GIA ĐÌNH

Hãy trân quý nhân duyên làm người

01/11/2024 - 11:30

Sanh trong cõi người là có cơ hội thăng tiến lên các cảnh giới cao hơn nhiều nhất. Sanh được làm người gặp được Phật pháp là có cơ hội tu tập định tuệ hướng tới giác ngộ giải thoát ra khỏi luân hồi cao nhất.

TS. Thích Hạnh Tuệ

Chúng ta sinh ra là đã được làm người, nên cứ cho đó là chuyện dĩ nhiên, chuyện đương nhiên. Vì nghĩ như vậy, nên không ít người biết quý trọng đúng mức nhân duyên thù thắng, phúc đức được làm thân người trong nhân loại.

Chúng ta cùng chú tâm đọc một bài kinh ngắn trong Tương Ưng bộ kinh để nhận thức cho rõ vấn đề: Làm người khó hay dễ và được tiếp tục tái sinh làm người là khó hay dễ.

Vấn đề này rất quan trọng, nếu không hiểu rõ, đến khi đã mất thân người, chúng ta sẽ hối tiếc không kịp:

Một thời, đức Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Sau chuyến du hành, rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và nói với các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, các ông nghĩ thế nào? Cái gì là nhiều hơn, chút đất này Ta lấy trên đầu móng tay hay quả đất lớn này?

Bạch Thế Tôn, nhiều hơn là quả đất lớn này và ít hơn là chút đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay. Không thể đi đến ước tính, không thể đi đến so sánh quả đất lớn với chút đất mà Thế Tôn đã lấy trên đầu móng tay.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, rất ít là chúng sanh được tái sanh làm người. Còn rất nhiều là chúng sanh phải tái sanh ra ngoài loài người (không được làm người).

Do vậy, này các Tỷ kheo, các ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ sống không phóng dật”.

(Theo kinh Tương Ưng Bộ II, chương 9 - Đầu ngón tay)

Empty

Lời thêm:

Phàm là người có học hành, tu dưỡng, hướng đến đời sống lương thiện, tốt đẹp và tích cực, thì đã nghe qua câu:

Thân người khó được mà dễ mất 

Phật pháp khó nghe nhưng quý giá

Chúng ta đang được, đã được sinh ra làm người, đầy đủ sáu căn, nên cứ nghĩ là hiển nhiên như vậy mà chưa biết quý trọng đúng mức.

Vì chưa nhận thức rõ sự quý giá của thân người, cũng như chưa hiểu rõ được chúng ta đã tạo nhân duyên gì mà nay được sinh ra làm người, 6 căn đầy đủ, tướng mạo khả quan, mọi thứ cũng tương đối tốt?

Dưới tuệ nhãn của Phật, thì con người phải sống lương thiện, tập theo 5 điều đạo đức: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không gian dối, không say sưa nghiện ngập thì mới có hi vọng tiếp tục được tái sanh làm người.

Nói đến đây chợt nhớ câu Nho ngày xưa: Vi nhân nan, vi nhân thậm nan. Nghĩa là làm người khó làm người quá khó.

Nếu làm người mà lại sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, dối trá, say sưa nghiện ngập thì chắc không có cơ hội tái sanh làm người.

Những lời này vô cùng quý giá cho con người, cho nhân loại, rất mong chúng ta cùng nghĩ kỹ để khỏi hối hận về sau.

Sanh trong cõi người là có cơ hội thăng tiến lên các cảnh giới cao hơn nhiều nhất. Sanh được làm người gặp được Phật pháp là có cơ hội tu tập định tuệ hướng tới giác ngộ giải thoát ra khỏi luân hồi cao nhất.

Hãy trân quý nhân duyên làm người. Cùng tu tập đạo đức trí tuệ để thăng hoa tinh thần, phát huy giá trị làm người.

Theo PHẬT GIÁO
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/hay-tran-quy-nhan-duyen-lam-nguoi-d87942.html
...