GIA ĐÌNH

Vì sao trẻ nói dối cha mẹ, cần làm gì khi phát hiện?

20/12/2024 - 08:30

Các bậc làm cha mẹ không ai muốn con mình nói dối. Tuy nhiên, về mặt khoa học, đôi khi việc nói dối thể hiện sự phát triển về não bộ, nhận thức và hành vi của trẻ.

Theo bác sĩ tâm lý Kang Lee - Đại học Toronto, Canada, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý nói dối ở trẻ nhỏ, chỉ có khoảng 50% số lần bố mẹ phát hiện con mình nói dối.

 Ảnh minh hoạ

 Ảnh minh hoạ

Việc bố mẹ có phát hiện được con nói dối hay không "hên-xui" như thẩy đồng xu. Bản chất việc nói dối ở trẻ nhỏ không xấu, nếu xét về phương diện phát triển nhận thức của con.

Trẻ con nói dối có đáng lo?

Trong nhiều trường hợp, trẻ nói dối là hiện tượng bình thường và là dấu hiệu quan trọng của trí tưởng tượng phát triển tốt.

Viện nghiên cứu trẻ em của Đại học Toronto ở Canada đã tiến hành một thử nghiệm và nhận thấy nói dối là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển trí tuệ của trẻ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: ở tuổi 2, 20% trẻ nói dối; ở tuổi 3, con số này đạt 50%; ở tuổi 4, tỷ lệ này là gần 90%; đạt đến đỉnh điểm và hầu hết trẻ em đều nói dối.

Đến năm 16 tuổi, số trẻ nói dối giảm xuống còn 70%. Vì vậy, các bậc cha mẹ không cần phải lo lắng quá nhiều mà nên nắm bắt cơ hội để hướng dẫn con một cách chính xác.

Các nhà nghiên cứu tin rằng việc nói dối khi còn nhỏ không có nghĩa là đứa trẻ có vấn đề về đạo đức, cũng không có nghĩa là đứa trẻ sẽ trở thành kẻ nói dối trong tương lai.

Ngoài ra, những đứa trẻ hay nói dối có xu hướng có khả năng nhận thức cao hơn, điều này cho phép chúng khiến những lời nói dối của mình nghe có vẻ chân thực và đáng tin hơn.

Khi trí óc trưởng thành, thanh thiếu niên bắt đầu học hỏi từ người lớn và sử dụng những “lời nói dối” để tránh làm tổn thương cảm xúc của người khác.

Nói dối là sự phát triển khả năng tư duy

Cha mẹ đặt ra những nội quy, trật tự mà con cái phải tuân theo trong học tập và cuộc sống. Từ góc độ logic, điều này cho phép trẻ hiểu được mối quan hệ giữa các quy tắc và hậu quả.

Khi trẻ vi phạm trật tự, quy tắc, sợ bị cha mẹ phát hiện và chịu trách nhiệm, chúng mong che giấu việc mình đã làm bằng những lời nói dối.

 Ảnh minh hoạ

 Ảnh minh hoạ

Nói dối là sự phát triển khả năng tránh rủi ro

Từ góc độ động cơ nói dối, hầu hết trẻ em nói dối để bảo vệ bản thân, chẳng hạn như để tránh bị trừng phạt hoặc để đạt được lợi ích nào đó. Đây không phải là một thói quen tốt và cha mẹ cần phải sửa nó.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể sử dụng điều này để cung cấp cho con mình một số giáo dục đặc biệt để tránh nguy hiểm, chẳng hạn như cách nói dối để bảo vệ bản thân khi gặp người xấu.

Nói dối là sự phát triển khả năng trong việc ứng xử với người khác

Nhiều khi trẻ nói dối để làm hài lòng người khác. Có thể nói đây là một kiểu nói dối biểu hiện của trí tuệ cảm xúc.

Điều quan trọng cần lưu ý là nếu đây là hành vi thường xuyên của trẻ thì trẻ có xu hướng hòa nhập xã hội quá mức và cha mẹ nên suy nghĩ xem liệu họ có đang ép buộc con mình quá nhiều hay không.

Phát triển khả năng nhận thức xã hội

Khi trẻ nói dối, điều đó cho thấy chúng đã đo lường hành vi của mình theo những tiêu chuẩn xã hội nhất định. Chỉ là khi làm một việc gì đó, trẻ đi chệch khỏi quy chuẩn do khả năng tự giác còn hạn chế và không làm chủ được bản thân.

Khi đó, trẻ sợ hậu quả nên nói dối để che đậy lỗi lầm của mình. Vì vậy, cha mẹ nên cho con một khoảng thời gian để thích nghi.

Tuy nhiên việc con nói dối nhiều và bố mẹ không kiểm soát được sự thật, thì sẽ có nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bởi vì bản thân con vẫn là một đứa trẻ, chưa hiểu biết hết tất cả các khái niệm về an toàn, nguy hiểm, rủi ro, hay nguy cơ bị xâm hại.

Nếu hành vi nói dối diễn ra quá nhiều, quá lâu và quá thường xuyên, nó sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhận thức và hành vi đạo đức của con khi lớn lên như thích gây sự, trộm cắp, và các hành vi phạm pháp khác.

 Ảnh minh hoạ

 Ảnh minh hoạ

Cha mẹ mên làm gì khi phát hiện con nói dối?

Khi phát hiện con mình nói dối, thay vì ngay lập tức quát mắng, cha mẹ cần bình tĩnh giáo dục con theo nhiều cách khác nhau tùy theo độ tuổi khác nhau.

1 đến 3 tuổi: Không nên mắng mỏ mà phải kiên nhẫn, phân tích đúng sai cho con hiểu.

3 đến 5 tuổi: Cùng theo dõi suy nghĩ và tưởng tượng của trẻ. Trẻ ở độ tuổi này thường không thể phân biệt được sự khác biệt giữa thực tế và trí tưởng tượng.

5 đến 12 tuổi: Tìm ra nguyên nhân nói dối và cùng trẻ vượt qua khó khăn.

Nếu cha mẹ lắng nghe kỹ lời nói dối của con và tìm hiểu kỹ tâm lý của con thì có thể hiểu được suy nghĩ thực sự bên trong của con, từ đó sử dụng những thông tin thu được từ lời nói dối để giúp con giải quyết vấn đề.

Theo GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Nguồn: https://giadinhonline.vn/vi-sao-tre-noi-doi-cha-me-can-lam-gi-khi-phat-hien-d203497.html
...