KHÁM PHÁ

Giải mã ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh

21/04/2019 - 08:00

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng khóc là cách duy nhất để trẻ sơ sinh giao tiếp. Nhưng không, cha mẹ sẽ ngạc nhiên khi học được rất nhiều từ những giải mã ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh.

Ngay từ tiếng khóc đầu tiên, trẻ sơ sinh đã bắt đầu giao tiếp với cha mẹ. Trong những ngày đầu, bé chỉ khóc để báo hiệu cơn đói, buồn ngủ, sự không thoải mái, lo lắng... Khi lớn thêm một chút, bé bắt đầu giao tiếp thông qua ngôn ngữ cơ thể. Cha mẹ phải làm thế nào để hiểu những gì bé đang cố nói ra?

Trẻ sơ sinh đá chân trong không khí

Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé đang cố gắng giao tiếp với cha mẹ. Vậy ngôn ngữ cơ thể này có nghĩa là gì? Nếu mẹ thấy bé đạp chân trong không khí, điều này có nghĩa là bé đang rất vui và hạnh phúc.

Sự phấn khích có thể là do bé nhìn thấy cha mẹ hoặc thấy thứ gì đó mà bé thích thú như đồ chơi yêu thích hoặc thậm chí là do được ăn một món ăn vừa miệng.

 Đá chân trong không khí là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé đang cố gắng giao tiếp với cha mẹ - Ảnh minh họa: Internet

 Đá chân trong không khí là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé đang cố gắng giao tiếp với cha mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ sơ sinh thường xuyên đá chân trong không khí sẽ giúp bé phát triển các cơ bắp, chuẩn bị sẵn sàng qua giai đoạn biết bò. Do đó, cha mẹ nên khuyến khích trẻ đá chân lên bằng những thứ khiến trẻ phấn khích.

Xoay mặt đi

Khi cha mẹ đang cho trẻ ăn hoặc cố gắng nói chuyện với trẻ, nhưng bé cố gắng không nhìn cha mẹ mà quay mặt đi nơi khác.

Điều này có thể hiểu theo 2 nghĩa. Đầu tiên, trẻ có thể cố gắng xử lý những gì đang xảy ra trước mặt. Thứ hai, những gì đang diễn ra xung quanh khiến trẻ khó chịu, tức giận vì cha mẹ xâm nhập quá gần vào không gian an toàn của trẻ.

Hãy để cho bé được thoải mái và thích nghi. Khi trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, trẻ sẽ quay lại với bạn.

Cong lưng, ưỡn người

Một số em bé có thể cong lưng khi được cho ăn hoặc khi được bế. Nếu bé làm như vậy giữa bữa ăn, điều đó có nghĩa là bé không muốn ăn nữa hoặc có thể bé bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa như trào ngược axit.

Một lý do rất phổ biến khác khi trẻ sơ sinh cong lưng là do chúng bực bội, tức giận hoặc mệt mỏi. Đôi khi, những em bé mắc chứng tự kỷ cũng có biểu hiện cong lưng.

Lúc này, cha mẹ cần cố gắng trấn tĩnh bé, chuyển sự chú ý của bé bằng cách đưa bé ra ngoài và chỉ cho bé những thứ thu hút sự quan tâm của bé. Kết hợp với việc vỗ lưng nhè nhẹ.

Trẻ giơ tay ra

Em bé của mẹ đột nhiên dang rộng hai cánh tay, bàn tay và ngón tay xòe ra là một dấu hiệu tốt. Điều này có nghĩa là em bé của bạn đang hạnh phúc và có một tâm trạng tốt.

 Trẻ thường duỗi các ngón tay khi tâm trạng vui vẻ - Ảnh minh họa: Internet

 Trẻ thường duỗi các ngón tay khi tâm trạng vui vẻ - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, đối với những bé đang tập ngồi, đây có thể là động tác cố gắng giữ thăng bằng của bé khi ngồi thẳng. Cha mẹ có thể bao quanh bé bằng gối và đệm mềm để khi bé mất thăng bằng, sẽ không bị tổn thương.

Trẻ sơ sinh nắm chặt tay

Trẻ sơ sinh nắm chặt 2 tay, có hoặc không kèm theo khóc. Điều này có thể là do bé đang đói, tâm trạng của bé khá căng thẳng, cha mẹ nên cho bé ăn ngay lập tức.

Trẻ gập đầu gối về phía bụng

Đôi khi , em bé của mẹ gấp cả hai đầu gối phía dạ dày của bé. Đây có thể là dấu hiệu em đang có một số vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đầy hơi hoặc cảm thấy khó chịu ở dạ dày.

Cố gắng làm dịu em bé bằng cách giúp bé vỗ ợ hơi, vỗ từ từ và nhẹ nhàng vào lưng của bé. Trong trường hợp mẹ đang cho con bú, cần tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ và vị cay, nó có thể sinh ra đầy hơi, trào ngược axit, táo bón...

Đưa tay lên sờ lỗ tai

Hành động này có thể được thực hiện khi bé đang cố gắng khám phá các bộ phận cơ thể mình, nhưng nó cũng có thể mang ý nghĩa khác, một dấu hiệu đau đớn và khó chịu do nhiễm trùng tai.

 Trẻ sơ sinh sờ tai thường xuyên có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm - Ảnh minh họa: Internet

 Trẻ sơ sinh sờ tai thường xuyên có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, người ta cũng thấy rằng trẻ sơ sinh trong quá trình mọc răng cũng thường xuyên sờ vào lỗ tai của mình.

Dụi mắt

Dụi mắt là hành động thường gặp sau một cái ngáp lớn hoặc sau khi quấy khóc. Điều này chỉ đơn giản là bé đang mệt mỏi và muốn ngủ.

Chỉ cần bế trẻ một lúc hoặc vỗ nhè nhẹ vào người trẻ, trẻ sẽ nhanh chóng ngủ gật. Nếu trẻ kèm theo quấy khóc, cha mẹ có thể hát cho trẻ bình tĩnh lại.

 Dụi mắt có thể là do bé muốn ngủ hoặc do một vấn đề nào đó ở mắt, cha mẹ cần lưu ý kiểm tra - Ảnh minh họa: Internet

 Dụi mắt có thể là do bé muốn ngủ hoặc do một vấn đề nào đó ở mắt, cha mẹ cần lưu ý kiểm tra - Ảnh minh họa: Internet

Trong trường hợp trẻ không buồn ngủ, cha mẹ có thể kiểm tra xem trẻ có dấu hiệu ngứa mắt, có bị nhiễm trùng mắt hay không.

Tự đập đầu

Đây là hành động rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và không có gì phải lo lắng, thường gặp ở bé trai hơn bé gái.

Hành động này trông có vẻ đáng sợ, cha mẹ thường rất lo lắng khi nhìn thấy em bé tự đập đầu. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp bé đập đầu là để tự an ủi hoặc tự kích thích bản thân.

Nếu em bé của mẹ có thói quen đập đầu, mẹ nên cẩn thận không cho bé chơi ở gần tường. Nếu bé đập đầu vào lan can giường cũi, mẹ nên sử dụng đệm mềm để chặn lại.

Mẹ có thể chuyển hướng sự chú ý của trẻ bằng cách đọc một câu chuyện, hát cho bé nghe hoặc chơi với bé.

Giật mình khi đang ngủ

Em bé bị giật mình khi ngủ là hiện tượng rất phổ biến, không cần phải quá lo lắng. Đó là một phản xạ khá phổ biến ở trẻ trước khi chúng được 5 - 6 tháng tuổi.

Điều này có thể là do bé giật mình bởi một tiếng ồn lớn hoặc thứ gì đó làm phiền giấc ngủ. Vì vậy, cha mẹ nên cố gắng chặn tất cả tiếng ồn bên ngoài.

Cho bé làm quen với một số tiếng ồn êm dịu trong nhà như âm lượng của tivi hoặc đài phát thanh ở mức bình thường, tiếng nói chuyện qua điện thoại để khiến bé quen với nó.

Thở nhanh

Giống như người lớn chúng ta, khi quá phấn khích, trẻ sơ sinh cũng thở rất nhanh và quơ tay quơ chân. Điều này chỉ đơn giản là trẻ đang hạnh phúc và vui mừng về một cái gì đó. Cha mẹ nên đáp lại và hòa cùng niềm vui với trẻ.

Trẻ sơ sinh mút ngón tay

Khi trẻ mút ngón tay, chúng ta thường nghĩ rằng trẻ đang đói, nhưng không phải luôn luôn như vậy, hành động này còn có nghĩa là em bé của bạn đang cố gắng làm dịu bản thân trước khi ngủ gật.

 Hầu như em bé nào cũng có sở thích mút ngón tay của mình - Ảnh minh họa: Internet

 Hầu như em bé nào cũng có sở thích mút ngón tay của mình - Ảnh minh họa: Internet

Nếu đây không phải là giờ ăn của trẻ, cha mẹ nên hát cho trẻ nghe và vỗ nhẹ cho trẻ ngủ.

Hiểu ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh là điều đầu tiên mà bạn nên học khi làm cha mẹ. Nó không chỉ giúp bạn nuôi dưỡng trẻ tốt hơn mà còn tạo mối liên kết bền chặt giữa cha mẹ và con nhỏ.

Theo Phụ nữ sức khỏe
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/giai-ma-ngon-ngu-co-the-cua-tre-so-sinh-c22a315001.html
...