KHÁM PHÁ

Anh hùng Lý Tự Trọng, người Đoàn viên thanh niên Cộng sản đầu tiên

26/03/2024 - 10:22

Trong 8 gương mặt đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Lý Tự Trọng có tầm quan trọng đặc biệt, được lịch sử ghi nhận với sự cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Một trong tám thành viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Sau khi sáng lập ra Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng ta (tháng 6/1925), mùa hè năm 1926, Nguyễn Ái Quốc, lúc này mang bí danh là Lý Thụy, cử Hồ Tùng Mậu, người đồng chí thân thiết của mình trở lại Thái Lan chọn một số thiếu niên con em các gia đình yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo nhằm xúc tiến việc xây dựng Thanh niên Cộng sản đoàn (tiền thân của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

Việc lựa chọn được thực hiện rất thận trọng, duy có một học sinh làm mọi người băn khoăn vì còn nhỏ tuổi quá (mới 12). Song cuối cùng, xét về cả tư chất và nhân thân, Hồ Tùng Mậu quyết định đưa vào danh sách, đó chính là Lê Hữu Trọng. Để đảm bảo tính hợp pháp và nguyên tắc bí mật, cả nhóm có bí danh và đều mang họ Lý. Lê Hữu Trọng mang bí danh Lý Tự Trọng; Đinh Chương Long mang bí danh Lý Văn Minh; Vương Thúc Thoại mang bí danh Lý Thúc Chất; Hoàng Tự mang bí danh Lý Anh Tự; Ngô Trí Thông mang bí danh Lý Trí Thông; Ngô Hậu Đức mang bí danh Lý Phương Đức.

Trong 8 gương mặt đầu tiên của Đoàn, Lê Hữu Trọng - Lý Tự Trọng là nhân vật có tầm quan trọng đặc biệt, được lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận với sự cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngược dòng lịch sử, Lê Hữu Trọng sinh năm 1914, con của cụ Lê Hữu Đạt (còn được gọi là Lê Khoan) quê ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sống trong chế độ thực dân, gia đình ông Lê Hữu Đạt sớm phiêu bạt sang Thái Lan, sinh sống tại Bản Mạy, thuộc tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan. Từ nhỏ, Lê Hữu Trọng là một người chăm chỉ, ham học hỏi.

 Tượng đài Lý Tự Trọng ở Hà Nội. Ảnh: Thành Đoàn Hà Nội.

 Tượng đài Lý Tự Trọng ở Hà Nội. Ảnh: Thành Đoàn Hà Nội.

Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Trung Quốc đã chọn Lê Hữu Trọng về Quảng Châu ăn học khi anh lên 10 tuổi. Nguyễn Ái Quốc đã đổi tên Lê Hữu Trọng thành Lý Tự Trọng và giới thiệu đến học tại cấp tiểu học Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu.

Vì tính hiếu học của mình, Lý Tự Trọng nhanh chóng thông thạo chữ Trung và học thêm tiếng Anh, mở rộng kiến thức văn hóa của mình. Lý Tự Trọng sau đó được giao nhiệm vụ liên lạc, giúp việc cho cơ quan Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu.

Năm 1929, Lý Tự Trọng cùng với Ung Văn Khiêm trở về nước hoạt động, đi sâu vào tận công xưởng, trường học vận động nhằm tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước và sau đó, Lý Tự Trọng trở thành người đoàn viên cộng sản đầu tiên.

Phát đạn rung chuyển Sài Gòn

Về tới Sài Gòn, Lý Tự Trọng đổi tên là Nguyễn Huy để hoạt động. Chiều ngày 8/2/1931, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tổ chức một cuộc mít-tinh kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa Yên Bái tại Sài Gòn để biểu dương tinh thần quật khởi, ý chí bất khuất, bản lĩnh cách mạng của cuộc khởi nghĩa. Đồng chí Phan Bôi, người phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy phụ trách diễn thuyết trước công chúng. Cảnh sát và mật thám ập đến khi cuộc mít-tinh sắp kết thúc. Để bảo vệ người đồng chí của mình, Lý Tự Trọng đã rút súng lục và bắn hai phát, khiến mật thám Le Grand chết ngay tại chỗ.

Địch bao vây, Lý Tự Trọng và Phan Bôi bị bắt. Chúng giam cầm, tra tấn dã man nhưng dũng khí cách mạng của hai người cộng sản kiên trung không chịu khuất phục. Nữ nhà báo Pháp - André Violis miêu tả trong phóng sự “Ðông Dương cấp cứu”: “Tôi đã trông thấy anh ta mặt đẫm mồ hôi, hai mắt rũ xuống, máu ứ ra mồm, ra tai. Vậy mà vẫn một mực không nói nửa lời. Thật can đảm lạ lùng. Chàng thiếu niên ấy mới anh hùng làm sao”.

Tại phiên tòa, Lý Tự Trọng đã biểu thị dũng khí đấu tranh và lên án kẻ thù xâm lược cũng như nhà cầm quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn. Lý Tự Trọng tuyên bố một cách đanh thép: "Tôi hành động không phải là không có suy nghĩ. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường của cách mạng, không thể có con đường nào khác". Tòa Thượng thẩm Sài Gòn kết án Lý Tự Trọng tội tử hình.

Trong những ngày cuối cùng của mình ở xà lim án chém của thực dân Pháp, Lý Tự Trọng vẫn luôn lạc quan, tập thể dục, đọc sách báo, ca hát và xem Truyện Kiều nơi bốn vách tường loang lổ của nhà tù đế quốc.

Rạng sáng ngày 21/11/1931, Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp đưa ra pháp trường. André Violis viết về giờ phút cuối cùng của Lý Tự Trọng: “Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đường phố, tiếng la hét phản đối thực dân của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Nguyễn Huy ra trường chém khiến đội quân thi hành án lúc đó phải điều quân đội và lính cứu hỏa phun nước đàn áp.

Đứng trước máy chém, chàng thanh niên yêu nước vẫn ngẩn cao đầu và hát vang bài Quốc tế ca. Lời tuyên bố dõng dạc của anh trước bọn quan tòa Pháp vẫn được mọi người nhắc mãi cho đến ngày nay: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không có con đường nào khác…"

Theo Tri thức & Cuộc sống
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/anh-hung-ly-tu-trong-nguoi-doan-vien-thanh-nien-cong-san-dau-tien-1972126.html
...