GIA ĐÌNH

Vợ chồng tương đồng tâm hồn bắt đầu từ những việc rất đời thường để vun đắp gia đình

22/05/2019 - 13:30

Hôn nhân không phải dạo chơi, mà là sự đồng điệu tâm hồn, và cần tỉa đi những cành, nhánh không còn phù hợp trong quan hệ... để vun đắp gia đình một cách văn minh. Một bạn đọc của báo điện tử Gia đình và Xã hội Giadinh.net.vn khẳng định và chia sẻ câu chuyện của mình:

Những ngày hè nắng đổ lửa, nhiệt độ trong nhà 35-39 độ C, ngoài đường nhiệt kế chỉ 45 – 50 độ C mà hàng ngày tôi vẫn phải làm việc từ 2 giờ sáng, rồi đi dạy 1 buổi vào lúc 5 giờ. Tới 6.30 tôi về, vẫn kịp chuẩn bị đưa con đi học lúc 7.30 giờ.

Tuy nhiên, sáng nay chồng bảo sẽ đi công tác. Trước lúc đi dạy, tôi hứa vẫn về kịp để đưa con đi học. Nào ngờ giảng viên với học viên mải chia sẻ, chuyện trò nên tôi về bị chậm giờ, bị chồng trách.

Lúc đó vừa mệt, vừa không vui vì nghĩ anh thấy tôi về muộn đã không giúp vợ đưa con đi học, mà còn đợi vợ về để càm ràm trách móc nên có đối đáp lại… và hậu quả là con tôi phải nghỉ buổi học sáng, chồng đi công tác trong tâm trạng không vui vẻ.

 

 

Ảnh minh họa.

Sau khi tắm rửa thư giãn, tôi vào phòng chơi với con, và con bỗng nhắc lại chuyện bố mẹ buổi sáng, bảo "mẹ đã bị điểm trừ (-)”.

Rồi con gái thỏ thẻ hỏi:

- Mẹ ơi, mẹ đã từng yêu chưa?

Thấy tôi nhướn mày ngạc nhiên, con gái lặp lại:

- Là con hỏi mẹ đã từng yêu chưa ấy?

- Con hỏi ngay trong hoàn cảnh này, hay hoàn cảnh nào? - Tôi dẫn dụ.

- Ví dụ trong lớp của mẹ, mẹ có yêu học viên không?

- Mẹ yêu tất cả các cô bác.

- Không, mẹ có yêu một người trong số các bác không ấy? - Nó nhấn mạnh.

- À, mẹ hiểu rồi. Con cảm nhận là mẹ không yêu bố nữa phải không?

Tôi nghĩ lại, nếu tôi không hứa với chồng là sẽ về lúc 7.30 thì anh đã chủ động cho con ăn sáng và đưa con đi học. Tôi đã thất hứa, trong khi đó lại chỉ nhìn khía cạnh “sao chồng không giúp đỡ” với cảm giác bực bội. Hậu quả là hai vợ chồng đôi co rồi chồng đi công tác mà lòng tấm tức, con thì mất buổi học, còn cảm thấy “mẹ không còn yêu bố nữa”.

Và tôi nhắn tin: “Vợ xin lỗi chồng nhé!”

 

 

Ảnh minh họa

Tôi kể câu chuyện nhỏ này để thấy 2 điều:

Một là, trẻ nhỏ rất nhạy cảm. Chúng có thể cảm nhận trạng thái tình cảm của bố mẹ rất rõ ràng. Chúng có thể góp ý và đề nghị những điều chúng mong muốn.

Hai là, khả năng nhận diện được nguyên nhân nào từ mình, ví dụ như câu nói, cách mình thiếu giữ lời hứa với chồng, con dẫn đến sự việc cụ thể - chính là một cách văn minh để vun đắp gia đình.

Hôn nhân không phải là một cuộc dạo chơi mà không ai phải làm gì cả - đó là suy nghĩ ấu trĩ. Vợ chồng có sự đồng điệu tâm hồn luôn bắt đầu sự những điều rất cụ thể, rất đời thường. Là phụ nữ hay nam giới ai cũng có quyền được là mình trong một cuộc hôn nhân. Khả năng tự đón nhận mình sẽ dẫn tới khả năng đón nhận người phối ngẫu.

Nhưng đó mới chỉ là một nửa sự thật. Một nửa sự thật còn lại là hành động để không ngừng cải thiện mối quan hệ của mình. Việc làm này luôn luôn được điều chỉnh như một khu vườn cần chăm sóc. Nó giống như bạn có khả năng chăm sóc chính mình: kiếm tiền, làm những điều đúng đắn, chăm sóc sức khỏe thể chất.

Vợ/ chồng không cố làm hài lòng người khác để đánh mất chính mình, nhưng cũng không cố lờ đi những nhu cầu cơ bản của bạn đời như khát vọng, niềm tin tín ngưỡng, tình thương dành cho cha mẹ… Để đến một thời điểm, chính mình đối diện với những câu hỏi của con cái: Bố / mẹ có hạnh phúc không? Bố / mẹ có thấy mình được tương trợ lẫn nhau không? Bố / mẹ có thấy sự cần thiết của hai người dành cho nhau không? Và trước hết, đó là câu hỏi trong chính mỗi người chúng ta.

Trong hôn nhân, thứ từ bỏ không phải là một người chồng, hay người vợ - mà chính là tỉa đi những cành, nhánh không còn phù hợp với mối quan hệ hiện tại của bạn. Thay đổi, làm mới và học cách thẳng thắn nhưng tương đồng, tôn trọng nhau – như thế sẽ đạt tới sự tự do dù trong mối quan hệ nào.

Quan điểm của tôi là không muốn con gái hiểu sai mối quan hệ của bố mẹ, không muốn lập thành cái rào cản sai lệch khi sau này con cái bước vào hôn nhân. Ai sai thì xin lỗi, tôi thích để con hiểu cách xử lý tình huống của mẹ trong việc này như tôi đã làm. Lời xin lỗi của tôi cũng là để gỡ tâm lý khó chịu, không thoải mái mà chồng đang mang theo đi công tác. Còn ai có điểm nào cần thay đổi, cái gì đúng, cái gì không đúng sẽ trao đổi, góp ý sau.

Cặp vợ chồng nào cũng có những lúc như vậy, vì thế mà lời xin lỗi và cảm ơn rất là cần thiết - là một bí mật trong hôn nhân để vun đắp gia đình một cách văn minh.

Theo Báo điện tử Gia đình & Xã hội
Nguồn: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/vo-chong-dong-dieu-tam-hon-tu-nhung-viec-rat-doi-thuong-de-vun-dap-gia-dinh-20190521103201812.htm
...