GIA ĐÌNH

9 cách đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2

07/01/2025 - 08:50

'Khủng hoảng tuổi lên 2' là một giai đoạn phát triển bình thường của trẻ nhỏ, khi trẻ mong muốn tự lập, thường dẫn đến những hành vi ngang bướng và giận dỗi.

Mặc dù nhiều phụ huynh thường nghĩ rằng khủng hoảng tuổi lên 2 xảy ra đúng vào sinh nhật 2 tuổi của trẻ, nhưng thực tế những dấu hiệu điển hình của giai đoạn này thường bắt đầu từ khoảng 18 tháng và có thể kéo dài đến 4 tuổi.

Dù tên gọi "khủng hoảng tuổi lên 2" nghe có vẻ đáng sợ, nhưng việc chăm sóc một đứa trẻ 2 tuổi không phải lúc nào cũng kinh khủng. Nếu bạn có thái độ và kiến thức đúng đắn, bạn có thể vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này dễ dàng hơn.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về khủng hoảng tuổi lên 2 và những lời khuyên của chuyên gia để vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng, tích cực và lạc quan.

Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?

 

 

Theo bác sĩ nhi khoa Ali Alhassani, trưởng khoa lâm sàng tại Summer Health, "khủng hoảng tuổi lên 2" (terrible twos) là một thuật ngữ dùng để mô tả những hành vi thách thức của trẻ ở khoảng 2 tuổi.

Một bài báo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Developmental Science giải thích rằng những hành vi như giận dỗi, hung hăng và thường xuyên không vâng lời là đặc trưng của độ tuổi này.

Lý do mọi người thường gọi giai đoạn này là "khủng hoảng tuổi lên 2" là bởi đây là thời điểm trẻ bắt đầu hình thành ý thức tự lập, phát triển thêm khả năng vận động mới, ý chí mạnh mẽ, nhưng sự phát triển cảm xúc và não bộ của trẻ vẫn chưa hoàn thiện. Điều này có thể dẫn đến nhiều sự thất vọng được biểu hiện ra bên ngoài.

Theo bác sĩ Alhassani, thuật ngữ "khủng hoảng tuổi lên 2" đã được sử dụng từ khoảng những năm 1950, thường mô tả một đứa trẻ khoảng 2 tuổi hay nói "không", có xu hướng chống đối người lớn và thường xuyên thay đổi tâm trạng.

Trẻ trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 cũng thường nổi giận "như thể trời sắp sập", bác sĩ Alhassani mô tả. Tuy nhiên, dù đôi khi hành vi của trẻ rất ồn ào, gây rối, song các bậc phụ huynh cần nhớ rằng đây là một giai đoạn phát triển bình thường.

Bác sĩ Alhassani giải thích: "Đây là hành vi bình thường và lành mạnh của một đứa trẻ đang phát triển não bộ nhanh chóng. Trẻ đang học cách thể hiện mong muốn của mình nhưng vẫn chưa có khả năng kiên nhẫn và điều chỉnh cảm xúc".

Ông cũng lưu ý rằng mức độ biểu hiện của "khủng hoảng tuổi lên 2" rất đa dạng. Một số trẻ sẽ thay đổi hành vi nhiều hơn, trong khi những trẻ khác có thể không khác biệt nhiều như vậy.

Khủng hoảng tuổi lên 2 bắt đầu khi nào?

Khủng hoảng tuổi lên 2 thường diễn ra mạnh nhất khi trẻ khoảng 2 tuổi. Tuy nhiên, cũng có những trẻ bước vào giai đoạn này sớm hơn (18 tháng trở lên) hoặc muộn hơn (từ 2 đến 3 tuổi), theo tiến sĩ tâm lý học Jennifer Weber, giám đốc Sức khỏe Tâm thần tại Trung tâm Nhi Khoa PM.

Nhiều trẻ cũng có thể có biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 2 sau khi tròn 3 tuổi. Có thể là do trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi với những yêu cầu về vệ sinh, đi mẫu giáo/nhà trẻ và những hạn chế xã hội, tiến sĩ Weber cho hay.

Dấu hiệu của khủng hoảng tuổi lên 2

 

 

Vậy làm thế nào để nhận biết con bạn đã bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2? Dưới đây là một số đặc điểm thường gặp:

  • Nói "không" thường xuyên hơn: Một dấu hiệu điển hình là trẻ thường xuyên từ chối, nói "không" với những việc bạn yêu cầu như mặc quần áo, ăn uống và đi ngủ.
  • Giận dỗi nhiều hơn: Trẻ cũng bắt đầu nảy sinh những cơn giận dữ vì những lý do nhỏ nhặt.
  • Tăng cường sự chống đối: Bạn cũng có thể nhận thấy con bạn cố tình không làm những việc bình thường hay làm.
  • Hành vi hung hăng: Khủng hoảng tuổi lên 2 cũng có thể dẫn đến những hành vi hung hăng như cắn, ném đồ vật và đập phá đồ chơi.

Các biểu hiện khác cần chú ý bao gồm thay đổi tâm trạng, la hét, đá hoặc khạc nhổ, cãi nhau (với anh chị em hoặc bạn bè) nhiều hơn bình thường.

Mặc dù những hành vi này thường gặp trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, nhưng điều đó không có nghĩa là con bạn sẽ có tất cả các biểu hiện. Các biểu hiện có thể khác biệt tuỳ mỗi đứa trẻ hoặc mỗi giai đoạn phát triển nhất định.

9 cách đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2

Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia để giúp cha mẹ vượt qua giai đoạn đầy thử thách này.

1. Điều chỉnh kỳ vọng của bạn

Bạn nên đặt kỳ vọng thực tế đối với hành vi của trẻ theo độ tuổi. Việc con bạn biết đi, biết nói và tự ăn uống không có nghĩa là chúng sẵn sàng cho những hướng dẫn cao cấp hơn. Vì vậy, hãy thông cảm cho con và cho chính bạn.

2. Khiến trẻ phân tâm

Nghiên cứu cho thấy làm trẻ phân tâm là một chiến lược rất hiệu quả mà bạn có thể sử dụng khi trẻ giận dỗi. Bạn cần nhớ rằng trẻ đang nổi giận do giai đoạn phát triển này, nên việc lý luận với chúng có thể không hiệu quả.

Làm trẻ phân tâm có thể giúp cả cha mẹ và con cái đối phó cho đến khi trẻ phát triển được khả năng đối mặt và kiểm soát cơn giận tốt hơn.

3. Chuẩn bị đồ ăn nhẹ sẵn sàng

Tránh cho trẻ đi chơi khi trẻ đói hoặc sắp đến giờ ăn. Nếu bé cần ra ngoài vào giờ ăn hoặc giờ ăn nhẹ thường ngày, hãy chuẩn bị đồ ăn nhẹ sẵn sàng cho trẻ.

4. Lập kế hoạch thưởng - phạt hành vi

 

 

Bác sĩ Weber đề xuất nên có một kế hoạch rõ ràng để khen thưởng hành vi tích cực và xử lý hành vi tiêu cực. Bạn có thể đưa trẻ ra khỏi môi trường không an toàn và/hoặc áp dụng hình phạt time-out.

Hình phạt time-out là hình phạt nhẹ, là hình thức tách trẻ ra khỏi tình huống mà con gây phiền nhiễu. Việc áp dụng hình phạt này nhằm mục đích giúp trẻ trở nên bình tĩnh, nhận thức đúng về hành vi của mình và ghi nhớ những gì mà mọi người mong muốn ở bé.

Khen thưởng hành vi tích cực có thể bao gồm khen ngợi con bạn mỗi khi chúng cư xử tốt. Tất cả điều này sẽ dạy cho con bạn những hành vi nào là chấp nhận được và những hành vi nào không. Điều này cũng cung cấp cho con nhiều cơ hội để học cách điều chỉnh cảm xúc.

5. Tạo môi trường an toàn cho trẻ

Để các món đồ dễ rơi vỡ ngoài tầm với của trẻ. Cung cấp cho trẻ một môi trường an toàn giúp đảm bảo rằng những cơn giận dỗi sẽ không gây ra hậu quả lâu dài.

6. Thiết lập thói quen nhất quán

Khả năng dự đoán trước các hành vi tiêu cực có thể rất hữu ích. Cha mẹ có thể giúp trẻ quản lý khủng hoảng tuổi lên 2 bằng cách thiết lập thói quen trước khi những cơn giận dỗi bắt đầu.

Cha mẹ có thể phản ứng nhất quán với các hành vi xấu và khen ngợi nhất quán đối với hành vi tốt. Tạo ra các thói quen hàng ngày đều đặn giúp bé có thể đoán trước việc tiếp theo là gì sẽ giúp giảm lo âu và giận dỗi.

7. Cho con 2 lựa chọn

Hãy cho trẻ được lựa chọn bất cứ khi nào có thể. Cha mẹ có thể cung cấp hai lựa chọn để cho trẻ cảm giác được quyền quyết định, trong khi cha mẹ vẫn duy trì sự kiểm soát.

Ví dụ, trong giờ ăn nhẹ, bạn có thể cho con chọn chuối hay táo. Trẻ được đưa ra một lựa chọn và có thể tự quyết định món ăn nhẹ của mình, nhưng những lựa chọn này đều nằm trong kiểm soát của cha mẹ.

8. Dạy con cách giữ bình tĩnh

Trẻ 2 tuổi cũng có thể học được cách đối phó với những cảm xúc mạnh. Cha mẹ có thể dạy trẻ các kỹ thuật như hít thở sâu để bình tĩnh lại, khi con đang không ở chế độ giận dỗi.

Nếu con bạn bắt đầu mất kiểm soát, bạn có thể nói: "Con đang mất bình tĩnh và khóc quá dữ dội. Chúng ta sẽ sang phòng khác, mẹ sẽ đợi cho con bình tĩnh lại rồi mình tiếp tục chơi nhé". 

Nhớ khen ngợi mọi nỗ lực tự bình tĩnh lại của con bạn. Dần dần, trẻ sẽ ngày càng giỏi hơn trong việc này.

9. Hãy kiên nhẫn

Khi bạn sắp nổi giận vì con, hãy ngồi xuống, tay đặt trên bụng, hít thở sâu ít nhất 3 lần. Tập trung vào sự lên xuống của bụng để bình tĩnh lại và có thể đồng cảm hơn với hành vi của con.

Khủng hoảng tuổi lên 2 không chỉ khó khăn cho trẻ mà còn cho cả cha mẹ. Cả con và chính bạn đều cần luyện tập và kiên nhẫn để vượt qua giai đoạn này.

Cách xử lý cơn giận dỗi của trẻ

 

 

Cơn giận dỗi là dấu hiệu đặc trưng của khủng hoảng tuổi lên 2. Nếu con bạn giận dỗi, bước đầu tiên quan trọng nhất là giữ bình tĩnh. 

Khác với trẻ lớn có thể giận dỗi để thách thức quyền lực của người lớn, trẻ 2 tuổi chỉ làm vậy vì nghĩ chúng có thể nhận được phản hồi.

Nếu cha mẹ phản hồi bằng cách la hét, đánh mắng thì họ chỉ đang truyền đạt cho trẻ rằng hung hăng là một cách giao tiếp chấp nhận được và có thể khiến cơn giận dỗi trở nên tồi tệ hơn.

Thay vào đó, nếu phải đối mặt với cơn giận dỗi của trẻ, bạn hãy thử một số chiến lược sau:

  • Cố gắng chuyển hướng sự chú ý của con sang nơi khác, chẳng hạn như một vật thể ngoài cửa sổ, một cuốn truyện hoặc một công việc mà trẻ có thể giúp đỡ.
  • Nếu không thể làm trẻ phân tâm, hãy bỏ qua hành vi. Trẻ ở độ tuổi này sẽ không nhận ra đây là chiến lược của cha mẹ. Thay vào đó, trẻ sẽ hiểu rằng hành vi này không mang lại phản hồi mà chúng muốn.
  • Đừng trao thưởng cho hành vi giận dỗi bằng cách cho trẻ món quà hoặc thứ gì đó mà chúng đang đòi hỏi.
  • Nếu bạn đang ở nơi công cộng, hãy đưa trẻ vào góc riêng, không cần tranh luận gì cả và đợi cho đến khi trẻ bình tĩnh lại. Nếu bạn cư xử khác nhau khi ở nơi công cộng và ở nhà, con sẽ cảm nhận được điều này và sẽ đấu tranh tâm lý với bạn.
  • Mặc dù time-out là một cách thích hợp để kỷ luật trẻ nhỏ, nhưng cha mẹ cần áp dụng với thái độ bình tĩnh. Nếu hành vi vẫn tiếp diễn, bạn có thể tước đi đặc quyền nào đó hoặc dùng các cách kỷ luật khác.
  • Nếu con đã bình tĩnh lại và cải thiện hành vi , đừng nhắc lại hoặc thảo luận về hành vi xấu đó. Thay vào đó, hãy khen ngợi hành vi tốt - không phải bằng quà tặng mà bằng lời nói và tình cảm.

Khi nào cần tìm kiếm hỗ trợ cho trẻ khủng hoảng tuổi lên 2?

Mặc dù hầu hết các hành vi của "khủng hoảng tuổi lên 2" là bình thường và trẻ sẽ vượt qua được, nhưng có một số hành vi cần hỗ trợ bên ngoài.

Theo tiến sĩ Weber, nếu bạn cảm thấy hành vi của con đang leo thang, trong đó có các hành vi tiềm ẩn nguy hiểm như đập đầu, làm tổn thương anh/chị/em hoặc phá hoại tài sản, hãy liên hệ ngay với bác sĩ nhi khoa của con.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy trẻ bị chậm nói có thể giận dỗi và hung hăng hơn vì gặp thất vọng, khó khăn trong giao tiếp.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ có thể giúp xác định trẻ có vấn đề về chậm phát triển nào hay không. Bạn cũng có thể nói chuyện với bác sĩ nhi khoa của con nếu có quan ngại về hành vi của trẻ hay nghi ngờ về chậm phát triển. Bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn nhà trị liệu, bác sĩ thần kinh, bác sĩ phát triển nhi khoa và các chuyên gia khác khi cần thiết.

Theo GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Nguồn:
...