Ông bà dặn con cháu 'trước cau sau chuối': Vậy trồng cây chuối trước nhà là phúc hay họa?
Theo người xưa, cây trồng trước nhà hay sau nhà đều có ý nghĩa phong thủy nhất định.
Người xưa có câu: "Trước cau, sau chuối", để nói về cách thức trồng hai loại cây này trong nhà. Theo đó, các cụ hay dặn con cháu trước nhà nên trồng cau, sau nhà nên trồng chuối.
Trước nhà trồng cau
Cây cau có tên khoa học là Chrysalidocarpus lutescens, thuộc họ nhà Arecaceae (hay còn gọi là họ nhà cau). Cau thuộc loại cây thân cột, dáng mọc thẳng, gốc và thân có nhiều đốt ngắn. Lá, hoa và quả tập trung đầy đủ trên phần ngọn. Được biết, cây cau có chiều cao trung bình từ 0,7 - 2 m, khi trưởng thành, thân cau có thể cao lên đến 20 m.
Thời xưa, đi đâu cũng có thể bắt gặp cây cau trước sân nhà. Theo quan niệm xưa, cây cau như sự án ngữ, là vật che chắn bảo vệ ngôi nhà, giúp tăng cường dương khí, xua đuổi tà khí. Ngoài ra, những buồng cau trĩu quả mang lại cho gia chủ sự may mắn, tài lộc trong cuộc sống. Do vậy, hình ảnh cây cau trước sân nhà từ xưa đã trở thành biểu tượng quen thuộc của sân vườn Việt Nam.
Sau nhà trồng chuối
Theo quan niệm xưa, cây chuối có tán lá rộng, rậm rạp, trồng trước nhà sẽ che hết ánh nắng chiếu vào nhà, khiến nhà u tối, khó nhận tài lộc. Vậy nên câu nói "trước cau, sau chuối" ngụ ý cây chuối là âm, cây cau dương khí mạnh, nên cây âm trồng sau nhà, cây dương trồng trước nhà sẽ hợp lý.
Đặc biệt ngôi nhà xưa thường làm theo hướng Nam nên sau nhà sẽ là hướng Bắc. Nếu trồng sau nhà, chuối có thể che mát nắng nóng buổi chiều của hướng Tây, che chắn khí lạnh tràn về từ phía Bắc vào mùa đông. Điều này vừa thuận lợi trong đời sống, bảo vệ sức khỏe gia chủ, lại phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây chuối.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.