Tu cái miệng để bình an
Cộng đồng mạng và dư luận cả nước vừa chứng kiến nhiều người “mạnh miệng” trên mạng xã hội bị bắt, khởi tố vì vi phạm pháp luật hình sự.
Mới nhất, “hot” Tiktoker Dưỡng Dướng Dường ở Quảng Nam bị bắt hôm 10/4. Trước đó, vì quảng cáo sai, bán hàng giả, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog cũng đã bị cơ quan chức năng bắt giam, gây chấn động. Nhưng đó là lẽ đương nhiên không thể khác, trong tình huống “vạ miệng” mà những người nổi tiếng phải chịu, nhất là khi việc phát ngôn trên mạng của họ có ảnh hưởng đến cộng đồng, cá nhân, tập thể.

Khởi tố, bắt giam ông Mai Văn Dưỡng, tức TikToker Dưỡng Dướng Dường - Ảnh: Công an cung cấp
Trở lại với vụ việc của Tiktoker Dưỡng Dướng Dường. Ngày 10/4, Mai Văn Dưỡng, 39 tuổi, ở thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My - tên thật của Tiktoker Dưỡng Dướng Dường - bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo khoản 2, điều 331 Bộ luật Hình sự.
Người đàn ông này bị cáo buộc, từ ngày 30/9/2024 đến ngày 28/11/2024 đã nhiều lần đăng video có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của một người phụ nữ.
Theo cơ quan điều tra, Dưỡng bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người này và đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc đời sống riêng tư. Hot TikToker này còn bịa đặt sai sự thật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ J.T.A.
Cơ quan điều tra cáo buộc phát ngôn xuyên tạc của Dưỡng gây ra sự cảm nhận một chiều từ người truy cập vào xem, dẫn đến lôi kéo, tạo sự hoang mang, thiếu khách quan, giảm sút uy tín, hiểu sai, thù ghét đối với người phụ nữ và Bệnh viện J.T.A ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong xã hội làm cho nhiều cá nhân hoang mang hủy các dịch vụ của Bệnh viện J.T.A và yêu cầu hoàn tiền làm ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
Dưỡng Dướng Dường được chú ý khi bán các vật phẩm phong thủy, sản phẩm nụ trầm hương, bột xông nhà... trên tài khoản Tiktok có gần 700.000 lượt theo dõi và trang Facebook có 226.000 lượt theo dõi.
Trước đó, tháng 12/2024, Công an huyện Bắc Trà My đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Mai Văn Dưỡng do cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm người khác. Cụ thể, trong các ngày 16, 17, 18 và 20/8/2024, ông Dưỡng đã lợi dụng mạng xã hội đăng tải 8 video có nội dung cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân xảy ra tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My. Hành vi này khiến Dưỡng bị phạt tiền 7,5 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là buộc gỡ các bài viết, video có hình ảnh, thông tin sai sự thật trên Facebook và TikTok của mình liên quan đến 4 người khác.
Khi nhắc lại “tiền án” hành chính, nhắc nhở của cơ quan chức năng về hành vi của Dưỡng, nhiều người bày tỏ, việc anh này không rút kinh nghiệm hoặc ảo tưởng quyền lực đã dẫn tới hậu quả ngày 10/4 vừa qua - bị bắt giam.
“Tín hiệu vũ trụ đã gửi tới mà anh ta không lắng nghe, thay đổi”, “Phong thủy nào vượt qua luật nhân quả?”… là những bình luận của cộng đồng mạng nói về Dưỡng Dướng Dường, cùng hành vi lộng ngôn, coi thường pháp luật của người này.
Từ xưa, ông bà ta đã đúc kết “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”, tức, bệnh do ăn uống mà sinh, họa do miệng nói mà thành. Cái miệng là chỗ tu hành từ chuyện ăn đến nói. Ăn uống không tiết chế sẽ tạo nghiệp (sát các loài khác) và nói năng không chánh niệm thì tạo nghiệp (hại chính mình).
Xưa, người không cẩn trọng lời nói có khi mang họa sát thân, bị vua xử tru di cửu tộc, tam tộc. Nay, trên cõi mạng, nhiều người vì không cẩn ngôn cũng vướng lao lý hoặc bị phạt hành chính.
Lời nói nếu biết sử dụng có thể thành phương tiện giúp an ủi, giúp người bớt khổ, tìm thấy một hướng đi sáng đẹp. Người biết sử dụng lời nói, hoặc văn phạm (viết lách) để làm lợi đạo, ích đời trong nhà Phật gọi người ấy là người biết bố thí pháp. Làm được vậy, công đức vô lượng.
Ngược lại, không biết nói lời ái ngữ, “đâm bị thóc, thọc bị gạo” thì nhân quả nhãn tiền. Trong năm giới hay năm nguyên tắc sống đạo đức căn bản của người Phật tử, Đức Phật dạy không nói dối. Đó là cách để tăng trưởng nhân lành, bảo hộ tuệ mạng của người học đạo Giác ngộ.
Từ không nói dối, mở rộng thêm còn là không nói lời ác độc, không nói lưỡi hai chiều, không nói điều gây chia rẽ… “Lời nói không là dao/ Mà cắt lòng đau nhói/ Lời nói không là khói/ Mà mắt lại cay cay”. Tính sát thương của lời nói là khó đong đếm. Có người vì lời nói mà chọn cái chết, hoặc mất hết niềm tin, nhuệ khí, thất bại. Có người vì lời nói mà ôm đau đớn tinh thần, hận thù suốt nhiều năm tháng.
Do vậy, cẩn trọng với lời nói, “uốn lưỡi bảy lần khi nói” không bao giờ thừa, vừa giúp người không khổ đau mà cũng là giúp mình không gây nghiệp xấu.
Dân gian có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lợi lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời răn nhắc đó nếu không được thực hành thường xuyên, nhất là người nổi tiếng trên mạng nếu vẫn ảo tưởng quyền lực, bị số đông hô hào, cổ vũ rồi nói không kiêng dè thì hậu quả lao lý là điều hiển nhiên. Khẩu nghiệp không chỉ là xúc phạm cá nhân, tổ chức, tập thể, mà còn là quảng cáo lố, trục lợi từ việc bán hàng không đúng chất lượng. Tiếng chuông từ những vạ miệng từ người nổi tiếng vừa qua một lần nữa nhắc nhở mỗi người phát tâm tu cái miệng để yên lành.