Tuỳ duyên thuộc về quả, thuận pháp thuộc về nhân
Tuỳ duyên tức là mình đang ở buổi sáng thì tùy duyên buổi sáng, khi mình ở mùa thu thì tuỳ duyên mùa thu, khi mình đang bệnh thì tuỳ duyên của bệnh đó, khi mình đang khổ thì tuỳ duyên của khổ đó.
Tùy duyên thuộc về "quả". Tức là gặp hoàn cảnh nào thì sống tuỳ vào hoàn cảnh đó, sống trong môi trường nào thì tuỳ vào môi trường đó, đang ở trong trạng thái nào thì thì tuỳ vào trạng thái đó.
Thuận pháp thuộc về "nhân", khi một người chê mình, mình nổi sân lên thì đã khởi lên nhân sân, khi một người khen mình, mình thích tức là khởi lên nhân tham. Khi mình khởi lên một phản ứng khi gặp duyên đó thì đó là nhân.
Nhân có hai loại : thuận pháp và không thuận pháp.Thuận pháp tức là nhận thức duyên đó một cách đúng đắn, thái độ ứng xử (phản ứng) với duyên đó một cách tốt đẹp.

Nam Mô A Di Đà Phật
Sống thuận pháp tức là khi gặp duyên đến thì có nhận thức đúng và hành vi tốt.
Trong đời sống mà cố tạo duyên cho hợp ý mình, làm như vậy chưa phải sống tuỳ duyên.
Đạo Phật không khuyến khích như vậy, mà dạy mình sống với mọi duyên đến-đi một cách tự nhiên hơn là tạo ra duyên như ý mình.
Như mình hành thiền thì lấy ngay đời sống của mình để mà tu. Tu ngay nơi thái độ của mình, vì duyên nào tới mình cũng phải có nhận thức đúng và hành vi - thái độ ứng xử tốt.
Thay vì hành thiền là phải vào trường thiền tốt nhất, phải chọn pháp môn nào cho là thích hợp nhất, tu học thực sự thì ở trong chợ thì tu theo kiểu vào chợ, vào chùa thì tu theo kiểu vào chùa. Cứ sống bình thường như vậy.
Nếu mình cứ muốn tìm duyên nào hợp với mình thì sẽ bị cô lập trong cuộc đời này, vì duyên tự nhiên đến không bao giờ theo ý mình, mà nghiệp của mình cũng vậy, mình đã tạo nghiệp trong quá khứ thì bây giờ phải gánh chịu hậu quả chứ làm sao tránh cho được.
Cuộc sống là vô thường. Người nào muốn duyên phải theo ý mình thì càng đau khổ mà thôi.
Đã học dở thì phải nhận điểm thấp để ngay đó còn học ra bài học chứ nhận điểm cao thế nào được. Vì vậy mình nên sống tuỳ duyên...