SỐNG KHỎE

Thủ phạm gây tử vong cho bệnh nhân ung thư là gì?

13/06/2019 - 14:00

Theo thông tin từ Viện nghiên cứu ung thư Quốc gia, mỗi năm cả nước có khoảng 115 nghìn người tử vong do bệnh ung thư. Trong đó, 80% bệnh nhân sụt cân trong quá trình điều trị, 30% tử vong do suy kiệt trong quá trình điều trị ung thư.

Ăn kiêng để mất khối u

Nghiên cứu của Viện Ung thư cũng chỉ ra rằng bệnh nhân ung thư chỉ chú trọng điều trị mà chưa chú trọng tới các vấn đề dinh dưỡng.  Với bệnh nhân có dinh dưỡng tốt thì quá trình điều trị tiến triển hơn so với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng.  Nhiều bệnh nhân bị tử vong trong quá trình điều trị ung thư do cơ thể suy nhược thay vì do tế bào di căn, lan tràn.

Trường hợp của bệnh nhân N.T.H. (38 tuổi, trú tại Hà Tĩnh). Chị H. được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2. Bác sĩ khuyên chị phẫu thuật và hoá trị để điều trị bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ tư vấn rất cặn kẽ nhưng chị H. bỏ ngang không phẫu thuật mà chị tìm tới liệu pháp điều trị ung thư bằng muối mè, thiền. Suốt 4 tháng trời, chị nghỉ việc vào TP.HCM để học thiền và ăn cơm gạo lức với muối mè.

Tế bào ung thư không thể chết nếu người bệnh nhịn ăn - Ảnh minh họa: Internet

Tế bào ung thư không thể chết nếu người bệnh nhịn ăn - Ảnh minh họa: Internet

Khi khối u ung thư di căn gây đau đớn, chị H. mới trở về quê. Dù rất thương xót cho chị nhưng người thân cũng không làm gì giúp chị được vì khối u ở ngực đã loét rộng, gây đau đớn, di căn.

Chị H. được người nhà đưa lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh sau đó chuyển ra khoa Hồi Sức cấp cứu Bệnh viện K. Dù cố gắng nhưng bác sĩ cũng chỉ giúp chị giảm đau, hồi sức vì cơ thể chị suy nhược. Khi phát hiện bệnh chị H. nặng 58 kg, sau 4 tháng ăn kiêng chị còn 37 kg. Không những tế bào lan rộng mà chị H. còn bị suy kiệt rất nặng. Mới đây, PGS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết ông vừa phẫu thuật u não cho cháu bé 10 tuổi. Vài tháng trước, cháu bị u não nên bố mẹ cháu đến xin bác sĩ tư vấn. Bác sĩ khuyên mổ nhưng gia đình xin về. 

Vài tháng sau bệnh nhân quay lại gầy yếu, xanh xao, khối u lan to, nôn ói nhiều. Bác sĩ mới biết trong suốt mấy tháng qua bố mẹ cháu nghe người quen chỉ cách ăn kiêng trên mạng gọi là keto. Cháu bé chỉ ăn rau chứ không ăn thịt cá, uống sữa khiến cơ thể suy nhược, u to hơn. Bác sĩ phải thuyết phục mãi bố mẹ cháu mới đồng ý cho mổ vì mổ chậm nguy cơ tử vong rất cao.

Đừng chết vì kiêng khem

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, cho rằng bệnh nhân ung thư đừng quá kiêng khem vì kiêng khem gây suy nhược cơ thể và tử vong. GS Hùng cho biết có tới 30% bệnh nhân tử vong do suy kiệt cơ thể trước khi chết vì ung thư. Trong quá trình điều trị, có tới 80% bệnh nhân ung thư bị suy kiệt.

Suy kiệt do tác dụng phụ của bệnh ung thư, tế bào ung thư gây ra các biến chứng khiến bệnh nhân không ăn uống được. Có nhiều người bệnh họ cũng tự ăn kiêng vì nghĩ rằng mình ăn sướng thì tế bào ung thư được ăn sướng nó sẽ phát triển nhanh chóng nên đành nhịn để tế bào ung thư chết.

Khi tế bào ung thư chưa kịp chết thì người bệnh đã chết vì suy kiệt. Chính vì thế, các bác sĩ chuyên khoa ung bướu đều cho rằng bệnh nhân ung thư cần được chăm sóc dinh dưỡng. Điều này rất quan trọng vì người bệnh có sức đề kháng tốt, khả năng trị bệnh ung thư tốt, đề kháng kém khó chống chọi lại với bệnh tật.

Những thực phẩm bệnh nhân ung thư nên ăn - Ảnh minh họa: Internet

Những thực phẩm bệnh nhân ung thư nên ăn - Ảnh minh họa: Internet

Theo GS. BS Nguyễn Chấn Hùng, một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao....sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư chứ không phải là "cung cấp thêm chất đạm cho khối u" như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Hơn thế nữa, nên chiều theo khẩu vị của người bệnh, chia nhỏ các bữa ăn để người bệnh dễ hấp thụ dưỡng chất. Người nhà cũng nên khuyên người bệnh chịu khó vận động, ít nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.

Nếu người bệnh cảm giác chán ăn do tác dụng phụ của ung thư cần ăn nhiều bữa trong ngày.

Nếu người bị bị thay đổi khẩu vị, Giáo sư Hùng cho biết người bệnh có thể súc miệng trước khi ăn; ăn những loại trái cây có vị chua như cam, quýt, chanh, bưởi... ngoại trừ trường hợp những bệnh nhân đang bị tổn thương đau ở miệng, hầu họng; ăn bữa nhỏ nhiều lần trong ngày; tăng cường ăn những thức ăn khoái khẩu và không nên ăn nhiều thịt đỏ; sử dụng các loại gia vị và nước sốt trong món ăn... Những cảm giác khó chịu mất mùi vị sẽ hết sau quá trình điều trị.

Theo Bảo Lâm/Phụ Nữ Sức Khỏe
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/thu-pham-gay-tu-vong-cho-benh-nhan-ung-thu-la-gi-c25a319117.html
...