GIA ĐÌNH

Làm chủ tâm là làm chủ hạnh phúc

10/12/2024 - 11:30

Chúng ta ai cũng muốn có một đời sống an lạc hạnh phúc. Chúng ta tìm mọi cách để đạt được hạnh phúc: tu pháp này, hành pháp nọ, vái chùa kia, cầu chùa nọ để xin hạnh phúc đến với mình. Thế nhưng, những điều ấy không mang lại cho ta hạnh phúc mà đôi khi mệt mỏi khổ đau.

Phải chăng pháp Phật không linh hay chùa kia không thiêng? Hay là chúng ta đang đi sai đường, tu sai pháp? Đúng vậy, chúng ta hành sai lời Phật dạy, bỏ quên cái tâm của mình, chỉ lo hướng ngoại tìm, cho nên mãi tìm thì hạnh phúc mãi xa. 

Hãy quay về với tâm mình thì nhất định an lạc có mặt trong ta. Như trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:

“Tâm khó thấy, tế nhị

Theo các dục cuồng quay

Người trí phòng hộ tâm

Tâm hộ an lạc đến”.

Nhân duyên đức Phật nói bài kệ trên khi ngụ tại Kỳ Viên vì một Tỳ kheo bất mãn.

 

Là một người tu hành, ai cũng muốn có một đời sống an lạc hạnh phúc.

Là một người tu hành, ai cũng muốn có một đời sống an lạc hạnh phúc.

Hạnh phúc không phải chỉ là đam mê vào dục lạc

Tại Xá vệ, con của một chưởng khố đến vị Trưởng lão thường khất thực tại nhà mình, xin dạy con đường giải thoát phiền não. Trưởng lão khuyên anh ta hãy bố thí những thứ như thức ăn chia theo phiếu, thức ăn ngày rằm và ba mươi, phòng xá trong mùa mưa đến an cư, y bát và những nhu cầu khác. Ngài còn dạy thêm nên chia tài sản ra làm ba: một phần để làm ăn sinh sống, một phần dành cấp dưỡng cho vợ con và phần thứ ba cúng dường Tam Bảo.

Anh ta thi hành đúng lời dạy, rồi đến gặp lại Trưởng lão, hỏi xem còn phải làm điều gì nữa. Ngài dạy anh tuân giữ Tam quy Ngũ giới. Và anh hỏi tiếp thì được khuyên giữ mười giới. Cứ thế, anh hoàn tất từ từ việc công đức này đến công đức khác, nên được gọi là Anupubla. Anh lại tiếp tục hỏi Trưởng lão và được dạy là nên xuất gia. Lập tức, anh từ bỏ thế gian đi tu, dưới sự dạy dỗ của một giáo thọ sư thông thuộc tạng luận và một giám luật thông thuộc tạng luật. Sau khi làm tròn bổn phận, anh đến vị giáo thọ thưa thỉnh và được dạy bảo theo tạng luận:

- Trong giáo lý Phật đà, điều này đúng pháp, điều kia không đúng pháp.

Nếu thưa thỉnh với vị giám luật thì cũng được dạy bảo theo tạng luật:

- Trong giáo lý Phật đà, điều này chính đáng, điều kia không chính đáng.

Chúng ta tìm mọi cách để đạt được hạnh phúc: tu pháp này, hành pháp nọ, vái chùa kia, cầu chùa nọ để xin hạnh phúc đến với mình.

Nghệ thuật sống an lạc - hạnh phúc

Thời gian trôi qua, anh chán nản vì cảm thấy khó nhọc với nhiệm vụ tu sĩ. Anh muốn giải thoát mà giờ đây ngay cả chỗ để duỗi thẳng tay cũng không có. Sống đời cư sĩ có khi cũng được giải thoát phiền não. Vì thế, anh có ý định hoàn tục.

Từ đó, anh bất mãn và khó chịu trong lòng, thôi không tu tập ba mươi hai yếu tố thân nữa, và cũng không nghe lời dạy bảo nữa. Mặt anh trở nên hốc hác, da dẻ nhăn nheo, nổi gân xanh, mệt nhọc đè nặng, ghẻ chóc đầy người. Những người tu tập và Sa di hỏi thăm, anh cũng kể thật là đang bất mãn. Họ cho vị giáo thọ và giám luật của anh hay, và hai vị này đưa anh đến Thế Tôn. Anh thuật lại tâm tư mình cùng ý định hoàn tục, Phật bảo:

- Tỳ kheo! Nếu ông chỉ canh chừng được một việc mà thôi, thì khỏi phải cần để ý đến những việc khác.

- Việc đó là gì, thưa Thế Tôn?

- Ông có thể canh chừng tâm ý của ông chăng?

- Dạ được, bạch Thế Tôn.

- Vây thì ông chỉ canh chừng tâm của ông.

Rồi Thế Tôn nói Pháp Cú:

“Tâm khó thấy, tế nhị

Theo các dục cuồng quay

Người trí phòng hộ tâm

Tâm hộ an lạc đến”.

Chúng sanh bỏ mất cái tâm của mình, để cho nó chạy theo các dục để rồi khổ đau kéo dài vô tận.

Hạnh phúc chốn thiền môn

Tâm Phật, chúng sanh không sai biệt. Nhưng tại sao Phật thì lạc, còn chúng sanh lại khổ đau? Thế Tôn là bậc toàn giác, hoàn toàn làm chủ tâm của mình và Ngài luôn sống trong tỉnh thức. Vậy hạnh phúc của Phật là viên mãn. Còn chúng sanh luôn bỏ mất chân tâm mà sống với vọng tâm, nên càng ngày càng xa Phật pháp, đồng nghĩa với khổ đau. Nó lớn mãi theo thời gian, làm chúng sanh thêm nhiều bất an phiền muộn. Tu hành là tìm hạnh phúc. Thế sao hạnh phúc đâu chẳng thấy? Phải chăng, Phật đã bỏ chúng sanh? Không đâu! Thế Tôn luôn ở bên ta. Chỉ cần quay đầu lại sẽ nhìn thấy ánh mắt từ bi của Người. Nhìn lại chính mình để về với chân tâm. Mặc dù cái tâm kia tế nhị khó thấy, nhưng ta làm chủ nó, ta sẽ nhận ra nó.

Chúng sanh bỏ mất cái tâm của mình, để cho nó chạy theo các dục để rồi khổ đau kéo dài vô tận. Tâm luôn là đối tượng của các dục. Vậy nên, lơi lỏng là nó sẽ chạy theo trần cảnh bên ngoài, quay cuồng với dục vọng, để nhận về một kết cuộc đau thương não nề. Tâm an thì vạn sự an. Vậy tâm buông lung làm sao ta an được? Hãy nhớ lời Phật dạy phòng hộ tâm, đừng theo đuổi dục trần, vì tất cả những thứ đó chỉ là ảo hóa, có đó rồi mất đó, vui đó rồi khổ đó. Bởi vì bản chất của các dục là vui ít khổ nhiều, ngọt ít đắng nhiều. Dùng chánh niệm làm ngọn đuốc, soi sáng cho tâm đi đúng hướng.  

“Tham tiền tiền làm cho não ruột

Mến sắc sắc chuốc cho ưu sầu”.

Thật vậy, say sưa với dục là làm bạn với khổ đau. Đưa tâm về đúng vị trí của nó, thì an lạc sẽ tìm đến chúng ta. Một ngôi nhà tối trăm năm, nhờ ngọn đèn mà sáng tỏ; một cái tâm thiếu phòng hộ, nhờ thu thúc mà làm chủ được hạnh phúc. Bởi thế, hành giả luôn luôn sống với sự giác tỉnh, để tâm ta an trú trong thành trì kiên cố, không bị bọn giặc ngũ dục quấy phá, cướp mất công đức.

Say sưa với dục là làm bạn với khổ đau. Đưa tâm về đúng vị trí của nó, thì an lạc sẽ tìm đến chúng ta.

Cho đi còn hạnh phúc hơn nhận về

Cứ ngỡ rằng phải cầu Nam khấn Bắc gì đó mới an lạc, không ngờ rằng chỉ cần an trú tâm, phòng hộ tâm là hạnh phúc liền có mặt. Tuy nhiên, tâm khó nắm giữ, cũng khó thấy. Vậy muốn điều phục được nó, hành giả cần nỗ lực hết mình. Dùng lời Phật để soi sáng cho bước chân của mình, làm cho tâm luôn tỉnh giác. Phòng hộ tâm là ngăn ngừa phiền não xâm lấn, ý thức được đâu là khổ đau, đâu là hạnh phúc. Khổ đau được trá hình với dạng con mồi dính lưỡi câu. Nếu tham đắm hương vị của miếng mồi, nhất định bị hại bởi lưỡi câu. Cũng vậy, khi tâm chạy theo các dục, nhất đinh sập bẫy của ác ma.

Hành giả hãy chọn cho mình con đường của bậc trí, nghĩa là luôn phòng hộ tâm mình để an lạc luôn có mặt. Tu hành thì có nhiều phương pháp, nhưng muốn được chân hạnh phúc, chúng ta cần quay về với cái tâm của mình.

“Đường này đến thế gian

Đường kia đến Niết-bàn

Tỳ-kheo đệ tử Phật

Hãy ý thức rõ ràng”.

Khổ đau hay hạnh phúc là do chúng ta chọn, và mỗi con đường là do tự chúng ta đi. Phật chỉ là bậc Đạo sư, phần còn lại là do sự tinh tấn của mỗi chúng ta. Hãy cố gắng tiến bước, nhất định sẽ gặt hái về thành quả của an lạc sau bao ngày khó nhọc. Cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Người đã cho con một lối đi về.

Theo PHẬT GIÁO
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/lam-chu-tam-la-lam-chu-hanh-phuc-d43687.html
...