GIA ĐÌNH

Tĩnh lặng & Giác ngộ

16/09/2024 - 11:30

Đức Phật Gotama nói “Ý dẫn đầu các pháp”[1]. Ý thức hay nhận thức sẽ soi sáng cho hành động sống.

Một người ít tĩnh lặng, nhận thức sẽ bị nhiễu động bởi tham dục và chấp thủ. Người ấy rất khó có Chánh kiến (hiểu biết đúng và trọn vẹn) về hiện hữu sống, bao gồm tự thân. Kết quả, người ấy tự khổ đau trong chính sự hiểu biết giới hạn và không trọn vẹn của mình.

Trên con đường giác ngộ, tĩnh lặng là nguồn năng lượng không thể thay thế. Ánh sáng giác ngộ không thể nào được thắp sáng nếu không có đủ năng lượng tĩnh lặng. Đức Phật Gotama đã thắp sáng ánh sáng giác ngộ chính mình từ năng lượng tĩnh lặng (Tứ thiền)[2]. Các bậc Thầy của nhân loại như Lão tử [3] hay Bồ-đề-đạt-ma [4] cũng từ tĩnh lặng mà có minh kiến.

Ảnh minh họa của Làng Mai

Ảnh minh họa của Làng Mai

Sống chung đụng nhân gian hay ẩn cư đi về tâm giải thoát và tuệ giải thoát, tất cả đều không thể thiếu năng lượng tĩnh lặng. Thiếu nguồn năng lượng tĩnh lặng, sức khoẻ, tình yêu thương, tâm hạnh nguyện và lực tinh thần cũng sẽ thiếu. Các bất thiện pháp sẽ lớn dậy rất nhanh trong môi trường không có tĩnh lặng thân tâm.

Không có sự giác ngộ nào có thể giác ngộ được bên ngoài tâm tĩnh lặng. Trong bất an, dao động, được kích hoạt bởi tham ái và chấp thủ, hoàn toàn không có Chánh kiến. Chỉ có nhận thức bị che mờ bởi vô minh. Cái gì là khổ, là nguyên nhân của khổ, là con đường chấm dứt khổ sẽ không bao giờ được thấy. Tất cả chỉ một màu khát ái, chấp thủ, ngã mạn, tham hại và khổ đau.

Tĩnh lặng, nguồn năng lượng cho giác ngộ. Người càng tĩnh lặng, người ấy càng có điều kiện đủ và cần cho giác ngộ. Mức độ tĩnh lặng sẽ quyết định mức độ giác ngộ. Chánh kiến sẽ mở rộng dần từ cấp độ tĩnh lặng thứ nhất (sơ thiền) cho đến cấp độ thứ tư (tứ thiền), và cuối cùng là Chánh kiến trọn vẹn (Tam minh) khi người tĩnh lặng dùng ý thức tĩnh lặng thuần tịnh hướng tâm khai mở minh trí về Túc mệnh, Thiên nhãn và Lậu tận.

Mười nghìn giờ là thời gian tiêu chuẩn cho một người bắt đầu tĩnh lặng đi đến tĩnh lặng thuần tịnh. Tất nhiên mỗi giờ tĩnh lặng đều mang trong nó cái vĩ đại [5], an yên và minh triết [6].

Không có tĩnh lặng, không có giác ngộ. Không có giác ngộ, không có Thánh quả. Không có Thánh quả, không có chấm dứt phiền não và ngã si. Tĩnh lặng không chỉ là nguồn năng lượng cho giác ngộ. Tĩnh lặng còn là suối nguồn của sự sống sinh động kỳ diệu. Ai an trú được tĩnh lặng, người ấy có minh kiến. Ai an trú được tĩnh lặng, người ấy có chính mình. Nếu muốn, với người có tĩnh lặng thuần tịnh, cảm xúc và suy nghĩ có thể được thả bay trong vô tận bình an (Diệt thọ tưởng định).

Theo PHẬT GIÁO
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/tinh-lang-giac-ngo-d86811.html
...