GIA ĐÌNH

Hạnh phúc giản dị mà ta bỏ quên bên đường

10/07/2025 - 09:30

Có câu chuyện, tôi đọc được ở đâu đó, hôm nay gặp lại - thông qua một bức vẽ. Nội dung chuyện kể rằng: Có một người đàn ông, ngồi buồn mơ về một đôi giày để mang cho ấm và làm đẹp, làm sang.

Song, niềm mơ ước ấy chỉ là giấc mơ... xa vời, càng nghĩ anh càng buồn. Rồi, bất chợt, có một người đi ngang qua, người ấy di chuyển cực kỳ khó khăn trên một chiếc xe đẩy, từng chút một vì đã bị mất hai chân. Người đàn ông bừng tỉnh, không còn cảm thấy đời mình héo rũ, buồn xo vì không được như mơ nữa, vì ít ra, anh vẫn còn đôi chân, còn có thể di chuyển dễ dàng...

Câu chuyện ngắn ngủn vậy đó, nhưng bài học đạo lý thì dài và nhắc mãi muôn đời có khi vẫn nguyên giá trị, vẫn thấm thía với chính mình, với nhiều người.

Đôi khi ta hay "trèo cao", hay "mơ xa"... nên ta không biết quý những điều bình thường, giản dị nhưng thật sự là điều mơ ước của nhiều người.

 Minh họa cho câu chuyện.

 Minh họa cho câu chuyện.

Bạn có còn nhớ câu ca dao "Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người"? Hiếm có ai nghĩ được như thế nên đa số người ta lục đục, người ta khổ, đương nhiên không phải chỉ là chuyện chồng con mà là những-vần-đề liên quan tới mỗi người chúng ta trong cuộc sống. Khi có cái này, người ta lại mơ tới cái kia, cái khác xa hơn, cao hơn chứ không chịu bằng lòng, nghĩa là không biết trân trọng để sống với cái đang có, để rồi chẳng có cái gì để sống với một cách đầy đủ ý nghĩa của sự cảm nhận cuộc sống mầu nhiệm đang diễn ra.

Thiền sư gọi đó là "mộng": Gá thân mộng/ Dạo cảnh mộng/ Mộng tan rồi/ Cười vỡ mộng/ Ghi lời mộng/ Nhắn khách mộng/ Biết được mộng/ Tỉnh cơn mộng (HT.Thích Thanh Từ).

Ở đây, bạn đừng hiểu lầm tôi khuyên bạn sống không có ước mơ hay sống lầm lũi cam phận. Ý của tôi là muốn chia sẻ câu chuyện "an trú trong hiện tại", chạm vào những điều mình đang có và thong dong, thảnh thơi tiến bước thì hạnh phúc liền tay. Giống như người đàn ông trong câu chuyện tôi kể (hay nhắc lại) ở trên, chỉ cần anh ấy thay đổi ý niệm giữa một bên là đòi hỏi, tha thiết đến buồn đau, quằn quại điều chưa có (chưa thể, hoặc không thể có) trong đời này (đôi giày) với việc tiếp xúc với cái mình đang có, cái mình đang may mắn (hơn) nhiều người thì mình sẽ liền lúc đó, cám ơn cuộc đời.

Xa hơn, cũng có thể hiểu rộng ra rằng, những điều mình dự định đạt được thì cần phải có lộ trình, phải làm (thực hiện) một cách nghiêm túc, cố gắng thường xuyên, đúng đắn, khoa học... chứ không thể ngồi mơ mà có, cầu không mà thành rồi than thân trách phận, sao "số" mình khổ...

Ông bà mình có câu "Ngó lên mình chẳng bằng ai/ Ngó xuống... chẳng ai bằng mình". Tất nhiên, ở đây tôi không khuyến khích bạn nhìn xuống, nhìn lên để phân biệt rồi tủi thân hay khinh chê người khác, mà là muốn-mong bạn hãy hạnh phúc với những gì mình đang là, để có thể sống thật sự với cụm từ "nếm trải mùi vị thanh lương" của chính bản thân, bởi bạn là một thực thể riêng biệt, duy nhất. Bạn đừng cố là ai đó cũng như đừng cố đua cho bằng ai đó.

Sự thật, bạn chỉ cần biết phát huy cái hay của bản thân, hạn chế cái chưa hay (tất yếu) trong vai con người của mình thì bạn đã có cơ may chạm tay vào hạnh phúc, an vui rồi, đúng không?

Theo PHẬT GIÁO
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/hanh-phuc-gian-di-ma-ta-bo-quen-ben-duong-d93502.html
...