Đâu mới là bình an đích thực?
Chỉ cho tới khi mọi việc diễn ra không như ý, ta mới bắt đầu loay hoay đi tìm bình an. Đôi khi ta hoang mang, đôi khi ta trốn tránh thực tại đang diễn ra.
Cuộc sống là một chuỗi được - mất, vui - buồn, lên - xuống.
Khi gặp những cảm xúc và hoàn cảnh tích cực, thường ta sẽ tận hưởng mà đôi khi ngủ quên luôn trong cái dục lạc tạm thời đó. Vì mải mê nên ta không nhìn ra, ngay trong những cái được của thế gian là đã có tiềm ẩn sẵn những cái mất rồi.
Ví dụ như khi ta vui vẻ và tự hào vì bản thân có sự tiến bộ trong tu tập, thì ngay nơi vui đó, ta chỉ cần một chút dễ dãi, buông lơi để tâm chạy tự do mà thiếu đi sự nhận biết là lập tức, ta đã vướng vào những chướng ngại nối tiếp của tâm.
Hay việc ta mới trúng một dự án nào đó và có một khoản lời hậu hĩnh, hoặc mới xây được một căn nhà thật đẹp, thì ngay trong cái được đó đã đi kèm những dấu hiệu rằng niềm vui này cũng chỉ là thoáng qua, hoặc thậm chí tiềm ẩn những sự đánh đổi - có thể là về sức khỏe, lo lắng, hoặc những điều kiện bất lợi mới phát sinh, do ta vì vui quá mà sử dụng những giá trị vật chất đó chưa hợp lý.
Trong đạo hay đời đều vậy, không khác.
Bởi vậy mà ta thấy, cuộc đời ta cứ bị kéo đi bởi hết vui đến buồn, cứ mãi lên rồi xuống như vậy. Những dòng cảm xúc, tâm trí đó sẽ đi từ những khối to lớn tràn từ thân tâm ra ngoài hoàn cảnh - như những háo hức - thất vọng; cho đến những chấm nhỏ âm ỉ trong lòng - như những dễ chịu - khó chịu của từng ý niệm đang liên tiếp khởi lên.
Bình an giả tạm...
Chỉ cho tới khi mọi việc diễn ra không như ý, ta mới bắt đầu loay hoay đi tìm bình an. Đôi khi ta hoang mang, đôi khi ta trốn tránh thực tại đang diễn ra. Ta luôn tìm kiếm một nơi nào đó để mang lại cho ta cảm giác tâm tĩnh lặng, đầu óc trống rỗng và cơ thể thư thái, mặc kệ cho hoàn cảnh thực tại có dồn dập đến với ta thế nào.
Ta cứ nghĩ bình an là dù bất kể gặp chuyện gì, ta cũng có một nơi chốn tĩnh lặng để an trú vào, dù cho đó có ở ngoài cảnh hay trong tâm, để ta có cơ hội được ở thật yên lắng và đẩy đi những ý niệm, vọng tưởng, lo lắng đang cuộn sóng cả bên trong lẫn bên ngoài. Hoặc ta mải miết tìm lại những cảm xúc vui vẻ, vô lo.
Điều đó không sai, nhưng vẫn chưa đủ. Bình an tương đối như vậy mới chỉ là hình ảnh phản chiếu để ta tạm hình dung ra con đường dẫn tới bình an tuyệt đối.
Sự tĩnh lặng mà ta có được đó thực ra chỉ là một trạng thái của tâm, khi điều kiện bên ngoài đủ thì trạng thái đó xuất hiện - Là khi không có hoặc tránh né những sự kiện bất như ý đang diễn ra, khi ở trong một môi trường yên lắng, ta mới trở về được trạng thái đó.
Bình an giả tạm và bình an đích thực nếu chỉ quan sát ở chiều cạn thì không có sự khác biệt quá lớn. Nhưng thực chất nó bao gồm nhiều giai đoạn và những bước tiến hóa rõ rệt của tâm. Bởi vậy, hành giả cần phải thực sự sống sâu sắc một cách miên mật từng khoảnh khắc mới có cơ hội tự nhận ra được rõ ràng cho chính mình. Khi đó, chỉ tự người đó biết được mà "À!" lên một tiếng với chính mình, mọi lời nói hay biểu hiện ra bên ngoài khi này đều là thừa thãi.
Vậy bình an đích thực ở đâu?
Đường quay trở về sự bình an tuyệt đối sẽ ngày một sáng rõ, bắt đầu từ khi ta thấy ĐƯỢC không còn tự đắc, MẤT không còn sợ hãi; thấy VUI không còn sung sướng, BUỒN không còn thất vọng; ta trọn vẹn và bình thản trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi không vui, không buồn - một cách tự nhiên mà không hề cố gắng.
Ta không hề đè nén, mà đi sâu vào trọn vẹn với sự di chuyển của tâm qua lại giữa hai cực đối đãi của mọi suy nghĩ, cảm xúc, nhưng đồng thời cũng nhận biết rõ về một tâm BIẾT đang tĩnh lặng làm nền cho tất cả các đối tượng ấy hiện lên. Rõ ràng mà không dính.
Tuy nhiên, thấy rõ thôi vẫn chưa đủ, đây mới là lúc ta bắt đầu sự tu tập để sống thuần thục hơn với cái thấy ra con người chân thật. Từ đó, mỗi hành giả vẫn cần một thời gian rèn luyện tâm thật miên mật cho tới khi chín muồi.
Để luôn sống được ngay nơi con người chân thật khi ta chưa được như các vị Thầy Tổ, thì ta biết, ta cần rất nhiều thời gian, sự liên tục nhắc mình và cả sự miên mật quan sát mọi đối tượng đến đi trong thân - tâm - cảnh.
Cho tới khi ngay cả sự quan sát ấy cũng không còn cần thiết, việc tu hay không cũng không còn quan trọng, khi mọi tìm cầu dừng lại, là khi bình an tuyệt đối lập tức hiện tiền, không bị dính với bất kỳ trạng thái cảm xúc nào khác, nhưng đồng thời cũng không còn ranh giới phân biệt, như trong kinh Bát Nhã có nói:
"Sắc tức là không
Không tức là sắc
Thọ tưởng hành thức
Cũng đều như thế..."
Đây là một trong những khái niệm trừu tượng nhất khi nói về lý thuyết trong triết học Phật giáo, nhưng cũng lại là trạng thái sáng rõ nhất đối với mỗi hành giả sống thiền và có trải nghiệm thực tế.
Mỗi ngày từng chút như vậy, chính là ta đang bước từng bước chắc chắn trên hành trình sống thiền. Cảnh có thể tĩnh hay động, tâm trí và thân thể cũng vậy, nhưng tâm thiền thì vẫn luôn tịch tĩnh chiếu sáng và hòa vào mọi duyên mà ứng pháp. Việc cần làm vẫn làm, việc cần buông tự buông, không còn mảy may dính mắc.
Được không tự hào
Mất không sợ hãi
Tâm luôn vững chãi
An ngay hiện tại.