Viêm phổi do vi khuẩn whitmore có biểu hiện thế nào?
Viêm phổi do vi khuẩn whitmore là thể bệnh hay gặp nhất, có biểu hiện lâm sàng giống với các viêm phổi mắc phải trong cộng đồng do các căn nguyên khác.
Whitmore là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, thường gia tăng vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11. Bệnh có diễn biến lâm sàng đa dạng, rầm rộ, đặc biệt ở phổi gây tình trạng viêm phổi, áp xe phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi, suy hô hấp nhanh. Vì vậy, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong chỉ trong vài ngày.
Viêm phổi do vi khuẩn whitmore là thể bệnh hay gặp nhất, có biểu hiện lâm sàng giống với các viêm phổi mắc phải trong cộng đồng do các căn nguyên khác.
Bệnh whitmore hay còn gọi là bệnh melioidosis do vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên. Loại vi khuẩn này tồn tại trong nước bẩn, đất, bùn và lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp vùng da tổn thương, trầy xước với các nguồn ô nhiễm hoặc hít phải các hạt bụi đất, nước chứa vi khuẩn.
Ở thời kỳ ủ bệnh whitmore trung bình là 9 ngày (thường là từ 1 - 21 ngày).Tuy nhiên, các biểu hiện thường xuất hiện khi tiếp xúc vi khuẩn từ 2 - 4 tuần.
Khi mắc người bệnh thường có các thể bệnh như: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng cơ, nhiễm trùng phần mềm,…cụ thể.
- Ở thể nhiễm trùng phổi do whitmore: Đây là thể tổn thương hay gặp nhất, biểu hiện của người bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn whitmore có thể viêm phế quản nhẹ, viêm phổi nặng, nặng hơn thì tiến triển đến áp xe phổi. Người bệnh thường có biểu hiện sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực, đau nhức cơ.
- Ở thể nhiễm trùng cục bộ do whitmore: Nếu nhiễm trùng trên da, đau hoặc sưng, loét và áp xe,… người bệnh có biểu hiện kèm theo sốt và đau cơ.
- Ở thể nhiễm trùng máu do whitmore: Khi vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp...
- Nhiễm trùng lan toả: Bệnh có thể lây lan từ da qua máu, có thể trở thành một dạng melioidosis mạn tính ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận, khớp và mắt.
Viêm phổi do vi khuẩn whitmore dễ chẩn đoán nhầm
Vì bệnh whitmore không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...
Bệnh whitmore có thể gặp ở mọi đối tượng, lứa tuổi tuy nhiên người lớn trong độ tuổi lao động dễ mắc hơn. Đặc biệt đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não.
Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh whitmore thường là:
+ Người bệnh có biểu hiện sốt
+ Biểu hiện viêm phổi ( Ho, đau ngực, sốt cao, đau đầu, chán ăn, …)
+ Xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí
+ Nhiễm trùng đường tiết niệu…
Yếu tố nguy cơ: Người bệnh có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp, thường xuyên với đất như nông dân. Đối tượng người già cũng rất dễ mắc vì hệ miễn dịch yếu.
Điều trị viêm phổi do vi khuẩn whitmore
Bệnh do vi khuẩn whitmore gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng máu, viêm phổi, áp xe nhiều cơ quan... Vì vậy, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong chỉ trong vài ngày.
Nhưng ngay cả khi được chẩn đoán đúng, việc điều trị bệnh cũng như viêm phổi do vi khuẩn whitmore cũng hết sức khó khăn vì vi khuẩn kháng nhiều kháng sinh và phải dùng kháng sinh đường tiêm liều cao tấn công kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 đến 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì trong khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.
Điều nguy hiểm nữa là bệnh whitmore dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ. Ngoài ra, việc điều trị bệnh phải mất nhiều thời gian và tốn kém nên nhiều bệnh nhân không có đủ khả năng để tiếp tục điều trị đến cùng… điều này dẫn đến tử vong.
Tóm lại: Vi khuẩn whitmore có thể sống ở tất cả mọi nơi trong đất ẩm, đặc biệt là trong đất canh tác nông nghiệp như đất trồng lúa. Đường lây nhiễm chính là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Lây nhiễm qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa.
Trong khi đó, bệnh do vi khuẩn có thể gây chết người do viêm phổi, nhiễm trùng máu. Trường hợp nặng nhất có thể suy nội tạng khi không điều trị kịp thời và đúng cách. Vì vậy, cần phải cảnh giác với bệnh này, đặc biệt la vào mùa mưa cần chủ động phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh kết hợp những triệu chứng trên, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.