GIA ĐÌNH

Chúng ta khổ đau, phiền não hoài vì nắm chặt những thứ này...

04/07/2024 - 09:30

Trong cuộc sống này đau khổ chỉ đến khi chúng ta không chấp nhận nó, dính mắc vào nó.

Ví dụ con mất cha mẹ, cha mẹ mất con, v.v, hoặc giả chúng ta dính mắc vào những lời chê bai, sỉ nhục, đố kỵ, v.v của người khác. Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng thấy có rất nhiều người họ cũng đối diện với cái chết của bố mẹ, người thân, hoặc giả cũng bị sỉ nhục, chửi rủa nhưng họ không khổ, như các bậc có tu, cụ thể là Đức Phật.

Đức Phật cũng có người thân, nhưng lúc cha Ngài mất, Ngài rất bình thản vì Ngài hiểu rõ còn trong ba cõi, cụ thể sanh vào cõi người có sanh ắc phải có tử, đó là quy luật, cho nên Ngài rất bình thản.

Và Ngài cũng bị vô số lần nhục mạ, đổ oan, chửi mắng nhưng Ngài cũng bình thản khi đối diện.

Hiểu biết về cuộc sống giúp ta an bình đối diện, chấp nhận và vượt qua nhẹ nhàng

Hiểu biết về cuộc sống giúp ta an bình đối diện, chấp nhận và vượt qua nhẹ nhàng

Đức Phật khác với chúng ta về phương diện trí tuệ. Ngài bị người ta sỉ nhục nhưng Ngài nhìn lại những điều họ nói về Ngài không có điều nào đúng cả nên Đức Phật có dạy rằng: “cái bánh họ cho nhưng chúng ta không nhận thì nó thuộc về họ thôi”. Về điểm này cũng là bài học cho chúng ta khi ai đó nói xấu hay sỉ nhục mình thì trước hết ta phải quay lại kiểm điểm bản thân. Nếu mình có những điều họ nói thì chúng ta nên thầm cảm ơn họ vì họ giúp ta nhắc nhở. Còn ngược lại thì hãy xem họ chửi đối tượng nào đó không phải mình.

Trong cuộc sống này cái mang lại khổ đau cho ta chính là cái tôi và cái của tôi. Muốn có cho bằng được cái mình thích là tham, nhưng muốn mà không được thì sân. Nhưng bậc Thánh cũng sống ở đời, đối duyên xúc cảnh nhưng với tâm vô tham, vô sân, vô si vì các Ngài thấy rõ chẳng có gì là tôi và chẳng có thứ gì là của tôi cả, mọi thứ đều là pháp duyên sanh, đủ duyên thì hiện hữu, hết duyên thì biến mất.

Các bậc Thánh “đối cảnh vô tâm”. Cái vô tâm ở đây là các Ngài thấu rõ Chân lý nên không còn dính mắc nữa. Còn chúng ta khi đối duyên xúc cảnh là sanh phiền não, phân biệt, chấp trước và có cái tật hay đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh. Cũng như khi đưa tay xuống cái giếng thì lúc nào chúng ta cũng chỉ nhìn thấy cái giếng sâu chứ không mấy người nhìn thấy cái tay mình ngắn cả.

Mọi chuyện đến với chúng ta chính là tiến trình nhân quả. Người này đến làm cho chúng ta đau khổ, người nọ đến làm cho chúng ta vui hoặc đưa đẩy chúng ta đến với hoàn cảnh khắc nghiệt, hoặc thuận lợi thì đều là nhân quả chúng ta đã tạo, chứ nó không tự nhiên tới. Vậy điều cần làm là chúng ta không nên trách cứ ai hay buồn bã mà cần phải nhìn nhận sự thật buông bỏ, chấp nhận và cố gắng thay đổi cái nhân hiện tại tốt hơn. Cho nên việc đau khổ nó đến từ tà kiến, sự nhận thức sai lầm.

Tóm lại, khi có chánh kiến, chánh tư duy... thì đời sống sẽ bình an, hạnh phúc. Còn ngược lại, còn tà kiến, tà tư duy... thì đời sống sẽ phiền não, khổ đau. Hạnh phúc hay khổ đau là do mình, đừng tránh hay đổ lỗi cho ai cả.

Mong rằng mọi người học Phật càng ngày càng phát sanh trí tuệ để đoạn trừ mọi phiền não trong tâm, bình an mỗi ngày.

“Ái luyến sinh sầu ưu

 Ái luyến sinh sợ hãi

 Ai giải thoát ái luyến

 Không sầu đau sợ hãi”

 

Theo PHẬT GIÁO
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/chung-ta-kho-dau-phien-nao-hoai-vi-nam-chat-nhung-thu-nay-d84723.html
...