KHÁM PHÁ

Ngày vía Thần Tài 2019: Những đại kỵ cấm phạm phải và bài khấn rước tài lộc vào nhà

13/02/2019 - 07:30

Theo quan niệm phong thủy, trong ngày vía Thần tài mùng 10 tháng Giêng, bạn cần đặc biệt chú ý những đại kỵ dưới đây để đón tài lộc cả năm.

Tục thờ Thần tài có nguồn gốc từ Trung Quốc, và du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ thứ 20. Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải. Theo truyền thuyết xưa, trong một lần đi chơi uống rượu, thần tài say quá nên trượt chân ngã xuống dưới trần gian. Do lúc ngã, ông bị đập đầu vào đá nên bị mất trí nhớ. Mọi người đi qua, thấy ông có bộ quần áo rất đẹp nên lột ra và mang ra chợ bán. Sau đó, ông phải sống nhờ vào việc đi xin ăn. Một hôm, ông được một người bán hàng mời vào quán ăn, từ lúc ông vào quán của người này, quán trở nên tấp nập. Được một thời gian, người bán hàng thấy Thần Tài không làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi. Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi.

Một người chủ khác thấy từ lúc ông bước vào quán kia thấy đông một cách lạ thường liền mời ông sang quán mình ăn. Lúc ông sang quán này, quán bên kia lại vắng vẻ. Do thương ông không có gì để mặc, người dân đã mua cho ông một bộ quần áo mới để ông có thể mặc che chắn cơ thể của mình. Kỳ lạ thay, bộ quần áo ấy lại chính là bộ quần áo trước kia của ông. Sau khi mặc quần áo, đội mũ nón, Thần Tài nhớ ra mọi chuyện và bay về trời. Ngày ông bay về trời là ngày mùng 10 tháng Giêng.

Để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người chọn ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần tài. Từ đó, phong tục thờ cúng Thần tài là ngày mùng 10 Âm lịch hàng tháng.

ngay-via-than-tai

Những đại kỵ trong ngày vía Thần Tài, tránh ngay để tài lộc luôn dồi dào:

- Để bàn thờ Thần tài bụi, bẩn

Ngày vía Thần Tài kiêng gì? Cũng giống như cuối năm cần lau dọn bàn thờ tổ tiên, ông bà thì trước ngày vía Thần Tài, gia chủ cũng nên tắm rửa cho tượng ông Địa, tượng Thần Tài cũng như lau dọn ban thờ cho sạch sẽ.

Nói đến những điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài, nhiều người không nghĩ tới việc lau dọn, cứ nghĩ rằng bình thường mình lau dọn sạch sẽ đã là đủ rồi. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, trước khi làm lễ cúng vía Thần Tài, ban thờ cùng các tượng thờ cần phải được lau rửa sạch sẽ, như thế mới giúp cho các thần linh thấu rõ được tấm lòng thành kính của mình.

Việc lau dọn, tắm rửa khi đến ngày mùng 10 tháng Giêng thực ra cũng giống như các ngày bình thường khác, có thể đặc biệt hơn chút ở phần nước tắm cho các tượng thần mà thôi. Ngày thường lau rửa cho tượng, gia chủ có thể dùng nước sạch hay pha rượu là được, nhưng tới ngày này có thể cầu kì hơn 1 chút.

Các bạn nên dùng nước hoa bưởi hoặc nước gừng để tẩy uế, tắm cho ông Thần Tài và ông Địa. Sau khi tắm rửa cho các tượng thần xong, các bạn đừng quên dùng khăn khô lau sạch nước rồi mới đặt lên ban thờ, tránh để tượng thần còn ướt nước đã vội cúng cầu. 

Ngoài ra, không chỉ tượng thần, ban thờ phải lau dọn, những đồ thờ cúng phong thủy khác cũng nên được lau dọn sạch sẽ thường xuyên, tốt nhất là dọn rửa mỗi tuần, mỗi tháng chứ đừng chờ đến dịp thờ cúng lớn. Phàm là những đồ đặt lên ban thờ chớ nên để bám bụi lâu ngày, đây là điều kiêng kỵ mà các bạn nên nằm lòng nếu có ý định thờ cúng trong nhà.  

Theo quan niệm dân gian, việc tắm rửa cho tượng thần cũng như lau dọn ban thờ là việc cực kì quan trọng, nó thể hiện sự tín ngưỡng tâm linh của gia chủ, cũng nhờ đó mà gia chủ được thần linh phù hộ, làm ăn gặp nhiều may mắn, tài lộc đủ đầy.

- Ban thờ Thần Tài bài trí lộn xộn

Không giống như việc sắp xếp đồ đạc trong nhà, cứ hợp lý, thuận tiện là được, việc thờ cúng có những quy tắc riêng. Gia chủ khi bài trí ban thờ Thần Tài cần phải lưu ý đến thứ tự các đồ thờ cúng trên ban thờ, không được xếp đặt tùy tiện, xuề xòa quá mức. 

Thờ cúng thể hiện lòng thành tâm, nếu đã không đủ thành tâm tín ngưỡng thì tốt nhất chớ nên thờ cúng. Còn khi đã thờ cúng, chớ nên để mình phạm phải điều cấm kỵ. Ngày Vía Thần Tài cần lưu ý điều gì?

Chính giữa ban thờ Thần Tài là bát nhang. Gia chủ nên nhớ vị trí đặt tượng Thần Tài chuẩn xác trên ban thờ là ở bên trái, vị trí bên phải ban thờ là của ông Thổ Địa. Vị trí giữa 2 ông không nên hoán đổi cho nhau, có thể bình an, tài lộc mới thuận lợi đến với gia chủ. 

Sau khi xếp đặt tượng 2 ông Thần Tài, gia chủ nhớ đặt 3 hũ gạo, muối và nước ở vị trí giữa 2 ông. Các bạn có thể thay thường xuyên tùy điều kiện, nếu không thay cũng không vấn đề gì. Có thể để tới cuối năm đem rải bỏ cái cũ và thay cái mới vào. 

Thêm nữa, khi thắp hương không thể thiếu lọ hoa và đĩa hoa quả, gia chủ nên đặt đĩa hoa quả ở bên trái, lọ hoa ở bên phải ban thờ. Có nhiều gia đình còn có lệ đặt 1 bát nước đầy, phủ cánh hoa hồng bên trên để tượng trưng cho tài lộc dồi dào, không bị tổn hao.

- Đặt bàn thờ Thần tài gần nơi ô uế

Bàn thờ Thần tài không được đặt trước cửa phòng tắm hay gần khu vực để thùng rác hoặc quần áo nữ. Điều đó đồng nghĩa với việc làm ô uế, vấy bẩn lên vị thần. Nơi đặt bàn thờ Ông Địa và Thần Tài phải luôn sạch sẽ.

Không đặt bàn thờ Thần tài ở lối đi lại. Nếu đặt ở lối đi lại ồn ào sẽ làm mất đi sự thanh tịnh của nơi thờ cúng. Như vậy, gia đình sẽ ít có may mắn và tài lộc.

- Dùng đèn nháy hay bóng đèn điện thay cho đèn dầu, nến

Thời đại thay đổi, có nhiều đồ thờ cúng cũng được thay đổi cho phù hợp với thời đại, nhưng có 1 điều kiêng kỵ mà gia chủ cần phải biết trong ngày cúng vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, đó là dùng đèn nháy, đèn điện thay cho nến hay đèn dầu.

Người ta cho rằng dùng bóng đèn điện hay đèn nháy có thể sinh ra những trường khí không tốt, ảnh hưởng đến việc thờ cúng nên cần phải lưu ý.

- Mặc quần áo thiếu nghiêm túc, chỉnh tề

Trong bất cứ lễ thờ cúng nào, người làm lễ cũng đều phải giữ tâm thành kính và sửa soạn trang phúc nghiêm chỉnh, sạch sẽ, gọn gàng. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với thánh thần. Nếu không làm được thì chính là phạm kỵ.

Gia chủ tuyệt đối không được mặc đồ rách rưới khi cúng lễ, trang phục xuề xòa, luộm thuộm cũng không nên. Quần áo đẹp hay không còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình, nhưng nên chọn trang phục tươm tất nhất khi làm lễ. Những trang phục hớ hênh, thiếu vải tuyệt đối không được xuất hiện trước mặt thần linh. 

- Nói tục, chửi bậy, đánh chửi nhau trong ngày cúng vía Thần Tài

Thờ cúng tốt ở lòng thành kính, nếu tâm không thành thì có cúng cầu thế nào cũng chẳng linh nghiệm, không được thần Phật chứng giám. Trong ngày làm lễ cúng vía Thần Tài, gia chủ nên lưu ý chớ nên sinh sự, gây chuyện cãi vã, đánh chửi, mắng mỏ nhau, gia đạo bất an thì thần linh quở phạt.

Trong khi làm lễ, trước và sau khi cúng lễ không được nói lời thô tục, chửi mắng người khác, kẻo thần Phật mất lòng mà trách phạt, khiến cho việc làm ăn thất bát, tài lộc không thấy vào mà chỉ thấy đi. 

- Không được bỏ qua nghi lễ sau khi tiếp nhận Thần Tài 

Nghi lễ mà nhiều người hay quên sau khi tiếp nhận Thần tài cho năm mới đó là đi bộ về phía sau nhà 3, 8, 13, 18, 23, 28, 33 hoặc 38 bước chân tùy thuộc vào điều kiện từng nhà.

- Đem lộc cúng vía Thần Tài cho người ngoài

Nhiều nhà có thói quen sau khi thắp hương cúng lễ xong xuôi sẽ chia lộc, tán lộc cho người khác. Tuy nhiên, đây lại là một trong những điều cấm kỵ trong ngày vía Thần Tài. Người ta cho rằng, nếu lộc trong ngày này mà chia cho người ngoài, tức không phải người thân của mình thì lộc sẽ đi hết ra ngoài.

ngay-via-than-tai1

Cấm đem lộc cúng vía Thần Tài cho người ngoài.

Muối gạo sau khi cúng lễ sẽ được gia chủ cất đi, còn nước thì đứng hắt từ ngoài vào trong nhà mình, ngụ ý lộc tài chỉ đi vào nhà chứ không đi ra, giữ nguyên tài lộc cho gia đình.

Một số lưu ý khi cúng Thần tài

Sắm lễ cúng Thần tài mọi người thường mua: 1 bình bông, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu, để cúng lấy vía Thần tài cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt.

Đồ cúng thường là các món ăn ngon như heo vịt quay, gà, hoa quả, nước uống hàng ngày… vì dân gian truyền rằng, Thần tài rất thích món Cua biển và heo quay, chuối chín vàng.

Ngoài ra, dân gian còn có tục mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc Thần tài, cúng xong mang trên người sẽ được may mắn quanh năm.

Ngoài ngày mùng 10 tháng Giêng, hàng tháng nên lau bàn thờ, tắm cho Thần Tài vào ngày cuối tháng và ngày 14 âm lịch với nước lá bưởi, hay rượu pha nước. Khăn lau và tắm cho Thần Tài không được dùng vào việc khác.

Bài Văn khấn Thần Tài  

(theo văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)  

Nam mô a di Đà Phật!  

Nam mô a di Đà Phật!  

Nam mô a di Đà Phật!  

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.  

- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.  

- Con kính lạy ngày Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.  

- Con kính lạy Thần tài vị tiền.  

- Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.  

Tín chủ con là………………………………………  

Ngụ tại………………………………………………  

Hôm nay là ngày……. tháng……. năm…………….  

Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.  

Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.  

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.  

Nam mô a di Đà Phật!  

Nam mô a di Đà Phật!  

Nam mô a di Đà Phật!  

Theo Tieudung.vn
Nguồn: http://tieudung.vn/doi-song/ngay-via-than-tai-2019:-nhung-dai-ky-cam-pham-phai-va-bai-khan-ruoc-tai-loc-vao-nha-31803.html
...