GIA ĐÌNH

Nhìn lại sau một năm: Kiểm điểm thân

02/01/2025 - 09:32

Thân của chúng ta có ba trọng nghiệp là sát sinh, trộm cắp và tà dâm. Trước đây, do vô minh, với hai bàn tay của mình, chúng ta đã giết hại biết bao sinh mạng; trộm cắp tài sản của người; và ôm ấp những người khác phái bằng cách dụ dỗ, lừa đảo hay cưỡng bức nhằm thỏa mãn dục vọng của mình.

Ngày nay, nhờ đã học Phật pháp, chúng ta nhận thức được rằng, trước đây, chỉ vì thỏa mãn khẩu vị, cơn giận hoặc sự vui thích mà mình đã bắt giết bao nhiêu chúng sinh; giờ biết tu rồi, mình giảm bớt sự giết hại, đồng thời còn biết phóng sinh, cứu lấy mạng sống của những con vật và thả chúng về lại môi trường tự nhiên. Trước đây, mình lừa đảo, lấy cắp, cướp giật của người; bây giờ, mình biết đem tiền của đi bố thí, giúp đỡ cho người khác. Trước đây, mình tà dâm, quan hệ nam nữ bất chính; bây giờ, mình biết sống một cuộc đời trong sạch, thiện lương. Trước đây, mình gây đau khổ cho người và phá hoại hạnh phúc gia đình họ; bây giờ, mình biết đem lại hạnh phúc cho người, vì mình hiểu rằng hạnh phúc của người cũng là hạnh phúc của mình, mình không muốn ai phá hoại hạnh phúc của gia đình mình thì mình cũng không được phép phá hoại hạnh phúc của gia đình người khác.

 Ngoài việc tu thân nghiệp, chúng ta nên tu cả oai nghi của thân. Hằng ngày, chúng ta phải luôn giữ chánh niệm trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi.

 Ngoài việc tu thân nghiệp, chúng ta nên tu cả oai nghi của thân. Hằng ngày, chúng ta phải luôn giữ chánh niệm trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi.

Chúng ta phải nỗ lực làm sao cho mình không bao giờ sát sinh, trộm cắp và tà dâm. Điều này không khó! Chỉ cần thấy và hiểu được nhân quả, cộng với sự quyết tâm của bản thân, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được! Nếu không thể thực hiện đầy đủ trong một lúc thì chúng ta có thể làm dần dần, mỗi năm làm một ít, rồi sẽ có ngày mình làm được trọn vẹn. Việc tu hành là do ý thức của mỗi người, tự mỗi người phải nỗ lực thay đổi. Thầy không mong rằng quý vị sẽ thay đổi trong một lúc, sự thay đổi và tiến bộ phải theo từng phần, từng đoạn, cho tới khi đạt đến sự toàn diện vào một ngày nào đó! Chúng ta hãy nhìn lại xem từ khi biết đến chùa cho tới bây giờ mình đã học được gì? Đã thay đổi được gì? Đã tiến bộ hay chưa? Và những thói hư tật xấu của mình có giảm bớt chút nào hay không? Nếu có thì việc tu hành của mình tiến bộ, và mình nên tinh tấn, nhiều hơn nữa!

Ngoài việc tu thân nghiệp, chúng ta nên tu cả oai nghi của thân. Hằng ngày, chúng ta phải luôn giữ chánh niệm trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Khi đi, xem mình đi như thế là đẹp hay xấu. Khi đứng, nằm và ngồi cũng vậy. Chúng ta tu là phải sửa thân tướng của mình cho đẹp, cho trang nghiêm. Không những thế, chúng ta phải làm sao cho gương mặt của mình ngày càng hiền dịu, dễ thương, vui vẻ, tươi xinh hơn! Nếu mình đi tu mà gương mặt lúc nào cũng khó chịu, ai nhìn thấy cũng khiếp sợ, chẳng dám đến gần. Mình phải tu làm sao để mọi người nhìn mình cảm thấy rằng: “Trước đây, ông này lúc nào cũng buồn bực, âu sầu; từ khi đi chùa, gương mặt thay đổi, trông sáng sủa, vui vẻ hẳn ra!”. Chúng ta tu thì phải thể hiện được sự an lạc trên gương mặt của mình. Nhất là càng tu gương mặt của chúng ta phải càng hiền, đừng có tu lâu mà mặt dữ, điều đó vô cùng nguy hiểm. Mặt mình trông hung dữ, già xấu là do mình hay giận hờn, bực tức. Nếu trong tâm chúng ta lúc nào cũng có hạt giống từ bi, hoan hỷ, yêu thương và tha thứ thì gương mặt không thể nào dữ được! Thế nên, chúng ta đã biết đi tu, biết đến chùa học Phật pháp, thì phải làm sao cho gương mặt mình mỗi ngày thêm tươi vui để người nào nhìn thấy cũng muốn đến chùa tu như mình.

Tóm lại, chúng ta cần phải suy xét, kiểm điểm lại ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình xem có thanh tịnh hay chưa; đồng thời, quyết tâm sửa đổi ngày một tiến bộ hơn để đem lại an lạc và hạnh phúc cho bản thân cũng như tất cả mọi người.

Theo PHẬT GIÁO
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/nhin-lai-sau-mot-nam-kiem-diem-than-d89422.html
...