KHÁM PHÁ

Cách cúng đầy tháng cho bé trai mang lại nhiều ý nghĩa tốt lành cho con

08/12/2019 - 16:00

Cúng đầy tháng là một nghi thức quan trọng theo phong tục Việt Nam đánh dấu sự khởi đầu của cuộc đời đứa trẻ. Nghi thức cúng đầy tháng của bé trai cũng có những điểm khác biệt so với bé gái vì vậy cha mẹ cần lưu ý trước khi chuẩn bị lễ cúng đầy tháng cho con.

Vì sao phải cúng đầy tháng cho bé trai?

Việc cúng đầy tháng cho bé trai hay bé gái đều quan trọng, là nghi thức không thể bỏ qua. Nghi thức cúng đầy tháng chính là lễ cúng nhằm tạ ơn Bà Mụ và Đức Ông đã đem đứa trẻ đến với gia đình, giúp mẹ tròn con vuông.

Theo quan niệm ngày xưa, mỗi đứa trẻ sinh ra đều do 12 bà Mụ nặn ra. Mỗi bà có trách nhiệm nặn một bộ phận cho trẻ như có bà nặn chân, tay, miệng, mắt... xấu hay đẹp đều do các bà quyết định. Khi bé yêu trong một tuổi là thời điểm bố mẹ cảm ơn bà Mụ. 

Cúng đầy tháng còn là nghi lễ để bé yêu chính thức ra mắt dòng họ tổ tiên cũng như mọi người xung quanh, cầu mong ông bà phù hộ, che chở cho bé được khỏe mạnh.

Do đó, thủ tục cúng mụ đầy tháng cho bé trai cần được chú trọng bởi việc này mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

 Nghi thức cúng đầy tháng cho bé trai đã có từ lâu, đây được xem là cột mốc quan trọng đối với trẻ - Ảnh minh họa: Internet

 Nghi thức cúng đầy tháng cho bé trai đã có từ lâu, đây được xem là cột mốc quan trọng đối với trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Cách tính ngày cúng đầy tháng cho bé trai

Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ được ghi nhớ theo hai ngày âm và dương. Lịch cúng đầu tháng cho bé trai và gái theo cách tính truyền thống, được căn cứ vào lịch âm.

Theo đó, nếu là bé gái sẽ lùi lại 2 ngày so với ngày sinh và nếu là bé trai sẽ lùi lại 1 ngày so với ngày sinh như cách ông bà xưa vẫn nói “gái lùi hai, trai lùi một”. Lễ này được thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Giờ đẹp nhất là từ 7 giờ đến 9 giờ sáng.

Ví dụ, bé trai sinh ngày 20/12 âm lịch thì ba mẹ sẽ làm lễ cúng đầy tháng nhằm vào ngày 19/12.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn có một số cha mẹ thường căn cứ ngày sinh của con dựa trên lịch dương và lễ cúng đầy tháng là ngày trùng ngày sinh vào đúng tháng sau.

 Cách tính ngày cúng đầy tháng cho bé trai thường căn cứ vào ngày âm lịch, tuy nhiên hiện nay cũng có một số gia đình căn cứ vào ngày dương lịch để dễ nhớ - Ảnh minh họa: Internet

 Cách tính ngày cúng đầy tháng cho bé trai thường căn cứ vào ngày âm lịch, tuy nhiên hiện nay cũng có một số gia đình căn cứ vào ngày dương lịch để dễ nhớ - Ảnh minh họa: Internet

Mâm cúng đầy tháng gồm những gì?

Với ý nghĩa quan trọng của lễ cúng đầy tháng cho bé trai, các bậc cha mẹ phải chuẩn bị kỹ lễ vật, mâm cỗ trước khi dâng lên bàn thờ tổ tiên. Với cách cúng đầy tháng cho bé trai theo phong tục Việt, ngoài chuẩn bị đồ cúng bàn Phật, gia tiên, ông địa…lễ vật cúng thường gồm những đồ sau:

  • 12 chén chè đậu trắng nhỏ và 3 tô chè đậu trắng lớn (khác so với lễ đầy tháng của bé gái là chuẩn bị chè trôi nước)
  • 13 đĩa xôi gấc nhỏ
  • 1 con gà luộc
  • Bộ tam sên (thịt heo luộc, trứng luộc, tôm hoặc cua luộc)
  • Mâm ngũ quả(nên chọn 5 loại quả tươi ngon như quýt, cam, táo, xoài, dứa…), hoa tươi(thường chọn hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa ly…).
  • Nhang, đèn, trà, rượu, nước muối, gạo, 1 bộ đồ hình thế (ghi tên và ngày tháng năm sinh của bé, cúng xong sẽ đốt đi để giải hạn cho bé)
  • 13 miếng trầu cánh phượng, 13 đôi hài, 13 bộ váy áo đẹp và 13 nén vàng. Trong đó đĩa xôi, miếng trầu, đôi hài, váy áo và nén vàng đều phải giống nhau. Tuy nhiên 12 món kích thước như nhau và 1 bộ có kích thước to hơn.
 Mâm cúng đầy tháng cho bé trai đơn giản các mẹ có thể tham khảo và thực hiện theo - Ảnh minh họa: Internet

 Mâm cúng đầy tháng cho bé trai đơn giản các mẹ có thể tham khảo và thực hiện theo - Ảnh minh họa: Internet

Tuỳ từng vùng miền mà cách cúng đầy tháng cho bé trai có sự khác nhau đôi chút, mâm cúng cũng tuỳ vào phong tục của từng nơi. Tuy nhiên, về cơ bản thì mâm cúng đầy tháng sẽ đầy đủ những lệ vật nêu trên.

Cách bày mâm cúng đầy tháng cho bé trai

Khi chuẩn bị lễ vật xong, bước tiếp theo là trình bày mâm cúng lên bàn thờ tổ tiên, mẹ lưu ý chia thành 2 mâm:

Mâm trên và mâm dưới (cách nhau không quá 10 phân). Trong đó, mâm nhỏ và thấp hơn để bày lễ vật cúng Đức Ông, còn mâm lớn và cao hơn sẽ bày lễ vật cúng 12 Bà Mụ. Cách đặt mâm cúng luôn tuân theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả”, tức phía Đông là vị trí đặt bình hoa và phía Tây là vị trí đặt lễ vật. Các món chè xôi bạn đặt dọc hai bên bàn, con gà để chính giữa bàn.

Bên cạnh đó, các gia đình cũng lưu ý một chút trong vị trí đặt mâm cúng. Một là đặt giữa nhà và quay ra cửa chính, cách này được nhiều người lựa chọn vì vừa rộng rãi vừa thoáng khí, dễ bày trí, tiện chụp hình lưu niệm. Hai là đặt bàn cúng trong phòng bé, gần với chỗ bé nằm.

Một vài gia đình cũng có thắc mắc nên cúng đầy tháng cho con ở nhà nội hay nhà ngoại? Nếu hai vợ chồng có nhà riêng thì có cần về nhà nội hoặc ngoại để cúng đầy tháng không? Thực tế là, chúng ta nên lựa chọn địa điểm tổ chức lễ cúng đầy tháng cho con được thuận tiện và phù hợp với sức khoẻ của cả hai mẹ con. Vì vậy, tổ chức ở nhà nội hay nhà ngoại đều được.

 Các mẹ nên bày biện mâm cúng đầy tháng cho bé trai ngay chính giữa nhà cho rộng rãi và tiện chụp hình kỷ niệm - Ảnh minh họa: Internet

 Các mẹ nên bày biện mâm cúng đầy tháng cho bé trai ngay chính giữa nhà cho rộng rãi và tiện chụp hình kỷ niệm - Ảnh minh họa: Internet

Nghi lễ cúng đầy tháng cho bé trai

Khi đã bày trí mọi thứ xong xuôi, người mẹ sẽ bế đứa bé ra để trình diện với mọi người. Bố mẹ hoặc ông bà đại điện sẽ thắp ba nén hương và khấn theo bài khấn cúng bà Mụ.

Bài cúng Mụ đầy tháng cho bé trai thường sẽ có nội dung như sau: “Kính cẩn xưng danh các bà Mụ, thần phật. Nêu ngày tháng cúng; Tên đầy đủ của 2 vợ chồng và tên đầy đủ của đứa con, nơi ở của gia đình; Lý do tổ chức nghi thức cúng là gì; Bày tỏ lòng biết ơn công lao của các bà Mụ đã ban phước lành cho bé chào đời khỏe mạnh và cuối cùng là lời cầu mong các bà độ trì phù hộ cho em bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn…”

 Đại diện gia đình (ông bà, cha mẹ) đứng ra thắp hương và khấn tạ ơn ông bà tổ tiên và 12 Bà Mụ, cầu mong cho con được khoẻ mạnh, thông minh - Ảnh minh họa: Internet

 Đại diện gia đình (ông bà, cha mẹ) đứng ra thắp hương và khấn tạ ơn ông bà tổ tiên và 12 Bà Mụ, cầu mong cho con được khoẻ mạnh, thông minh - Ảnh minh họa: Internet

Nghi thức đặt tên cho bé trai

Sau khi khấn xong sẽ đến nghi thức đặt tên cho con. Người cúng sẽ khấn với tổ tiên một tên họ đầy đủ của bé mà cha mẹ và gia đình đã chọn sẵn. Sau đó gieo 2 đồng tiền lên đĩa, nếu 1 úp, 1 ngửa nghĩa là cái tên đinh đặt cho con đã được tổ tiên chấp nhận. Nếu 2 mặt đều úp hoặc ngửa thì phải làm lại và tuân thủ quy tắc quá tam ba bận. Sau ba lần gieo quẻ mà không được, bạn sẽ chọn tên khác cho con trai.

Tiếp đến sau khi đã đặt xong tên cho con thì khấn cảm ơn tổ tiên và các bà Mụ, dải gạo và muối ra 4 phía ngôi nhà, đốt giấy cúng và hình thể.

 Một nghi thức rất quan trọng trong lễ đầy tháng của con là xin đặt tên cho con - Ảnh minh họa: Internet

 Một nghi thức rất quan trọng trong lễ đầy tháng của con là xin đặt tên cho con - Ảnh minh họa: Internet

Sau khi làm lễ đầy tháng cho con xong, người mẹ có thể đi chợ và sinh hoạt bình thường, để mang lại cuộc sống khá giả, giàu sang cho con thì lần đi chợ đầu tiên mẹ nên mua một bịch muối và một chút gạo, trên đường về nhà nhớ giả vờ đánh rơi chút tiền lẻ.

Cách cúng đầy tháng cho bé trai là một trong những phong tục tín ngưỡng tâm linh đẹp của người dân Việt Nam. Không chỉ mang ý nghĩa tạ ơn mà còn là lời thỉnh cầu về cuộc sống tươi đẹp mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn sẽ đến với con yêu của mình. Với những chia sẻ về lễ vật mà các nghi thức cúng sẽ giúp bố mẹ khỏi bỡ ngỡ trong khâu chuẩn bị cho con một lễ cúng đầy tháng thật đầy đủ và ý nghĩa.

Theo An Nhiên/Phụ Nữ Sức Khỏe
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/cach-cung-day-thang-cho-be-trai-mang-lai-nhieu-y-nghia-tot-lanh-cho-con-c21a332089.html
...