GIA ĐÌNH

Cháu tôi suốt ngày dán mắt vào điện thoại

13/09/2024 - 08:30

Cháu tôi năm nay học lớp 8 đang ở lứa tuổi có những bước chuyển về mặt tâm sinh lý. Tôi thấy lo lắng thật sự vì thói quen này của cháu.

Tuổi thơ tôi gắn liền với miền Trung đầy nắng gió. Ngày nhỏ, lũ trẻ chúng tôi ở quê có đầy ắp những trò chơi đặc biệt là mỗi khi hè về.

Quê nghèo, gia đình nghèo khiến cho các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính… với tuổi thơ chúng tôi là những thứ đã trở thành quá xa xỉ.

Nhưng chính sự thiếu vắng điện thoại, máy tính, máy chơi game… đã mang lại cho chúng tôi tuổi thơ thật dữ dội và đầy ắp kỷ niệm mà nhiều bạn bè tôi sau này khi nghe kể cũng phải ghen tỵ.

Thế rồi tuổi thơ đó theo chúng tôi lớn lên qua từng năm tháng. Bạn bè tôi có đứa ở lại quê, có đứa đi học rồi định cư ở những miền quê xa xôi khác nhưng mỗi lần gặp nhau trong hơi men của những chén rượu nồng hay những chén nước chèn đặc chúng tôi lại ngồi ôn lại tuổi thơ cùng cùng nhau cười òa.

Tôi may mắn được học hành và lập nghiệp ở thủ đô Hà Nội. Từ trung tâm thủ đô về quê tôi cùng không mấy xa xôi, phần vì sau này bố mẹ tôi già cả phần vì có phương tiện nên tôi thường xuyên về thăm quê hơn. Mỗi lần về quê tôi lại thích thú với cảm giác được nhìn quê hương đổi mới, giàu lên trông thấy, các cháu tôi ngày một lớn nhưng lại thoáng buồn khi bố mẹ và anh chị tôi già đi.

Trải qua tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm với những trò đùa nghịch trên đám rạ, ruộng vườn nên tôi hay quan tâm tới thói quen vui chơi của lũ trẻ ở quê. Mỗi lần nhìn thấy sự khác biệt tôi lại thầm so sánh với mình ngày xưa để rồi lại cười thầm vì những sự may mắn đã qua.

 Lũ trẻ bây giờ thích dán mắt vào điện thoại hơn là những cuộc nói chuyện với nhau (Ảnh minh họa)

 Lũ trẻ bây giờ thích dán mắt vào điện thoại hơn là những cuộc nói chuyện với nhau (Ảnh minh họa)

Bọn trẻ giờ khác, từ thành thị đến nông thôn chúng nó không còn yêu thích mấy trò chơi xưa cũ. Phần vì những bãi hoang ngày xưa chúng tôi vui đùa, đá bóng nay đã không còn. Những con kênh rạch chúng tôi từng học bơi nay ô nhiễm không ai dám đặt chân xuống. Cũng phần vì sự phát triển của công nghệ, kinh tế nên học sinh cấp 2, cấp 3 đứa nào cũng được bố mẹ sắm cho chiếc smartphone đầy đủ chức năng.

Ở tuổi mới lớn, dễ hiểu các cháu thích Facebook, Youtube… hơn những trò vận động bên ngoài. Đáng buồn là những người làm cha mẹ không nghĩ đến những ảnh hưởng ghê gớm từ điện thoại, mạng xã hội mang lại cho con mình.

Cháu tôi năm nay học lớp 8, ở độ tuổi “dở ông dở thằng” cũng như những bạn bè khác đam mê điện thoại hơn học hành, vận động.

Mặc dù đã nhiều lần tôi nhắc nhở anh chị tôi cũng như nói chuyện với cháu mỗi khi có dịp nhưng mỗi lần về quê tôi lại chứng kiến hình ảnh quen thuộc cháu dán mắt cả ngày vào điện thoại đến quên cả ăn uống.

Nói nhiều, răn đe cũng có nhưng cháu không ý thức được việc học hành, vui chơi. Mọi thứ với cháu đã nằm gọn trong chiếc điện thoại vật bất ly thân không rời nửa bước.

Tôi thấy lo ngại thật sự cho cháu khi bố mẹ mải mê công việc, mưu sinh mà quên mất cần phải dành thời gian cho con, dạy dỗ con.

Đáng buồn, không chỉ cháu tôi mà những đứa trẻ khác ở quê cũng có thói quen như cháu. Cách nhau vài bước chân nhưng giờ chúng nó giao lưu, nói chuyện qua Facebook, chát chít rồi đủ trò trên đó.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, có phải vì mình đã già đến mức không thể bắt kịp sự thay đổi của thế giới lũ trẻ hay chính chúng nó đã thay đổi quá nhanh để không còn hiểu được thế giới tuổi thơ thật sự.

Tôi không dám nghĩ nhiều đến tương lai của chúng nhưng đâu đó xa xôi tôi đã giật mình sợ hãi khi nghĩ đến những hậu quả mà chúng nó có thể phải gánh chịu từ chính những điều mà thế giới ảo đang mang đến.

Theo GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Nguồn: https://giadinhonline.vn/chau-toi-suot-ngay-dan-mat-vao-dien-thoai-d144596.html
...