Những nẻo đường thu
Huế những ngày đầu thu trời đẹp như văn Thanh Tịnh; có mây bay, có gió nhẹ, có những cơn mưa ngang qua và nắng không còn hanh hao nữa…
Cứ vào độ trời đất sang thu, tôi có một thú vui là ngồi ngắm những cơn mưa đầu mùa diễn khúc độc hành hột to, hột nhỏ, sợi vắn, sợi dài như một bản nhạc không lời giữa mênh mông trời đất... Mưa thu tự làm đẹp cho mình và chan hòa tưới mát cho đất đai, cây cỏ. Sau cơn mưa, thật là dễ chịu khi chạy xe chầm chậm trên những con đường xứ Huế, nghe cây cối reo vui, nghe hơi mát của khí trời từ từ thấm vào da thịt... Những con đường Huế vốn xanh lại càng xanh mát hơn và chừng như rộng ra, thoáng đãng cùng hương sắc của mùa thu...
Chạy xe giữa phố và thoáng nghĩ, trời đẹp như ri mà không về làng thì tiếc lắm. Bởi mùa thu của phố có vẻ đẹp quý phái, lụa là của một nàng Tôn nữ thì mùa thu ở những làng quê xa thành phố có nét đẹp e ấp, ngọt ngào của một cô thôn nữ.
Từ phố chạy về làng tôi chừng 40 cây số. Trên đường về làng, thích nhất là dừng xe lại bên cầu Ca Cút, đứng ở thành cầu, phóng tầm mắt nhìn xa xa mặt phá Tam Giang rộng mênh mông điểm xuyết những con đò nhỏ của ngư dân đang giăng lưới đánh cá bình yên và giản dị như một bức tranh thủy mặc.
Gió mùa thu thổi từ phá Tam Giang chừng như đã mang hơi lạnh nhưng vẫn thật mát hiền. Tôi chợt nhớ một bài thơ nhỏ mà tôi đã cảm tác từ mấy mùa thu trước khi đứng trên chiếc cầu có rất nhiều hoài niệm này: “Chiều nay muốn qua truông về phá - Hứng gió Tam Giang để đợi mùa - Chớm thu mà đã nghe hơi giá - Ngẩn ngơ trời cũ tháng năm trôi...”.
Về tới căn nhà xưa ấu thời, loanh quanh vài việc trong nhà rồi tôi rảo bước xuống đường làng. Cánh đồng làng tôi mới gặt xong đã trơ gốc rạ nhưng chẳng thấy buồn tẻ chút nào bởi bờ đê, thửa ruộng, con khe, ngòi nước, mấy luống mướp đắng của nhà ai trái đã vàng, lá đã khô rủ lũ chuồn chuồn ớt đến đậu dày đặc như một cuộc phối màu của họa sĩ thiên nhiên tài năng. Cảnh đó, vật đó và cả hương thơm của đất, của cỏ cây dậy lên sau mưa rồi âm thanh của tiếng vịt kêu đàn, của ếch nhái, ễnh ương gọi nhau... đã quá quen thương như máu thịt trong tôi.
Làng tôi đã vào thu rồi đó. Mùa thu đã đến như là một sự ban phát của thiên nhiên luôn hào phóng, bao dung với đời sống con người. Mùa thu bao giờ cũng vậy, thường bắt đầu từ những cơn mưa. Không phải những cơn mưa giông ầm ào sấm rung chớp giật rồi tạnh nhanh vào những buổi chiều mùa hạ. Mưa báo thu đã sang là những cơn mưa dài thường khởi phát vào ban đêm và rỉ rả kéo dài ra đến cả ngày hôm sau. Mưa đầu mùa hiền hòa đã làm những cánh đồng còn trơ gốc rạ ngập tràn nước mát là môi trường kỳ thú để các loài thủy sinh tìm về vui vầy, sinh nở.
... Nhớ một chuyện cũ cách đây cũng đã mấy năm rồi. Đứa em ở quê nhắn: “Ngõ xóm nhà mình đã được mở rộng rồi anh à! Hai cây bồ-đề trước ngõ của ba trồng cũng phải bứng đi nơi khác, em cũng tiếc lắm nhưng đành thế…”. Đó là hai cây bồ-đề ba tôi xin từ vị sư một ngôi chùa quen mang về trồng trước ngõ cách đây gần hai mươi năm. Chúng lớn nhanh và luôn xanh tươi bốn mùa, tán lá đan vào nhau tỏa bóng mát cho người... Ba tôi đặt một cái bàn nhỏ dưới bóng bồ-đề uống trà vào những buổi sớm mai đẹp trời...
Bởi vậy, mỗi lần về nhà nhớ mạ, nhớ ba là tôi cứ ngồi nơi chiếc bàn cũ và nhìn vào cái vòm xanh hiền hòa của hai cây bồ-đề và tưởng tượng ánh mắt yêu thương của ba mạ đang cười trìu mến nhìn tôi. Vậy mà, bóng mát yêu thương đó đã không còn nữa (!)… Cũng phải mất một thời gian khá lâu tôi mới làm quen được cái cảm giác trống trải khi phải đối diện với cái khoảng trống mênh mông nơi bóng bồ-đề xưa bỏ lại. Nhưng biết làm sao được, chẳng ai níu giữ được bóng thời gian.
Trời đã vào thu. Cách đây mấy hôm, đứa em trai chụp ảnh vườn nhà. Ngõ nhà tôi nơi hai cây bồ-đề cũ bây giờ rực màu hoa giấy hồng. Màu hoa làm tôi cứ cuồng chân khi nghĩ về nhà xưa. Cuối tuần này tôi sẽ về làng để ngắm phá Tam Giang, để bước xuống ruộng đồng mà nghe lời cây cỏ mùa thu như đang hát. Về nhà thôi...