Nhìn lại sau một năm: Kiểm điểm ý
Đầu tiên là tham. Do vô minh, không nhận thức được bản chất của ngũ dục (tiền bạc, danh lợi, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ), chúng ta đã và đang lao vào tìm cầu nó.
Từ chỗ muốn thỏa mãn năm thứ dục này, cộng với muốn được hưởng thụ sung sướng, chúng ta đã sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu, gây nên biết bao đau khổ cho bản thân, gia đình và xã hội. Cũng do vô minh, chúng ta cứ nghĩ rằng phải tìm cầu và thỏa mãn ngũ dục, mình mới có hạnh phúc, sung sướng và an vui. Thế nhưng, ngũ dục có tính giả tạm và không chắc thật, nên trước sau gì, chúng cũng sẽ chỉ đưa đến khổ đau.
Như khi câu cá, người ta mắc những miếng mồi vào lưỡi câu, con cá nào tham mồi chắc chắn sẽ bị vướng câu. Cũng thế, do tham lam mà chúng ta vướng vào miếng mồi ngũ dục, tạo nên biết bao ác nghiệp, tự gây đau khổ cho bản thân ở hiện tại và tương lai, mãi xoay vần trong vòng luân hồi sinh tử. Trải qua vô lượng kiếp từ vô thủy đến nay, chúng ta có khi làm thân con người, có khi mang thân thú, có khi đọa xuống địa ngục, có khi thọ thân ngạ quỷ... Lòng tham là một trong những nhân tố chính dẫn dắt chúng ta vào con đường tội lỗi, để rồi phải chịu đau khổ trong lục đạo luân hồi. Giờ đây, nhờ học Phật, chúng ta hiểu rõ bản chất của hết thảy sự vật, kể cả thân người, đều là vô thường và giả tạm. Từ đó, tâm tham đắm của chúng ta sẽ giảm bớt đi. Ngày hôm nay, quý vị hãy nhìn lại xem, sau quãng thời gian tu học vừa qua, lòng tham của mình đã giảm bớt được bao nhiêu. Nếu lòng tham không giảm bớt mà vẫn thường xuyên tăng trưởng thì coi như việc tu hành của mình chưa đạt kết quả, chưa có tiến bộ.
Để đối trị tâm tham, đức Phật dạy chúng ta phải biết sống thiểu dục tri túc (ít muốn và biết đủ). Nếu biết đủ thì nằm dưới đất vẫn thấy đầy đủ; nếu không biết đủ thì nằm trên đống vàng vẫn thấy thiếu. Trước đây, do vô minh, không hiểu Phật pháp, chúng ta cứ nghĩ rằng ngũ dục chính là hạnh phúc tốt đẹp, là nấc thang đưa chúng ta đến thiên đường; bây giờ, biết Phật pháp rồi, chúng ta mới thấy ngũ dục là nguồn gốc của tội lỗi, sa đọa, đau khổ và luân hồi sinh tử. Càng chạy theo ngũ dục, chúng ta sẽ càng đau khổ và bất an. Buông bớt chúng chừng nào, chúng ta sẽ thanh thản, nhẹ nhàng, an vui và hạnh phúc chừng ấy. Hạnh phúc không phải là có được nhiều tiền, nhiều vợ, nhiều chồng; đạt được địa vị cao sang, quyền quý; hay ăn được những món cao lương mỹ vị... Đôi khi, cũng vì những thứ dục lạc đó mà chúng ta trở thành người bất hạnh và khổ đau.
Đã là người học Phật, chúng ta phải biết làm cách nào để đạt được hạnh phúc. Ví như một nồi nước sôi, muốn mau nguội thì trước hết cần phải rút củi ra. Cũng vậy, muốn đạt được hạnh phúc, chúng ta phải bớt đi lòng tham vì chính lòng tham dẫn dắt chúng ta vào khổ đau, sa đọa và luân hồi. Từ vô thủy kiếp đến nay, chúng ta phải chịu cảnh luân hồi đau khổ trong lục đạo, khi được thân người, khi mang thân thú, khi làm ngạ quỷ, khi đọa địa ngục... Tất cả đều là do lòng tham mà ra. Hiểu được lòng tham là gốc của đau khổ, của sinh tử luân hồi thì chúng ta phải giảm bớt nó đi. Càng giảm bớt lòng tham bao nhiêu thì con đường thoát khỏi luân hồi, đi đến an vui, hạnh phúc và sinh về cảnh giới tốt đẹp càng dễ bấy nhiêu. Ngược lại, khi chúng ta tăng trưởng lòng tham thì con đường đi đến bất hạnh, khổ đau và đọa lạc vào ba đường ác cũng ngày càng rộng mở.
Hôm nay, quý vị hãy kiểm điểm, suy xét lại xem lòng tham của mình có giảm được chút nào chưa? Nếu có là chúng ta đang tiến bộ. Và hãy tự hứa với mình rằng, trong mỗi năm từ nay về sau, lòng tham của chúng ta sẽ ngày càng giảm bớt. Được như thế là quý vị tu có kết quả, có tiến bộ, sẽ đạt đến thanh tịnh, an lạc, hạnh phúc và giải thoát.
Tiếp theo là sân. Trước đây, khi gặp chuyện gì trái ý nghịch lòng hoặc chướng tai gai mắt, chúng ta khởi tâm phiền não, giận tức, oán thù, và thể hiện ra ngoài bằng những hành động mắng chửi, đánh đập... làm cho bản thân mình ngày càng trở nên hung dữ, hay tạo ác nghiệp, gây đau khổ cho người khác. Ngày hôm nay, được học Phật, chúng ta nhận ra sân là một thứ độc dược làm hư hoại thân tâm của mình. Khi sân lên, tâm của chúng ta trở nên hung dữ, nóng nảy, bực bội; gương mặt thì nhăn, xấu, già, dữ; cử chỉ thì tay đánh, chân đá, có thể dẫn đến đổ máu, chết người. Sân khiến cho thân tâm của mình bất an và dễ đem đến đau khổ cho người khác. Sau khi học Phật, thấy rõ tác hại của sân, chúng ta hãy cố gắng hạn chế lòng sân của mình. Khi lửa sân lụi tàn thì an lạc sẽ có mặt. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu việc gì chúng ta cũng bực phiền, giận tức thì làm sao có được an lạc? Chúng ta phải biết buông xả, hoan hỷ và tha thứ thì mới tìm thấy an lạc và hạnh phúc.
Trước đây, khi có việc gì xảy đến, mình sân lên, quyết ăn thua, quyết phải hơn người. Bây giờ, tu học Phật pháp rồi, mình thấy rằng việc hơn thua đó không đem lại lợi ích cho bản thân cũng như cho đối tượng làm mình nổi giận. Chỉ có nhẫn nhục, thương yêu và tha thứ mới giúp chúng ta có được lợi ích và an lạc. Sự an lạc này không phải do Phật, cũng không phải do thánh thần hay ông trời ban cho, mà là do chúng ta có nhận thức đúng, biết làm chủ bản thân và làm chủ cơn giận của mình.
Suy ngẫm kỹ sẽ thấy, nếu ai đó có một lời nói hay hành động làm cho mình buồn phiền, giận tức thì bản thân mình là người chịu khổ trước tiên. Khi nổi giận, thân mình nóng bức, khó chịu, tâm mình phiền muộn, bất an. Cơn giận không chỉ bộc phát xong rồi thôi mà còn kéo dài âm ỉ, ngấm ngầm làm cho mình buồn phiền, đau khổ, ăn không ngon, ngủ không yên. Không những thế, sân giận có thể khiến mình sinh tâm thù oán, và đôi khi mối thù oán này không thể cắt đứt trong một đời mà kéo dài đến nhiều đời khác nữa.
Như vậy, rõ ràng, sân không đem lại lợi ích gì cho thân và tâm của chúng ta. Biết rõ sự tai hại của sân, chúng ta cố gắng tu hạnh nhẫn nhục và tha thứ để có được niềm an lạc và thanh thản trong cuộc sống. Sân là một loại tâm lý tiềm ẩn trong tâm chúng ta từ vô thủy, mà theo như lời đức Phật nói thì nó rất khó đoạn trừ. Ngày nay, chúng ta tu học Phật pháp, khoan hãy nói đến việc đoạn trừ sân, chỉ cần xem thử lòng sân của mình có giảm bớt được chút nào hay không? Nếu có là mình tu tập có tiến bộ, nếu không là mình chưa tu tập và chưa đạt được những lợi ích của việc tu tập.
Có những Phật tử đi chùa càng lâu càng thấy hiền lành, dễ thương. Nhưng có những Phật tử do không hiểu và không nỗ lực tu tập Phật pháp, đôi khi, đi chùa lâu mà lòng sân lại tăng trưởng. Họ có cái ngã quá lớn, chấp rằng mình đi chùa lâu và tu tập giỏi, nên hễ ai đụng tới là nổi sân, quát tháo, gây gổ, thậm chí còn mắng chửi, đánh đập. Những người biết Phật pháp rồi mà còn để lòng sân tăng trưởng như vậy thì rõ ràng là họ chỉ đến chùa cho vui, chứ không nỗ lực tu tập để giảm bớt sân giận và chuyển hóa thói hư, tật xấu của mình. Chúng ta đừng nên như họ! Chúng ta phải làm sao cho sau một năm đến chùa tu học Phật pháp mình bớt nóng, bớt giận, bớt bực, bớt hờn, bớt chửi mắng, bớt đánh đập. Như vậy, việc tu học của chúng ta mới có tiến bộ, và việc đến chùa của chúng ta mới có lợi ích.
Cuối cùng là si. Si có nghĩa là không sáng suốt. Trước đây, do chưa học Phật pháp, chúng ta có thể tin một điều gì đó mà không suy xét. Bây giờ, học Phật pháp rồi, chúng ta phải suy nghĩ cho thấu đáo mới tin. Đức Phật dạy chúng ta: “Sau khi nghe một điều gì, phải suy nghĩ cho thật kỹ, rồi mới tin tưởng và đem ra thực hành”. Nếu chúng ta nghe mà tin liền sẽ rất dễ rơi vào mê tín dị đoan.
Người học Phật là người đi theo con đường giác ngộ và trí tuệ. Chúng ta đến với Phật pháp là để hiểu đúng, nhận thức đúng và hành động đúng, thay đổi và sửa chữa những điều sai lầm trước đây của mình. Ví dụ như, trước đây, khi chưa hiểu Phật pháp, chưa tin nhân quả, mình nghĩ rằng: ngày giờ tốt sẽ đem đến hạnh phúc cho bản thân và gia đình; đốt vàng mã thì ông bà, tổ tiên mình sẽ được hưởng; đến những nơi đền, miếu mượn tiền thần thánh về làm ăn sẽ được phù hộ cho phát tài; có những ngôi sao, khi chúng chiếu đến, mình sẽ bị tai họa nên phải cúng sao giải hạn; xui xẻo, thất bại là do số phận, mình phải tìm đến nhờ thầy bói để xem vận mệnh; cúng vái, cầu xin thần thánh ban phúc cho mình để làm ăn được phát đạt... Ngày nay, được tu học Phật pháp, mình hiểu rằng tất cả đều căn cứ vào luật nhân quả: có nhân thì sẽ có quả, thấy quả thì biết có nhân. Hiện tại sướng hay khổ là do quá khứ đã tạo nhân tốt hay xấu. Vì vậy, những suy nghĩ của mình kể trên đều chưa đúng và chưa phù hợp với nhân quả.
Đôi lúc, chúng ta cứ nghĩ rằng khi làm những việc quan trọng như xây nhà hoặc cưới hỏi cần phải chọn ngày tốt. Nhưng thật sự thì, ở trên cuộc đời này, không có ngày nào tốt và cũng không có ngày nào xấu, tốt hay xấu là do chính chúng ta tạo ra. Nếu chúng ta làm điều tốt thì có quả tốt, làm điều xấu thì có quả xấu. Không bao giờ có chuyện vào một ngày nào đó tốt, chúng ta làm điều xấu sẽ dễ dàng hơn và không bị quả báo về sau. Nếu nói có một ngày tốt thì ngày đó tất cả mọi sự việc trên đời phải đều tốt hết. Thế nhưng, chỉ trong đất nước ta thôi, bất cứ ngày nào cũng có người bị tai nạn, đau bệnh hoặc tử vong. Như vậy, không thể có một ngày nào được xem là tốt. Tương tự, cũng không thể nói một ngày nào là xấu, vì bất cứ ngày nào cũng có người gặp được việc may mắn, tốt đẹp.
Là người học Phật, chúng ta hãy tin sâu nhân quả, không nên tin vào những thứ mơ hồ một cách thiếu suy nghĩ. Có những Phật tử rất muốn chụp ảnh với thầy, và thầy cũng hoan hỷ đáp ứng yêu cầu của họ. Nhiều lần, khi chụp ảnh thầy đứng ở chính giữa, hai Phật tử đứng hai bên, thì có người bảo:
- Không được, đừng có chụp ba người.
Thầy hỏi:
- Chụp ba người thì sao?
- Chụp ba người xui lắm. Cả ba người sẽ chết. Người đứng giữa là mau chết nhất.
Từ trước đến giờ, khi chụp hình, thầy toàn đứng giữa mà có chết đâu! Chụp ba người thì chết, chụp bốn người không chết, vậy bốn người đó sống mãi hay sao? Chẳng qua là do chúng ta cứ nghe người ta nói, không chịu suy xét, cứ thế tin theo, rồi sinh ra hoang mang, lo sợ.
Hồi xưa, người ta kiêng ngày 13 không dám ra đường. Bây giờ, vào ngày 13, ngoài đường người đi tấp nập; xe cộ, tàu lửa, máy bay vẫn chở khách như thường. Dần dần, người ta cũng thôi, không còn kiêng ngày 13 nữa.
Trước đây, khi làm ăn buôn bán thất bại, chúng ta đến nhờ thầy bói xem căn nhà của mình hướng đó tốt hay không, thậm chí xem cái giường của mình kê có hợp phong thủy hay chạm long mạch gì không. Nhưng trên thực tế, phong thủy không quan trọng. Mình làm ăn thất bại là do không biết tính toán, và cũng một phần do nhân quả của mình, chứ không phải do thế đất hay hướng nhà. Bây giờ, nhà của mình xoay ra hướng tốt, ở trên một nền đất tốt, nhưng mình lại đi cướp của, giết người, thì có bị ở tù không? Nhà Phật có câu: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Chính con người tác động đến phong thủy, chứ phong thủy không thể tác động đến con người.
Lại nữa, khi có việc gì xảy ra là chúng ta tìm đến thầy bói để xem vận mệnh, số mạng ra sao. Việc này là vô ích và không cần thiết. Dân gian có câu:
Tay cầm tiền quý bo bo,
Đem cho thầy bói, rước lo về mình.
Trong cuộc sống, nếu để cho mọi việc diễn ra tự nhiên, chúng ta sẽ thanh thản hơn là đi coi bói. Ví dụ, nếu chúng ta ra đường mà đột nhiên bị tai nạn thì trước đó mình vẫn rất bình thản. Do không biết tai nạn sắp xảy đến nên mình không lo sợ gì cả. Còn nếu biết trước mình sẽ gặp tai nạn thì chúng ta sẽ rất sợ hãi, lo âu.
Tóm lại, đã là người học Phật, chúng ta phải căn cứ vào luật nhân quả. Hôm nay, chúng ta thử kiểm điểm, quán xét lại xem, trong một năm qua, những niềm tin, vô căn cứ, trái nhân quả của mình trước đây đã giảm bớt được chút nào chưa. Nếu đã giảm bớt là chúng ta có tiến bộ, có sáng suốt; nếu chưa giảm bớt là chúng ta vẫn còn u tối, si mê. Chúng ta tu theo Phật nghe ai nói gì cũng tin thì không thể sáng suốt hơn, mà ngược lại mỗi ngày thêm mê lầm.