KHÁM PHÁ

Những ngôi chùa cầu an dịp đầu năm mới 2020 ở Hà Nội

07/01/2020 - 10:58

Hà Nội với rất nhiều chùa có bề dày nghìn năm lịch sử đã trở thành một điểm đến quen thuộc của mỗi người con Phật vào dịp Tết xuân về. Xin giới thiệu tới quý Phật tử một số ngôi chùa ở Hà Nội có thể cầu an, tìm kiếm sự thư thái trong lòng sau một năm vất vả bộn bề.

1. Chùa Trấn Quốc

 

 

 Chùa Trấn Quốc nằm trên một "hòn đảo" duy nhất nằm ở phía Đông Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ - Hà Nội.

 

 

 Phía trên cửa chùa có ghi ba chữ Phương Tiện môn và câu đối hai bên viết bằng chữ Nôm: Vang tai xe ngựa qua đường tục/Mở mặt non sông đứng cửa thiền.

 

 

 Chùa Trấn Quốc được bao bọc bởi cây cối um tùm và mặt nước Hồ Tây với những đợt sóng dâng cao bất ngờ. Các danh sĩ như Nguyễn Huy Lượng, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Bà huyện Thanh Quan...đã từng dạo quanh đây và để lại những tác phẩm tuyệt vời.

 

 

 Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công.

 

 

 Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà Tổ và bên trái là nhà bia.

 

 

 Nội điện và nơi thờ cúng tại chùa Trấn Quốc: nhà Tổ rộng 5 gian thì 3 gian chính dành để thờ các sư Tổ, còn 2 gian đầu hồi thờ Mẫu; trên các ban thờ có đặt nhiều pho tượng sinh động.

 

 

 Nội điện và nơi thờ cúng tại chùa Trấn Quốc: 3 gian chính dành để thờ các sư Tổ, còn 2 gian đầu hồi thờ Mẫu; trên các ban thờ có đặt nhiều pho tượng sinh động.

 

 

 Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815.

 

 

 Phía sau chùa có một số mộ tháp cổ từ đời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng (thế kỷ 18). Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m.

 

 

 Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý.

 

 

 Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý.

 

 

 Trải qua bao cuộc bể dâu, Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa thiêng liêng bậc nhất đối với Phật tử Việt Nam, là ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngay từ đợt đầu (1962).

2. Chùa Quán Sứ

 

 

 Sách “La thành cổ tích vịnh” do tiến sĩ Trần Bá Lãm soạn năm 1787 viết rằng: vào khoảng đời vua Trần Dụ Tông (1341—1369) triều đình cho dựng một tòa sứ quán để tiếp sứ thần các nước láng giềng Chiêm Thành, Vạn Tượng và Ai Lao. Triều ta vẫn theo nề nếp ấy". Từ đời Lê trung hưng về sau sứ thần có đến cống nạp phương và nghỉ ngơi ở đây.

 

 

 Nhân thế gọi tên là chùa Quán Sứ. Chùa tọa lạc tại số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm,Hà Nội.

 

 

 Chùa nằm trên con phố Quán Sứ.

 

 

 Chùa Quán Sứ - ‘điểm đến của nhiều thiền sư có tiếng thời Lý’: Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, một vị thiền sư nổi tiếng thời Lý. Trong các tượng ở chùa, có một pho rất đáng chú ý là tượng Hòa thượng Thích Thanh Tứ (1927-2011) trong dáng ngồi niệm Phật có kích cỡ và hình dáng như người thật.

 

 

 Năm 1942 sư Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt cho chùa xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng, với nghệ thuật kiến trúc và trang trí kết hợp tinh hoa từ các ngôi chùa lớn của miền Bắc. Mặt bằng các công trình tuân theo truyền thống “nội Công ngoại Quốc”. Tam quan chùa có ba tầng mái, ở giữa là lầu chuông. Một nét rất mới là ở đây tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ.

 

 

 Đi qua cổng tam quan rồi qua sân trước là tới 11 bậc thềm mới tới chính điện. Toà Tam bảo xây cao đặt ở trên tầng hai, tầng dưới là để cách ẩm. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều có kích thước khá lớn và thếp vàng lộng lẫy. Phía trong cùng, thờ tượng ba vị Phật Tam Thế trên bậc cao nhất.

 

 

 Bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có các tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc dưới đó, ở giữa thờ tượng Phật Thích-ca, hai bên là các tượng tôn giả A-nan-đà và Ca-diếp. Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đặt giữa các tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Địa Tạng Vương.

 

 

 Gian bên phải chính điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông. Bốn mặt xung quanh chùa Quán Sứ là những hàng hiên thoáng mát có các cột vuông chống đỡ.

 

 

 Chùa là một quần thể kiến trúc khá độc đáo với sự kết hợp hài hòa của các tầng mái và lầu chuông trong một khuôn viên tương đối rộng rãi. Đây là nơi lưu trữ rất nhiều tài liệu, thư tịch Phật giáo và là một trong những trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá Đạo Phật lớn nhất trong cả nước.

 

 

 Chùa Quán Sứ mới đây lại được trùng tu và nâng cấp, chủ yếu ở khu vực giữa và phía sau. Các tòa nhà chính và nhà phụ đều xây cao và rộng rãi, tường vẫn được quét vôi vàng như trước kia. Toà hậu đường gồm có 3 tầng, tầng giữa nối với chính điện qua một cầu thang lộ thiên.

 

 

 Chùa Quán Sứ có cả hội trường, giảng đường và thư viện Phật giáo. Chùa đủ chỗ để đặt văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam). Chùa cũng là nơi đặt văn phòng Hội đồng trị sự, văn phòng Hội đồng chứng minh và phòng khách quốc tế.

 

 

 Các vị hòa thượng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các vị thượng tọa, đại đức, tăng ni của văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều làm việc ở chùa Quán Sứ. Các hội nghị Phật giáo ở cấp quốc tế và quốc gia cũng thường được tổ chức tại đây.

3. Chùa Liên Phái

 

 

 Nằm cuối con ngõ cùng tên ở phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, chùa Liên Phái là một ngôi chùa có kiến trúc cổ với giá trị lịch sử đặc biệt của kinh thành Thăng Long xưa.

 

 

 Công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Liên Phái là tháp Diệu Quang nằm phía trước chùa. Tháp có hình lục lăng cao 10 tầng, quy mô tương đối lớn, được coi là kiến trúc quý hiếm vào bậc nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội.

 

 

 Chùa được xây dựng bởi sự phát tâm của Trịnh Thập (cháu nội Chúa Trịnh Căn và là con rể vua Lê Hy Tông) sau khi phát hiện một ngó sen lúc đào đất ở gò cao sau phủ để xây bể cạn.

 

 

 Chùa Liên Phái là số ít các chùa tại Hà Nội còn giữ nguyên được dáng cổ. Chùa xây năm 1726, là tổ đình của Thiền phái Liên Tông (dòng hoa sen) – một trong những phái thiền của Phật giáo bản địa Việt Nam – xuất hiện cuối thời Hậu Lê.

 

 

 Tượng Hòa thượng Trịnh Thập tại chùa Liên Phái.

 

 

 Từ nhà bia đi qua một khoảng sân rộng là khu chùa chính. Tòa tam bảo có 5 gian, được dựng trên bộ khung bằng gỗ với sáu vì kèo đỡ mái, được làm theo kiểu “chồng rường” và kiểu “quá giang cột trốn”. Nét nổi bật trong tòa Tam bảo là những cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm trổ công phu, tỉ mỉ bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm thủng với các đề tài tứ linh, đan xen hoa lá mang tính nghệ thuật cao.

 

 

 Ngoài hệ thống tượng Phật, chùa còn có tượng thiền sư Thượng Sĩ Lân Giác - người sáng lập chùa. Cổ vật đáng chú ý là một quả chuông có chữ "Liên Tông tục diện" (nghĩa là Liên Tông kế tục sáng ngời) thời Lê Trung Hưng.  

 

 

 

 

 

 Qua các thời kỳ lịch sử, chùa đã được tu bổ nhiều lần, đợt tu bổ lớn nhất là vào năm Ất Mão 1855, dành 1000 quan tiền và 6 năm để sửa lại nhà Tổ, nhà tăng, tả hữu vu và tô tượng Phật...

4. Chùa Thánh Chúa

 

 

 Từ cổng số 1 hoặc cổng số 2 trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại địa chỉ 136 đường Xuân Thuỷ, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, đi một quãng, đến gần sân vận động của trường, sẽ thấy cổng chùa Thánh Chúa với tấm biển lớn bằng đá hoa cương: Bộ Văn hoá - Chùa Thánh Chúa - Di tích lịch sử văn hoá đã xếp hạng. Ngôi chùa này được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào ngày 21-1-1989.

 

 

 Nơi đây còn lưu câu ca dao: “Ngàn năm nay có mấy chùa/ Có chùa Thánh Chúa hai vua tôn thờ”. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì chùa đã có từ trước năm 1064, đã là nơi lui tới của hai vua triều Lý và triều Lê. Chùa được xây dựng thời Lý, trước năm 1064, tại làng Vòng, một làng cổ, nơi sản sinh ra cốm Vòng nổi tiếng. Sau chùa trở thành di tích chung của hai phường Dịch Vọng và Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

 

 

 Ngày nay chùa có cảnh quang khang trang, thanh tịnh. Tam quan xây hai tầng, tầng trên có 3 cửa tò vò treo chuông, khánh. Chùa xây hình chữ Đinh, tiền đường 7 gian, đầu hồi bít đốc, bộ vì nóc kiểu “chồng giường giá chiêng“. Trên kiến trúc trang trí các hình rồng, phượng, hổ phù.

 

 

 Chùa thờ Phật với hệ thống tượng khá phong phú (77 pho) gồm cả tượng gỗ và tượng đất nung, trong đó có nhiều pho tượng mang phong cách thế kỉ thứ 17. Các hiện vật gỗ sơn son thiếp vàng, chạm trổ tinh tế. Điện Mẫu còn có một số pho tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỳ 19 có giá trị cao. Trong chùa còn có đồ thờ tự như hoành phi, câu đối, bia đá, chuông đồng phản ánh phong cách nghệ thuật của các thế kỹ 17 – 20.

5. Chùa Bà Đá

 

 

 Chùa Bà Đá là một ngôi chùa cổ nằm ở số 3 phố Nhà Thờ, Hà Nội, gần hồ Hoàn Kiếm.

 

 

 Ngôi chùa được xây năm 1056 này còn có các tên: Linh Quang tự, Sùng Khánh tự. Tuy chỉ là một ngôi chùa nhỏ nhưng nơi đây có cảnh quan khá đẹp với nhiều bức tượng gỗ.

 

 

 Hiện nay, chùa là trụ sở chính Thành hội Phật giáo Hà Nội. Người dân Hà Nội thường đi lễ đầu năm ở chùa Bà Đá để cầu xin may mắn và an lành cho bản thân và gia đình.

Nguồn: 

Theo theo phatgiao/petrotimes
Nguồn: https://khoedep.info/kham-pha/nhung-ngoi-chua-cau-an-dip-dau-nam-moi-2020-o-ha-noi-d402464.html
...