GIA ĐÌNH

Vì sao con cãi cha mẹ?

11/04/2019 - 19:00

Khi cha mẹ dùng các nguyên tắc giáo dục áp đặt, muốn khẳng định uy quyền của mình, nghĩ rằng mình bị xúc phạm, bị thách thức khi con không theo ý mình,... khi đó sẽ xảy ra trường hợp con cố cãi lại cha mẹ để khẳng định cái tôi của bản thân.

 

 

Cãi” ở đây không phải là chống đối mà “cãi” là tranh cãi, là nêu ý kiến ngược lại nhằm thuyết phục cha mẹ thống nhất theo quan điểm mà con cho rằng hợp lý.

"Cãi” ở đây không phải là chống đối mà “cãi” là tranh cãi, là nêu ý kiến ngược lại nhằm thuyết phục cha mẹ thống nhất theo quan điểm mà con cho rằng hợp lý.

Ví dụ: Do chưa hiểu hết về sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như công cụ internet, cha mẹ chỉ nghe thông tin một chiều rồi cấm đoán con sử dụng internet vì cho rằng con chỉ chơi game, truy cập thông tin xấu sẽ ảnh hưởng đến việc học. Chắc chắn sẽ bị con “cãi” lại với các lý lẽ, con sử dụng internet chính là để phục vụ cho học tập, thu thập kiến thức và nắm bắt tin tức đời sống…

Cũng có trường hợp cha mẹ không đồng tình cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa bên ngoài nhà trường vì sự an toàn của con, lo lắng tai nạn giao thông, bất trắc sông suối, ao hồ… Trong khi con được nhà trường phổ biến mục đích của hoạt động ngoại khóa là giáo dục kỹ năng sống cùng những ích lợi về thể chất. Thế là con cũng “cãi” lại cha mẹ.

Hướng nghiệp, chọn nghề cho con, cha mẹ muốn con tiếp nối nghề nghiệp truyền thống gia đình nhưng con lại có thiên hướng và năng khiếu riêng. Không thể răm rắp tuân theo ý cha mẹ, con sẵn sàng tranh cãi bảo vệ ý kiến của mình.

Việc chọn bạn trăm năm ngày nay hầu như cha mẹ cũng không thể áp đặt con cái. Đến chuyện chăm cháu, không khéo mẹ chồng nàng dâu lại cãi nhau.

 

 

Cấm đoán con cái “cãi” lại mình trong nhiều trường hợp là vô tình kềm hảm sự phát triển tư duy của con.

Còn nhiều trường hợp khác nữa… Thực tế cho thấy, vì muốn bảo vệ cái đúng, thể hiện kiến thức và suy nghĩ của mình, nên con cái buột phải “cãi” lại cha mẹ, phân tích đúng sai, phản biện, nêu ý kiến trái chiều.

Trước đây, chúng ta thường quen với suy nghĩ: Con ngoan là con biết vâng lời cha mẹ. Dĩ nhiên hiểu theo một nghĩa nào đó thì cũng không hẳn là sai. Nhưng giờ đây cha mẹ cần phải có thêm tư duy mới: Phải bình tĩnh lắng nghe ý kiến trái chiều của con. Vì lớp trẻ ngày nay về hiểu biết sách vở đôi khi chúng hơn chúng ta, chúng học nhiều hơn, đọc nhiều hơn, nghe nhiều hơn, đi nhiều hơn… Nếu con cái có tranh cãi với chúng ta thì cũng không nên buồn!Không xem đó là con hư

Trái lại, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con nói lên suy nghĩ của mình, có thái độ cởi mở tiếp thu khi con tranh luận, dù đồng tình hay không đồng tình. Không nên vì tự ái hay bảo thủ mà nặng lời với con.

Cấm đoán con cái “cãi” lại mình trong nhiều trường hợp là vô tình kềm hảm sự phát triển tư duy của con. Sau này ra đời chúng sẽ nhút nhát không dám phát biểu, không dám có ý kiến riêng của mình.

Nếu con không hiểu hết ý cha mẹ hay có suy nghĩ không đúng thì nên bình tĩnh, dùng lời lẽ phân tích thiệt hơn cho con hiểu chứ không nên la rầy, trách mắng, chụp mũ. Như vậy con sẽ ngại nêu ý kiến, thui chột tính chủ động, độc lập suy nghĩ, nhiệt tình đóng góp.

Về phía con cái, tuy được quyền tranh luận, phản biện nhưng cần chú ý thái độ khi nêu ý kiến cá nhân. Con cần nhũn nhặn, khiêm tốn, kiên nhẫn, lễ phép, dùng lời lẽ êm dịu, tế nhị, hết sức tôn trọng cha mẹ. Để thuyết phục cha mẹ có khi phải chọn thời điểm thích hợp để nói.

Khi tranh luận nên tránh dùng lời lẽ mạnh bạo, quyết đoán, thái độ nóng nảy, khăng khăng cho mình là đúng. Vì như thế, đấng sinh thành sẽ bị tổn thương, buồn lòng, phật ý.

 

 

Dạy con tư duy phản biện, suy nghĩ độc lập, kể cả dạy con cách “cãi” lại là một điều rất nên làm của bậc cha mẹ.

Tôi không ủng hộ bầu không khí dân chủ có phần “quá trớn” của xã hội phương Tây, chẳng hạn như thấy cha mẹ sai, con có quyền gọi cảnh sát…. Nhưng tôi luôn khuyến khích con cái nói lên suy nghĩ của mình, tạo điều kiện cho con đóng góp ý kiến, tranh luận để xây dựng gia đình văn hóa mới, giàu trí tuệ, cư xử văn minh, lịch sự.

“Dạy con từ thuở còn thơ” trong đó dạy con tư duy phản biện, suy nghĩ độc lập, kể cả dạy con cách “cãi” lại là một điều rất nên làm của bậc cha mẹ.

Theo thegioitiepthi.vn
Nguồn: https://thegioitiepthi.vn/vi-sao-con-cai-cha-me-161585.html
...