TIÊU DÙNG

Vải thiều Lục Ngạn “được mùa, được giá”

16/06/2023 - 08:26

Năm 2023, tổng diện tích sản xuất vải của huyện Lục Ngạn là 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn…

Vải thiều có mã số vùng trồng vẫn giữ được giá bán cao.

Vải thiều có mã số vùng trồng vẫn giữ được giá bán cao.

Mùa thu hoạch vải thiều năm 2023 tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) bắt đầu từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7. Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch huyện Lục Ngạn, cho biết ngay từ đầu vụ đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến để tìm hiểu, khảo sát và ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều cho bà con.

XUẤT KHẨU CHIẾM MỘT NỬA SẢN LƯỢNG VẢI THU HOẠCH

Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện Lục Ngạn đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài (chủ yếu vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc).

"Hiện, đã có hơn 200 thương nhân Trung Quốc được Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đồng ý cho vào huyện Lục Ngạn để phối hợp thu mua vải thiều. Đặc biệt một số doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu trái vả sang thị trường châu Âu”.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.

Theo ông Thi, tổng diện tích sản xuất vải của huyện Lục Ngạn năm 2023 là 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn. Năm nay là một trong những năm có sản lượng xuất khẩu rất lớn.

Giá bán vải tại vườn đang có sự chênh lệch rất rõ giữa loại vải có chứng nhận GAP và vải không có chứng nhận GAP. Hàng chuẩn to đẹp, có GlobalGAP được doanh nghiệp thu mua với giá 35.000 đồng/kg để xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản. Vải đạt tiêu chuẩn VietGAP được thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc được thương lái trả giá 20.000-25.000 đồng/kg.

Trong khi đó, những vườn vải thiều Lục Ngạn không trồng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt như VietGAP, GlobalGAP, quả không to thì khá ế ẩm, chỉ được thương lái thu mua với giá trên dưới 10.000 đồng/kg, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Nếu tính mức giá bình quân khoảng 20.000 đồng/kg, trừ các chi phí, lợi nhuận của nông dân trồng vải đạt khoảng trên dưới 200 triệu đồng/ha.

Ông Thi cho biết đã xảy ra hiện tượng có một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng không phải của Lục Ngạn để xuất khẩu. “Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con hiểu, cam kết giữ thương hiệu, uy tín của vải Lục Ngạn vì nếu không giữ được mã số, thương hiệu thì thiệt hại rất lớn”, ông Thi cảnh báo.

Nhằm gia tăng giá trị cho trái vải, đồng thời giảm sức ép tiêu thụ khi vào mùa thu hoạch rộ, không chỉ xuất bán trái vải tươi, địa phương cũng thúc đẩy chế biến trái vải. Ngoài những sản phẩm phổ biến như vải thiều sấy khô, nước ép, giấm vải hay mật ong hoa vải… năm nay một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã chế biến ra nhiều sản phẩm.

Đơn cử như, năm nay lần đầu tiên HTX Thương mại và Du lịch An Phú, xã Tân Sơn đưa ra thị trường hai sản phẩm gồm bánh mỳ và bánh ngọt hương vải. Theo đó, bánh mỳ vải được làm từ bột mỳ trộn với nước ép vải, bên trong bánh có nhân chế biến vải thiều kết hợp cùi dừa tươi. Bánh ngọt bông lan cũng trải qua công đoạn ủ bột lên men và trộn với nước ép vải thiều.

Tương tự, năm nay lần đầu tiên HTX Du lịch Đồng Dao, xã Quý Sơn giới thiệu sản phẩm rượu vang vải thiều mang thương hiệu “Lệ Chi”. Ngoài ra HTX còn liên kết với một doanh nghiệp tại Hải Phòng chế biến thành công nến thơm vải thiều (dạng sáp) mang hương thơm và văn hóa đặc trưng.

Còn tại HTX Thương mại du lịch Trù Hựu, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) đã chế biến ra món trà vải. Thời gian tới, HTX này sẽ cho ra nhiều sản phẩm làm từ vải thiều như sữa chua vải, chè vải hạt sen và bánh vải nhằm phục vụ khách hàng.

MỞ ĐƯỜNG LỚN CHO VẢI THIỀU VƯƠN XA

Một vấn đề đặt ra cho năm nay là, do tình hình nắng nhiều, khô hạn, thiếu điện nên huyện Lục Ngạn đã có các đề xuất, kiến nghị với cơ quan chuyên môn cấp Tỉnh, Trung ương, nhất là điện lực để ưu tiên đảm bảo điện cho các xưởng sản xuất, vùng đóng gói và bảo quản vải thiều lớn cho Lục Ngạn.

“Chúng tôi cố gắng hạn chế thấp nhất việc cắt điện để bà con tiêu thụ vải thuận lợi. Với chỉ đạo của UBND Bắc Giang, tới đây sẽ có những khung giờ cắt điện, do vậy huyện đã đề nghị ngành điện rà soát để ưu tiên các vùng đang thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ vải thiều lớn”, ông Thi cho hay.

"Đến nay, huyện Lục Ngạn đã hoàn thành các dự án: Cải tạo, nâng cấp tuyến Trù Hựu - Sơn Hải - Hộ Đáp; tuyến Nam Dương - Đèo Gia, đường vành đai thị trấn Chũ. Cùng đó tổ chức thi công, nâng cấp xong tuyến đường 289 từ thị trấn Chũ đi Khuôn Thần, tuyến đường Trần Phú kéo dài..."

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.

Vào vụ thu hoạch vải thiều, một trong những vấn đề được ngành chức năng, chính quyền địa phương tại huyện Lục Ngạn luôn quan tâm đó là bảo đảm việc lưu thông cho các phương tiện được thuận lợi, an toàn, góp phần cho vải thiều được tiêu thụ nhanh chóng. Tuy nhiên do các phương tiện giao thông đổ về rất đông trong cùng thời điểm, nhất là đầu giờ sáng, trong khi điểm cân thường được đặt bên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ dẫn đến gây ùn ứ, tắc nghẽn cục bộ.

Để giải bài toán này, những năm qua huyện Lục Ngạn được quan tâm xây dựng nhiều tuyến đường mới cũng như nâng cấp các tuyến cũ. Qua đó tăng tính kết nối giữa các vùng cây ăn quả với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, giúp cho lưu thông.

Trên quốc lộ 31 qua địa bàn huyện Lục Ngạn hiện đang thi công 7 cầu, từ đầu tháng đến nay người dân đi bán vải gặp khó khăn, gây ách tắc. Trong đó cầu Sộp, cầu Sòi, cầu Gia Nghé, cầu suối Sâu, cầu Cát, cầu Từ Xuyên dự kiến hoàn thành và thông xe vào ngày 15/6.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho hay địa phương đang giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công dự án xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An - quốc lộ 31 - quốc lộ 1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa - Khuôn Thần. Đồng thời tổ chức phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Trù Hựu - Sơn Hải - Hộ Đáp dài 35 km, chuẩn bị làm tuyến Na Hem (xã Hộ Đáp) đến Bừng Ruộng (xã Thanh Hải) dài 9 km và mở mới tuyến từ quốc lộ 31 đi thôn Muối (xã Giáp Sơn) dài khoảng 1,2 km. Ngoài ra còn lập dự toán đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ xã Tân Sơn (Lục Ngạn) đi xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn)...

Ông Hải cho biết thêm, thời gian tới, Lục Ngạn tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương và Tỉnh thông qua các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư trung hạn để nâng cấp các công trình giao thông đối ngoại, tuyến đường huyện trọng yếu; nâng cấp một số đường liên xã lên thành đường huyện.

Theo vneconomy.vn
Nguồn: https://vneconomy.vn/vai-thieu-luc-ngan-duoc-mua-duoc-gia.htm?
...