KHÁM PHÁ

Muốn biết một người có khí chất cao quý hay không, hãy nhìn vào 6 điểm này

16/10/2018 - 11:26

Chỉ cần nhìn vào 6 điểm này, bạn sẽ biết một người có khí chất cao quý hay không.

Giữ chữ tín

Người không giữ chữ tín thì không có chỗ đứng, quốc gia không giữ chữ tín thì không sao hùng mạnh được. Cổ nhân coi giữ chữ tín là một trong những phẩm hạnh quan trọng nhất để làm người.

Nếu như không có thành tín, bất kể việc gì cũng không thể làm được tốt. Quan hệ qua lại giữa người với người, then chốt nhất là phải thành tín. Lời đã hứa thì nhất định phải làm, việc đã làm thì nhất định phải kiên quyết, dứt khoát. Thành tín thuộc về phạm trù đạo đức, không có trọng lượng, cũng không có giá cả nhưng có thể khiến một người hoặc được tôn kính, hoặc thân bại danh liệt.

Người không giữ lời hứa thì mọi lời nói, hành động của anh ta chẳng còn chút giá trị gì, thậm chí khiến người khác ghét bỏ. Còn người thành thực tuân giữ lời hứa, có tâm hồn cao quý, thật khiến người khác ngưỡng mộ. Bởi vì: “Xe không bánh thì không đi được, người không giữ chữ tín thì không có chỗ đứng“.

Người có khí chất cao quý, ắt phải là người biết giữ chữ tín vậy. 

Thiện lương

Dẫu có ở trong gian nhà sang trọng đến đâu, lái chiếc xe đắt tiền đến mấy, thật ra người ta cũng chẳng có gì xuất sắc cả. Lương thiện mới là cái gốc làm người. Với một kẻ xa lạ, có thể biểu lộ ra thiện ý to lớn bao nhiêu, đó mới là thước đo thật sự đánh giá sự cao quý của một người. Điều đáng tiếc là rất nhiều người không hề để tâm đến điều này.

Empty

Có những trọc phú mới nổi đến nhà hàng dùng cơm, hơi chút không vừa ý là liền lớn tiếng quát mắng người phục vụ. Cũng có những lãnh đạo suốt ngày chỉ chăm chăm tóm chặt một chút lỗi nhỏ của cấp dưới mà không chịu bỏ qua. Lại có những người miệng nói lời đạo lý mà trong lòng đầy ác tâm, giảng những câu thiện lương mà không ghê tay làm việc xấu. Sự tình như vậy trong cuộc sống ta vẫn luôn có thể dễ dàng bắt gặp.

Để nhìn rõ bản chất một người, hãy nhìn cách anh ta đối xử với những người yếu thế hơn mình ra sao. Đây chính là lý do khiến nhiều kẻ giàu có, trên mình mặc toàn hàng hiệu nhưng lại không khiến người khác cảm thấy được một chút khí chất cao sang nào.

Chỉ có người luôn ôm giữ tâm thiện lương, đối đãi với người khác tốt lành dù trong bất kể hoàn cảnh nào mới xứng đáng được coi là người cao quý giữa những kẻ tầm thường. Phẩm chất ấy là thiên tính cũng là do sự tu dưỡng của cá nhân đó tạo thành. Người ta chỉ cần chân thành, trung thực, từ bi cũng có thể làm người khác cảm động rơi nước mắt. Người mà lòng ôm giữ thiện niệm, làm nhiều việc lành, há có thể không cao quý ư?

Sự khôn ngoan từ trí tuệ

Sự khôn ngoan và trí tuệ đều không thể dùng lời mà miêu tả được, cũng không có cách gì có thể bắt chước hay giả vờ được. Sự khôn ngoan đôi khi còn là bẩm sinh, còn trí tuệ thì do quá trình học tập lâu dài, là sự tích lũy và thể nghiệm. Trong cuộc sống, có được sự khôn ngoan và trí tuệ không phải là dễ dàng. Nó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực nhận thức và cách ứng xử của chủ thể.

Tự tin, kiêu ngạo mà không kiêu căng

Người có khí chất trước tiên phải là người tự tin. Thoạt nhìn chẳng đẹp rực rỡ, nhưng thần thái luôn tỏa ra sự tự tin đến cuốn hút lạ thường. Ngược lại, cho dù là một người đẹp đẽ, nhưng không tin rằng mình đẹp, thì mãi mãi cũng không bao giờ thể hiện ra được cái đẹp đẽ ấy.

Có khí chất là đồng thời cũng phải biết cách kiêu ngạo. Tất nhiên, kiêu ngạo không có nghĩa là tự cao tự đại, coi thường người khác, đó là sự tự tin, lòng tự trọng, sự thanh cao của bản thân. Điều đó đến từ việc nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn luôn cố gắng, hãy nhớ thời khắc chứng tỏ bản thân, đừng bao giờ quên.

Đức dày

Người xưa nói: “Hậu đức tải vật” (đức dày chở muôn vật), ý là người ta chỉ cần có đức hạnh tốt thì làm chuyện gì cũng thành. Trái lại, người không có đức lớn thì chẳng có cách nào thành công. Người xưa cũng khuyên răn chúng ta cần phải vui vẻ chịu thiệt, nghĩ cho người khác mới có thể làm nên việc lớn.

Đồng thời, đức dày chính là phúc. Làm người mà có đức dày thì được mọi người tôn trọng. Người có đức dày luôn có thể lấy tấm lòng độ lượng mà bao dung người khác. Người muốn gây dựng sự nghiệp càng cần phải có phong thái khoáng đạt, bao dung hết thảy người trong thiên hạ. Khi ấy, họ mới mong được người thiên hạ bao dung và thu được nhân tâm.

Người có khí chất cao quý thật sự không theo đuổi phồn hoa, hư danh quá mức. Họ thường giữ vẹn tinh anh, chất phác, trở về với chân ngã của mình. Càng là người có học thức, tu dưỡng cao thì càng hòa ái, phúc đức. Họ xem nhẹ hết thảy quyền lực, tiền tài. Khi đối diện với những mảnh đời bất hạnh, họ nổi lòng thương xót, dấy khởi tâm từ bi, không còn coi “đẳng cấp” xã hội là điều quan trọng nữa. Đây chính là một loại khí chất cao quý nhất.

Khiêm tốn

Có câu: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn” (Tạm hiểu: Nhún nhường thì luôn được lợi ích, cao ngạo, tự mãn thì luôn chiêu mời tổn hại và tai họa). Chỉ có bảo trì tâm thái khiêm tốn, người ta mới có thể học hỏi cái hay từ người khác và có được cơ hội trưởng thành. Khoe khoang quá lố chỉ có thể chứng minh cho sự vô tri của mình. Chỉ mới đắc được một chút thu hoạch đã kiêu căng tự mãn, như vậy chẳng khác nào khiến bản thân thụt lùi, mãi không thể tiến bước.

Ernest Hemingway có một câu nói rất hay: “Cao quý thật sự không phải là cao hơn người khác một bậc, mà là xuất sắc hơn bản thân trước đây“. Càng là người có khí chất cao quý, càng là người hiểu rõ đạo lý “núi cao ắt có núi cao hơn” thì càng khiêm tốn trong cư xử, đối đãi, có thể nhận thấy ưu điểm của người khác mà dốc lòng học theo.

Phàm là những người tự phụ, cho mình là nhất, nhìn đời bằng nửa con mắt, khoe khoang khoác lác, ngông cuồng tự đại, nhất định là quá ít trải nghiệm và tôi luyện. Một người ăn nói ngông cuồng thực tế là đã bị che mất con mắt, bịt mất hai tai của mình, không cách nào tiếp nhận được ý kiến của người khác, nhìn không thấy được chân lý và sự thật.

Khiêm tốn là một loại trí huệ thật sự, cũng chính là sự thông minh được ẩn giấu đi mà không để lộ ra ngoài. Người khiêm tốn đều được mọi người yêu mến. 

Theo Hạnh Lê/khoe&dep
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/muon-biet-mot-nguoi-co-khi-chat-cao-quy-hay-khong-hay-nhin-vao-6-diem-nay-c37a299692.html
...