Nếu như Tết dài hơn một xíu thì sao?
Mà đâu có ai ước cái mùng ba kéo dài ra, hay qua mùng sáu rồi mà còn vướng víu hoài. Người ta chỉ nhớ những đoạn đẹp nhất của Tết, mà nhiều bận quên là chính cái ngắn ngủi của nó mới làm cho mình thương nhớ.
Thử bày bánh mứt ra cả năm coi, chắc hổng còn ai mặn mà. Lì xì mà tháng nào cũng có, thì tờ tiền đỏ cũng hóa như tiền chợ - cảm giác có tiền cũng vui nhưng nó âu cũng bình thường, hông có gì đặc biệt thêm. Tết mà dài thêm một xíu, không chừng cũng lụi mất cái vui, như một đám lửa chụm to quá thì cháy hao, gió thổi vô là tàn bay tứ phía.

Lì xì mà tháng nào cũng có, thì tờ tiền đỏ cũng hóa như tiền chợ.
Có những đêm ba mươi, mình chưa kịp vui đã lo lắng ngày mai là hết. Nhìn người lớn ngồi với nhau, nói những câu chuyện dở dang mà chắc gì năm sau còn đủ người để kể tiếp. Nhìn tụi nhỏ giỡn hớt, ngẫm thấy vài năm nữa chắc không còn đứa nào còn mặn mà với chuyện chạy rần rần trong sân nhà. Nhìn nồi bánh tét nấu chưa xong mà đã tưởng tượng tới lúc má gói đợt sau, ba xách củi chất lên, nước luộc bánh sôi bùng bục.
Cái làm người ta tiếc Tết đâu phải là nó ngắn ngủn, mà là lòng người đã biết trước, đã tỏ tường những cuộc chia xa.
Tết như một đợt gió mát thổi ngang, đủ cho mình nhớ nguyên một năm. Chớ có dài quá, ai dám chắc người ta còn thèm khát nó nhiều vậy.
Tết, nếu dài ra một chút, có chắc mình sẽ thương nó như bây giờ? Hay rồi cũng quen dần, cũng hờ hững, cũng thấy nó chẳng còn lạ lẫm gì hơn một ngày bình thường. Như thể một khúc hát cất lên quá lâu, có lúc cũng phải lặng xuống để lòng còn muốn nghe lại.
Người ta hay ước quay lại đêm hăm chín, ba mươi, nhưng đâu có ai mong sống hoài trong đó. Cái vui là cái vừa vặn, là một chút xíu hẫng hụt, là cái cảm giác tiếc nuối nhẹ nhẹ đủ để năm sau còn chờ còn đợi...
Hôm nay đi làm lại thôi!
Hẹn mấy trăm ngày nữa rồi ăn Tết tiếp nghen!