếp, có nhà đặt trên là bếp, dưới là thùng gạo, đều không sao cả.

Quan niệm khi gạo vơi 1/2 thùng là phải đổ gạo vào đầy là không phù hợp, bởi các chum, hũ, thùng... đựng gạo nếu vơi 1/2 đã phải đổ gạo mới vào thì không bao giờ ăn hết gạo cũ phía dưới và gạo để lâu sẽ bị mốc, mọt (trừ khi phài nghiêng chum, hũ, thùng đổ hết gạo cũ ra và đổ gạo mới vào, như thế rất kích rích và khó thực hiện). Tuy nhiên, ngày nay có loại thùng nhựa có khay lấy gạo phía dưới có thể giúp được người dân việc đổ chồng gạo mới lên gạo cũ được. Nhưng không nhất thiết cứ hết 1/2 thùng gạo là phải đổ gạo mới vào, bởi gạo để lâu sẽ mất mùi thơm, nhựa gạo, ăn mất ngon.

Trong dân gian thì có nhiều kiêng kị, ngày nay có một số thầy phong thủy cũng dựa vào đó để vẽ việc ra mà làm. Nhưng thực tế thùng gạo rất bé nhỏ, không phải quan tâm tới phong thủy thùng gạo. Vì vậy không có chuyện thùng gạo đặt sai phong thủy sẽ dần lụn bại, đặt đúng điểm vàng sẽ rước tài lộc, sung túc ào ạt vào nhà.

Điều mà người dân cần quan tâm tới thùng gạo là:

- Thùng gạo cần phải kê lên để chống ẩm, nhưng không kê cao quá vì thùng nặng, dễ mất thăng bằng mà đổ xuống tung tóe gạo ra ngoài.

- Thùng gạo cần có nắp đậy, đặt nơi kín đáo để chống chuột, gián, bọ… ăn và phá hoại. 

- Thùng gạo bị hỏng, vỡ phải thay hoặc sửa ngay.

- Thùng gạo cần có nắp đậy giúp gạo giảm bớt bị nấm mốc, ẩm ướt, nhưng mỗi khi lấy gạo xong thì cần đậy nắp cẩn thận. Thùng gạo đặt kín đáo trong các ngăn tủ nhà bếp nhưng vẫn đảm bảo sự tiện lợi để lấy gạo nấu cơm hằng ngày. 

Theo Theo Gia đình & Xã hội
Nguồn: http://giadinh.net.vn/o/thuc-hu-chuyen-dat-sai-phong-thuy-thung-gao-gia-chu-se-dan-lun-bai-mat-loc-20200718054524247.htm
...