Bạo lực gia đình: Tại sao nạn nhân không rời đi?
Câu hỏi quen thuộc được đặt ra trong dư luận, sau những vụ bạo hành mà nạn nhân chịu tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần, là:“Tại sao họ không rời đi?”.
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước đoạn video ghi lại cảnh DJ Ximer hành hung vợ ngay tại nhà riêng. Hình ảnh người chồng liên tục đánh vợ - người vừa sinh con được năm tháng – đã gây bão phẫn nộ trong cộng đồng mạng.
Người vợ sau đó giải thích rằng, nguyên nhân đến từ mâu thuẫn cá nhân giữa hai vợ chồng. Và sau khi xảy ra xô xát, chồng cô đã chủ động xin lỗi, cam kết không tái phạm.
Dù cảm thấy thất vọng, nhưng vì con còn quá nhỏ, bản thân còn thương chồng và tin vào khả năng hàn gắn, cô vẫn lựa chọn tha thứ.
Đó chỉ là một ví dụ trong vô số trường hợp diễn ra - ồn ào có, âm ỉ có - khi bạo lực gia đình vẫn là vấn nạn nghiêm trọng trên toàn thế giới, và phụ nữ tiếp tục là nhóm dễ tổn thương nhất.
Theo UN Women, gần 1/3 phụ nữ trên toàn thế giới từng bị bạo hành – một con số cho thấy mức độ phổ biến và nghiêm trọng của vấn nạn này.
Tại Việt Nam, tình hình còn đáng lo ngại hơn. Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ (2020) chỉ ra rằng, cứ 3 phụ nữ Việt thì có gần 2 người – tương đương 63,8% – từng bị ít nhất một hình thức bạo lực hoặc kiểm soát hành vi từ chồng trong suốt cuộc đời.
Câu hỏi quen thuộc được đặt ra trong dư luận, sau những vụ bạo hành gia đình, nạn nhân chịu tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần, là: “Tại sao họ không rời đi?”.

Nhiều phụ nữ chọn cách im lặng chịu đựng
Sự phụ thuộc kinh tế vào đàn ông
Thực tế cho thấy, rất nhiều phụ nữ chọn âm lặng chịu đựng, chấp nhận bỏ qua thay vì tìm cách giải thoát cho bản thân sau khi bị bạo hành.
Một trong những lý do quan trọng đó là, phụ nữ thường rơi vào thế phụ thuộc kinh tế, và đó là một trong những lý do quan trọng khiến họ không thể rời đi sau các vụ bạo hành.
Phụ nữ thường phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc con cái và gia đình, những công việc không lương nhưng tiêu tốn nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt, giai đoạn sinh con, nuôi con nhỏ là thời điểm phụ nữ dễ tổn thương nhất về kinh tế.
Nhiều người gặp khó khăn về chỗ ở, thiếu nguồn tài chính độc lập và không biết tìm kiếm sự trợ giúp từ đâu.
Họ cũng mang theo nỗi sợ bị mất quyền nuôi con, hoặc lo rằng tiếng nói của mình sẽ không được tin tưởng, nhất là khi kẻ bạo hành có địa vị, thu nhập cao hoặc tiếng nói trong cộng đồng.
Nguyên nhân đến từ “định kiến giới”

Vấn đề kinh tế không phải lý do duy nhất khiến phụ nữ ở lại trong cuộc hôn nhân bạo hành. Thực tế, nhiều phụ nữ có sự nghiệp vững vàng, tài chính độc lập nhưng họ vẫn không rời đi.
Đó là bởi định kiến xã hội sâu sắc về vai trò và “trách nhiệm” của người phụ nữ trong gia đình.
Xã hội mặc định rằng gia đình tan vỡ là thất bại. Và những khuôn mẫu như “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đẩy toàn bộ trách nhiệm giữ gìn hạnh phúc lên vai người vợ.
Họ lo sợ bị gọi là “qua một đời chồng”, lo con cái sẽ bị đánh giá, và đôi khi chính cha mẹ, người thân lại là những người phán xét họ nặng nề nhất.
Nguy hiểm hơn, các chuyên gia nhận định, nhiều phụ nữ không nhận ra mình đang là nạn nhân. Họ đã quen với việc chịu đựng, thậm chí coi bạo lực là một phần "bình thường" trong đời sống hôn nhân.
Rất nhiều phụ nữ bị chồng bạo lực nhưng giấu diếm, cũng không tìm kiếm sự hỗ trợ. Đây là kết quả của sự tự áp đặt do các định kiến giới đã ăn sâu vào nhận thức.
Những căn nguyên sâu xa về mặt tâm lý

" Chúng ta làm gì để cô ấy cảm thấy an toàn khi rời đi? " (Ảnh minh họa)
Theo Martin Seligman, nhà tâm lý học người Mỹ, “sự bất lực do học được” (learned helplessness) là hiện tượng khi con người tin rằng mình không thể thoát khỏi những điều tiêu cực trong cuộc sống.
Niềm tin ấy không tự sinh ra, nó được hình thành khi ai đó liên tục đối mặt với tổn thương mà không có cách nào kiểm soát, họ sẽ dần từ bỏ mọi nỗ lực thoát thân – kể cả khi có cơ hội.
Áp dụng vào các mối quan hệ bạo lực, điều này có nghĩa là nạn nhân có thể đã từng cầu cứu, phản kháng, tìm cách rời đi.
Nhưng sau nhiều lần bị làm ngơ, bị đổ lỗi hoặc thậm chí bị tổn thương nặng hơn, họ dần hình thành niềm tin rằng: “Không có gì có thể thay đổi được.” Và họ quyết định ở lại.
Các chuyên gia tâm lý và xã hội cũng chỉ ra rằng, nếu một đứa trẻ lớn lên trong gia đình mà bạo lực được coi là “chuyện vợ chồng”, rất có thể khi lớn lên, người đó sẽ coi sự cam chịu là một phần của tình cảm gia đình.
Ngoài ra, nhiều nạn nhân vẫn nuôi hy vọng rằng người gây bạo lực sẽ thay đổi. Họ cảm thấy yêu thương xen lẫn sợ hãi, trách nhiệm xen lẫn tội lỗi. Và trong sự rối loạn cảm xúc đó, họ bị trói chặt vào chính người làm tổn thương mình.
Cuối cùng, câu hỏi không nên là “Tại sao cô ấy không rời đi?” Câu hỏi đúng là: “Tại sao anh ta được tiếp tục đánh mà không bị ngăn chặn?
Hoặc sâu xa hơn “Chúng ta – cộng đồng, truyền thông, pháp luật – làm gì để giúp cô ấy cảm thấy an toàn khi rời đi?”