Buông bỏ nỗi đau
Đức Phật khuyên chúng ta nên thường xuyên quán về sự chết mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, thậm chí trong mỗi hơi thở. Điều này sẽ giúp chúng ta tinh tấn hơn, tinh cần đoạn diệt gốc rễ phiền não từ tâm ô nhiễm, cấu uế và vô minh này.
Tất cả chúng ta ai rồi cũng phải chết, đó là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, chúng ta hãy làm quen với cái chết và biết cách đối diện với nó.
Trong cuộc sống, có lúc chúng ta phải đau khổ vì xa cách khi người thân lìa đời. Như trường hợp của tôi. Ông bà nội tôi mất khi tôi còn rất nhỏ nên tôi chưa cảm nhận hết nỗi đau. Khi lớn lên, những hồi ức về ông bà trong tôi cũng chỉ là những hình ảnh mơ hồ. Năm tôi 20 tuổi, ông bà ngoại cũng lần lượt qua đời chỉ cách nhau vài ngày. Lúc này, tôi mới thật sự cảm nhận, tổn thất cùng lúc hai người thân quả là một nỗi đau rất lớn. từ đó, gánh nặng lại đè lên vai ba mẹ tôi, một gia đình thuộc diện kinh tế mới tại đất Sài Thành đầy lạ lẫm, bon chen. Nghe kể, ông bà rất thương trẻ nhỏ, nhất là con cháu trong nhà, luôn sống thân thiện với mọi người, chất phác, hiền hậu nhưng không thiếu kỹ cương nề nếp. Cái chết đến với ông bà như có điềm báo trước. Cách đó vài ngày, ông bà gọi các con cháu lại để răn dạy đủ điều. Hôm đó, bà còn nấu một nồi chè đậu đen nước cốt dừa đãi cả gia đình rồi mỉm cười ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Thời gian trôi qua, những tưởng nỗi đau nào rồi cũng đi vào quên lãng. Nhưng không, lại một lần nữa tôi tận mắt chứng kiến cảnh Ba tôi đau đớn ra đi. Là con của ông bà, nhưng tính tình Ba tôi lại trái ngược, tính ông thô lỗ, cộc cằn, cờ bạc, sát sanh đủ món. Có lẽ do tích góp nhiều nghiệp bất thiện nên ông gánh chịu nhiều bệnh căn. Lúc đầu ông mắc bệnh phổi, gia đình đưa ông đi viện điều trị, thời gian sau sinh ra bệnh đường ruột, phải mổ cắt bỏ ruột thừa, sau đó phát hiện thêm bệnh bướu ở cổ, tiếp tục mổ lần thứ hai. Và cứ như thế, ông được chuyển đến nhiều bệnh viện theo yêu cầu của bác sĩ. Anh em chúng tôi thay phiên nhau túc trực chăm sóc ông.
Hôm đó, tôi đứng bên cạnh giường ông. Lúc này, ông yếu lắm. Ông nói:
- Con đưa Ba về nhà đi, Ba chịu không nổi nữa rồi. Ba đau lắm!
Nghe giọng thều thào yếu ớt trong cơn đau của Ba, lòng tôi quặn thắt, hai hàng nước mắt tuôn rơi. Tôi nói:
- Ba đang điều trị, Ba chưa khỏe nên chưa về được!
Cố nén cơn đau, Ba nghẹn ngào:
- Ba không muốn chết ở nơi đây đâu con!
Thế là chúng tôi đành xin giấy cho ông xuất viện. Sau khi về nhà được một hôm, hôm sau ông mất. Có lẽ vì quá đau đớn, nên khi mất ông vẫn không nhắm mắt. Tôi cố nén nỗi đau, nhưng thật lòng là tôi đã khóc rất nhiều. Sau tang lễ, tôi trở lại nghĩa trang đào đất trồng hoa xung quanh phần mộ cho ông. Lành thay, cũng chính nhân duyên này đã đưa tôi đến với đạo Phật. Được biết Phật pháp, hiểu lời đức Phật dạy, bao nỗi đau trong tôi cũng từ đó vơi đi. Và rồi, một ngày đầy nắng, tôi buông bỏ mọi trần duyên, chính thức đi trên con đường an lạc, giải thoát mà đức Thế Tôn đã đi qua.
Nhà Phật dạy: “Thật là vô minh khi chúng ta cứ để đau khổ luống theo thời gian, và rồi trôi lăn theo nghiệp trong vòng sinh tử luân hồi”.
Nói thật trong cuộc sống, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh mất người thân, gia đình ly tan. Nhìn cảnh ấy, ai lại chẳng đau lòng. Nhưng đời sống đôi lúc được hạnh phúc, cũng có khi đau buồn là điều khó tránh khỏi. Hạnh phúc hiện hữu, ta lại cảm thấy nó qua nhanh, do bản thân không hề trân trọng. Nỗi buồn ghé đến, ta liền ôm ấp, gặm nhấm mà không biết cách chuyển hóa để chúng qua đi. Đời sống của mỗi người như một tuồng kịch, được mở màn với tiếng khóc của ta lúc chào đời và kết thúc bằng tiếng khóc tiễn đưa của những người xung quanh. Thế nên, mỗi người hãy tự biên tập và diễn xuất sao cho vỡ tuồng đời mình để lại những giá trị cao đẹp cho cuộc đời.
Theo Phật giáo, chúng ta hãy tin sâu nhân quả, nghiệp báo, tích cực vun bồi thiện nghiệp, tán dương cho việc không làm tổn hại hoặc giết chóc dù là một sinh vật nhỏ bé. Người làm lành gặp quả lành, người làm ác gặp quả báo ác. Hãy luôn luôn gắn bó, là bạn đồng hành với thiện nghiệp, quy y Tam bảo, thọ trì năm giới theo lời đức Phật dạy. Khi tâm ta được thanh tịnh thì tất cả mọi phiền não, khổ đau không còn nữa. Dẫu vô thường có đến, ta vẫn an nhiên thanh thản đón nhận và khởi đầu một chuyến hành trình mới tốt đẹp, hứa hẹn bên kia.